Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ là người chốt lại phiên chất vấn tại UB Thường vụ Quốc hội chiều 15/8. Đăng đàn sau cùng, ông cam kết tiếp thu các ý kiến các đại biểu Quốc hội nêu ra tại phiên chất vấn để chỉ đạo, lãnh đạo tốt hơn, nhất là những nội dung mà các Bộ trưởng, Trưởng ngành đã làm nhưng kết quả còn hạn chế hoặc mới đang làm dở dang.
Phó Thủ tướng trả lời câu hỏi của đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định), Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) về chất lượng công tác xây dựng pháp luật khi tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn luật vẫn còn.
Phó Thủ tướng khẳng định, thời gian qua, Chính phủ đã rất quan tâm, dành nhiều thời gian hơn cho nhiệm vụ xây dựng thể chế, pháp luật trong các phiên họp. Từ đầu năm tới nay, Chính phủ cũng đã họp 3 chuyên đề về xây dựng pháp luật. Thủ tướng cũng quán triệt Bộ trưởng cần ngồi ở các phiên giải trình luật nên không ai thoái thác được. Tổ Công các của Thủ tướng thì thường xuyên đôn đốc các bộ, ngành về nhiệm vụ này…
Dù thế, những hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật vẫn không hết được, biểu hiện ở tình trạng luật trình còn chậm, dự án luật phải rút khỏi chương trình, nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, Chính phủ hiện còn nợ 18 văn bản trong đó có 2 nghị định hướng dẫn luật.
Nguyên nhân của tình trạng nợ đọng văn bản, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, suy cho cùng là do chưa tuân thủ quy trình, trình tự của luật Ban hành văn bản, sự quan tâm của một số tư lệnh ngành với việc này chưa đúng mức, thời gian cho phép ban hành còn ngắn mà các vấn đề có nhiều diễn biến phức tạp, thay đổi nhanh, sự phối hợp liên bộ còn trục trặc, có nhiều hạn chế…
Phó Thủ tướng hứa thời gian tới sẽ chấn chỉnh, thực hiện nghiêm luật Ban hành văn bản. Thủ tướng cũng cho công khai danh sách cán bộ, ngành nợ đọng văn bản, yêu cầu nâng cao năng lực soạn thảo, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở các Bộ, ngành.
Về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL mà rất nhiều đại biểu quan tâm, chất vấn, Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ luôn quan điểm, đây là khu vực có vị trí chiến lược về quốc phòng an ninh, là cứ điểm số một của quốc gia về an ninh lương thực. Đầu tư cho khu vực này, theo thống kê đang đứng thứ 3 trong tổng số 6 vùng của đất nước. Theo Phó Thủ tướng, như vậy, số vốn đầu tư bố trí cho khu vực này không phải quá thấp.
Tuy nhiên, do đặc điểm của vùng là cơ sở hạ tầng quá thấp, điều kiện giao thông phức tạp vì kênh rạch chằng chịt, chỉ làm một vài cây cầu đã rất tốn kém, nền đất lại rất yếu nên đường nào cũng đội chi phí lớn, lại phải đối mặt với biến đổi khí hậu… nên số tiền rót vào ĐBSCL chưa mang lại sự thay đổi đáng kể.
Chính phủ đang hướng tới đầu tư cho những liên kết vùng, kết nối khu vực với TPHCM, kết nối các loại hình giao thông, cả đường bộ, đường thủy, đường hàng không, nhất là đường thủy nội địa, một lợi thế rất lớn của khu vực. Về hàng không, dự kiến tới đây là nghiên cứu mở nhiều đường bay mới kết nối với sân bay Cần Thơ, nâng cấp sân bay Phú Quốc…
Riêng với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Phó Thủ tướng xác nhận thông tin, Chính phủ đã đồng ý bố trí thêm 2.000 tỷ đồng, đoạn Mỹ Thuận – Cần Thơ thêm 930 tỷ đồng từ nguồn ngân sách vượt thu năm 2018. Ông Huệ giải thích, nếu Quốc hội phê duyệt khoản chi này thì có thể giải ngân tiền ngay. Theo đó, nếu mọi việc thuận lợi thì năm 2020 có thể thông toàn tuyến đường từ TPHCM đi Cần Thơ.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) hỏi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về chống tham nhũng vặt khi tình trạng này chưa cải thiện đáng kể, người dân vẫn rất khó chịu khi phải đến làm việc ở các cơ quan vì hiện tượng nhũng nhiễu. Nguyên nhân việc này do đâu, giải pháp nào khả thi thời gian tới?
Phó Thủ tướng nêu quan điểm, bên cạnh việc đấu tranh làm rõ những đại án, những vụ tham nhũng lớn, các cơ quan từ Đảng, Quốc hội, Chính phủ đều chú trọng nhiệm vụ đấu tranh với tham nhũng vặt vì “nó như những tổ mối nhỏ có thể gây đổ vỡ cả những con đê cao lớn, nó làm suy thoái cái bộ, làm xói mòn niềm tin, làm tăng chi phí của doanh nghiệp…”.
Muốn chặn tham nhũng vặt, theo ông Huệ, căn bản nhất là phải có chính sách pháp luật rõ ràng để chống tình trạng gây khó khăn, vòi vĩnh, nhũng nhiễu của cán bộ công chức khi giải quyết các dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp.
Ngoài ra, Chính phủ hướng tới việc ứng dụng CNTT, “sao để việc giải quyết thủ tục hành chính bằng công nghệ triển khai được tới mức độ 4, nghĩa là trả tiền qua mạng, thì mới ngăn được sự tiếp xúc của người dân với người cung cấp dịch vụ”, giám sát bằng camera, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thực hiện nghiêm việc luân chuyển cán bộ, nhất là với những lĩnh vực có nguy cơ cao...
Phó Thủ tướng cho biết, mới đây, Thủ tướng cũng ban hành Chỉ thị số 10, tổ chức hội nghị toàn quốc để chấn chỉnh những biểu hiện vòi vĩnh, nhũng nhiễu của cán bộ công chức viên chức.
Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) đặt câu hỏi với vị lãnh đạo Chính phủ, bao giờ hết cảnh tách sản xuất kinh doanh ra khỏi hoạt động quản lý nhà nước? Bao giờ hết cảnh biến độc quyền nhà nước thành độc quyền của ngành?
Trả lời, Phó Thủ tướng phân tích, việc lập UB Quản lý vốn nhà nước vừa qua chính là để tách chức năng sản xuất kinh doanh khỏi 5 chức năng của quản lý nhà nước. Vấn dề còn lại là phải xây dựng mối quan hệ, phương thức phối kết hợp với nhau giữa cơ quan quản lý nhà nước với UB này để chống được việc gây khó khăn chậm chễ cho điều hành của doanh nghiệp.
P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn