110 chung cư chưa nghiệm thu phòng cháy dân đã vào ở, trách nhiệm thuộc ai?

Thứ sáu - 16/08/2019 08:42
(Dân trí) - Câu hỏi được đặt ra, các Uỷ viên UB Thường vụ Quốc hội đều băn khoăn, lo ngại vì các hướng khắc phục trong tình huống này đều khó khăn, kém khả thi, trang bị thêm thiết bị, làm tầng chống cháy cũng khó, trông chờ vào phương tiện ứng cứu bên ngoài như xe thang, vòi cứu hoả, thậm chí trực thăng chữa cháy cũng đầy rủi ro.
110 chung cư chưa nghiệm thu phòng cháy dân đã vào ở, trách nhiệm thuộc ai?
Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt chủ trì cuộc giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy chữa cháy.

Ngày 16/8, UB Thường vụ Quốc hội khép lại nội dung phiên họp 36 với buổi thảo luận về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014- 2018”.

Dẫn báo cáo của Chính phủ, đoàn giám sát cho biết, trong giai đoạn từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018, cả nước đã xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người; thiệt hại về tài sản ước tính 6.524,8 tỷ đồng và 6.462 héc-ta rừng.

Trung bình mỗi năm xảy ra 3.287 vụ cháy, làm chết 87 người, bị thương 206 người, thiệt hại về tài sản trị giá 1.631,2 tỷ đồng và 1.615,5 héc-ta rừng. Trung bình mỗi ngày xảy ra 9 vụ cháy, làm chết hoặc bị thương 1 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4,4 tỷ đồng và 5,3 héc-ta rừng.

Về kết quả triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy chữa cháy, báo cáo giám sát nêu, một số công trình mới xuất hiện tại Việt Nam có tính chất đặc thù nhưng chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy còn phải vận dụng căn cứ vào các tiêu chuẩn nước ngoài như của Mỹ, Nga, Nhật, Hàn Quốc.

Điển hình như các tòa nhà chung cư cao trên 75 mét, nhà công năng khác cao trên 50 mét, trung tâm thương mại ngầm, nhà máy lọc hóa dầu, công nghiệp khí đốt, kho ngầm bảo quản xăng dầu, cơ sở bảo quản chế biến LPG bằng công nghệ lạnh...

Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt cho biết, việc vận dụng, áp dụng các tiêu chuẩn của nước ngoài cũng làm nảy sinh không ít khó khăn do tính đồng bộ giữa hệ thống cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật của Việt Nam và các quốc gia này chưa tương ứng.

Đáng chú ý, theo báo cáo giám sát, hiện nay cả nước vẫn còn 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy, trong đó chủ yếu là các công trình được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy chữa cháy (năm 2001) có hiệu lực.

Tính đến tháng 7/2018, cả nước vẫn tồn tại 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy.

Theo báo cáo của Chính phủ, nguyên nhân chủ yếu là do chủ đầu tư tự ý điều chỉnh thiết kế, thi công sai so với thiết kế được duyệt, lựa chọn, lắp đặt các hệ thống, thiết bị phòng cháy chữa cháy không đồng bộ, kém chất lượng dẫn đến hệ thống không hoạt động theo đúng chức năng nên chưa đủ điều kiện để được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy.

Mặt khác do sức ép về thời hạn xây dựng công trình nên chủ đầu tư phải bàn giao nhà cho người dân vào ở trong khi chưa hoàn thiện hệ thống kỹ thuật phòng cháy chữa cháy. Việc xử lý đối với các công trình này còn gặp nhiều khó khăn do liên quan đến mặt bằng kết cấu xây dựng và kinh phí đầu tư khắc phục.

Nhấn mạnh trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các công trình xây dựng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, phải quan tâm đến giai đoạn trước khi đưa dân vào ở.

“110 chung cư chưa nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy mà dân đã vào ở thì trách nhiệm thuộc về ai?” - ông Thanh đặt câu hỏi.

Trực thăng chữa cháy cũng… không ăn thua

110 chung cư chưa nghiệm thu phòng cháy dân đã vào ở, trách nhiệm thuộc ai? - Ảnh minh hoạ 2
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ kể kinh nghiệm tổ chức chữa cháy bằng trực thằng

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ thông tin đối với các nhà cao tầng thì không có thang cứu hoả nào đủ cao đến hết các tầng. Theo ông, các toà nhà phải có tầng chống cháy riêng mới giải quyết được vấn đề vì dùng trực thăng chữa cháy cũng không đơn giản, chưa chắc hiệu quả.

Ông Tỵ kể, năm 2010, khi còn công tác tại Bộ Quốc phòng, ông đã điều trực thăng lên cứu hộ cháy rừng Fansipan, nhưng phương tiện xuống hồ Sapa múc được nước đưa lên núi để dội xuống thì nước chưa đổ đến nơi đã bốc hơi hết, còn nếu bay gần đám cháy hơn thì cháy cả máy bay.

“Chung cư tôi đang ở hỏi ra thì nhiều hộ cũng chưa được trang bị kiến thức phòng cháy chữa cháy. Ban ngày, nhiều nhà chỉ có osin ở nhà, những người giúp việc đó liệu có kỹ năng phòng cháy chữa cháy?” - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến băn khoăn.

Cũng liên quan đến phòng cháy ở nhà cao tầng, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu kể một lần ông đi nước ngoài, được đưa lên tầng 72 xem một cái hồ mà ban đầu ông tưởng là hồ bơi nhưng sau mới biết đó là hồ phòng cháy, được thiết kế để khi nào có hoả hoạn ở tầng nào thì sẽ xả nước theo quy trình xuống tầng đó, để chữa cháy.

“Còn tại Việt Nam, nhà công vụ của tôi, 125m2, không có dụng cụ chữa cháy nào. Nếu cháy thì chỉ có tìm mọi cách thoát ra chứ chẳng có gì chống cháy cả” – ông Giàu

Dẫn lại con số 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế, bà Nguyễn Thanh Hải đề nghị cần công khai ngay để dân biết.

P.Thảo

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây