Phát biểu thảo luận chiều 25/6, Phó Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực nhắc lại việc triển khai các kết luận kiểm tra, thanh tra, việc xử lý nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp không có vùng cấm; việc xử lý kỷ luật cán bộ lãnh đạo, kể cả cán bộ cấp cao hoặc nghỉ hưu khi có vi phạm đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cán bộ, đảng viên, và các tầng lớp nhân dân. Việc này tác động mạnh mẽ đến nhận thức và hành động của người có chức vụ, đồng thời củng cố niềm tin của nhân dân vào quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.
Đồng tình với đánh giá về kết quả, hạn chế, yếu kém và bài học kinh nghiệm trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đã kiến nghị 6 nhóm giải pháp tới Ban chỉ đạo trung ương về PCTN: Kiểm soát, ngăn chặn nguy cơ tham nhũng từ việc xây dựng chính sách; kiểm soát quyền lực bằng cơ chế trách nhiệm; công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn hướng tới hạn chế thanh toán bằng tiền mặt.
Thông tin việc dự kiến tại Điều 17 dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) có quy định về việc “UB Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên và các tổ chức, cá nhân có liên quan xây dựng và công khai báo cáo phản biện xã hội về công tác PCTN”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cam kết Mặt trận đồng tình và sẵn sàng nhận nhiệm vụ.
Tuy nhiên, một trong những yếu tố phát huy quyền làm chủ của nhân dân thì phải có cơ chế thỏa đáng để MTTQ Việt Nam có điều kiện và thực lực để giám sát, phản biện xã hội về PCTN, lãng phí. Nhân dân phải có điều kiện được tham gia rộng rãi và phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội thông qua MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên. Vấn đề đặt ra là quy định công khai, minh bạch, đặc biệt là trong những lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí và cơ chế hậu giám sát, phản biện xã hội cần được quan tâm phù hợp hơn.
Kiên quyết xóa các loại “chạy” trong công tác cán bộ
Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho rằng, cần quyết liệt, đổi mới công tác cán bộ theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, rõ ràng, nhất quán, chặt chẽ; giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng trước đây trong công tác cán bộ; kiên quyết xóa bỏ tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy tội, chạy bằng cấp, chạy tuổi, chạy khen thưởng và các loại chạy khác trong công tác cán bộ đã trở thành quyết tâm chính trị của Đảng, với nhiều quy định được ban hành đồng bộ, khả thi.
Ông Trạc đánh giá khái quát, UB Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên đã tập trung giám sát về thực hiện công khai các kết luận thanh tra, về công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; tích cực tham gia phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; phối hợp tổ chức thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, hoạt động của các Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, giúp nâng cao vai trò giám sát của xã hội ở cơ sở, góp phần hạn chế tiêu cực, tham nhũng.
Tuy nhiên ông Trạc cũng nhìn nhận, các loại “chạy” trong công tác cán bộ chậm được ngăn chặn, đẩy lùi. Ở một số bộ, ngành, địa phương việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý còn nhiều trường hợp thiếu điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực; bố trí người thân vào vị trí việc làm vi phạm quy định pháp luật về PCTN. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, chuyển đổi vị trí công tác, kiểm soát tài sản, thu nhập, tặng quà, nhận quà còn nhiều hạn chế, vướng mắc, hiệu quả thấp.
Theo đó, số vụ việc, vụ án được phát hiện, xử lý chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng, nhất là công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương. Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ trong quá trình giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp vẫn chưa được ngăn chặn hiệu quả, “một bộ phận cán bộ chính quyền còn hành động gây tai tiếng cho bộ máy do tham nhũng, lợi ích nhóm”.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương một lần nữa nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm mà Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đề ra là tăng cường giám sát, kiểm soát quyền lực để đảm bảo quyền lực được vận hành công khai, minh bạch, đúng đắn, để quyền lực không bị "tha hóa". Xây dựng và hoàn thiện cơ chế giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn thực sự có hiệu lực, hiệu quả để ngăn ngừa tham nhũng theo nguyên tắc: mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn; lạm dụng, lợi dụng quyền lực phải truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm.
“Phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân và cơ quan truyền thông, báo chí trong PCTN” – ông Trạc phân tích.
Kỷ luật Đảng nghiêm hơn pháp luật
Cùng với đó, theo ông Trạc cần rà soát, hoàn thiện quy định của Đảng và Nhà nước về xử lý kỷ luật, về những điều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức không được làm, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng với kỷ luật hành chính của Nhà nước. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, nghiêm minh, công khai, làm nghiêm từ trên xuống dưới. Tăng cường giáo dục kỷ luật, tăng cường chấp hành kỷ luật, dùng kỷ luật nghiêm minh và giám sát nghiêm khắc để cán bộ, đảng viên biết kinh sợ, nhớ điều cấm, giữ giới hạn, quen làm việc và sinh sống trong môi trường bị giám sát và ràng buộc.
Đặt kỷ luật của Đảng lên trước pháp luật, nghiêm hơn pháp luật; kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật; đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Xử phạt người trước răn đe người sau, xử phạt số nhỏ để giáo dục số đông, truy tố một vụ cảnh tỉnh cả vùng. Phải quán triệt và thực hiện phương châm: phòng ngừa, giải quyết sớm, “chữa cây bệnh, bỏ cây hỏng” trong kỷ luật của Đảng.
Phó Bí thư thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, cần tăng cường vai trò của cấp ủy thực hiện những vụ việc sau kết luận thanh tra kiểm tra, vì các kết luận làm rất nghiêm nhưng không thực hiện các kết luận sau thanh tra, kiểm tra thì không hiệu quả, không thể thu hồi được tài sản tham nhũng; đồng thời đẩy mạnh công tác thi hành án đẩy nhanh tiến độ các vụ việc để nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử. Vì công tác điều tra, truy tố, xét xử rất vất vả, đến khi có bản án mà không triển khai thi hành án thì cũng sẽ không đem lại kết quả như mong muốn thực tế.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, nhiều doanh nghiệp người dân có tâm lý chịu lót tay cho các cơ quan thì mới xong việc. Do đó để nâng cao hơn nữa vai trò người đứng đầu trong thực hiện quán triệt cơ quan có chức năng PCTN, tầm quan trọng xử lý vụ việc xử lý tham nhũng, người đứng đầu làm hạt nhân trọng tâm, xử lý các vụ việc tiêu cực dễ tham nhũng…
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn