Phó Chủ tịch Quốc hội: “Sau việc làm luật có vấn đề lợi ích, tôi biết đấy!”

Thứ năm - 09/05/2019 10:04
(Dân trí) - “Làm luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, tôi không ngại gì cả. Tôi không quen biết doanh nghiệp kinh doanh rượu bia nào. Nhưng tôi cũng biết đằng sau chuyện xây dựng luật này có vấn đề lợi ích đấy” – Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cảnh báo…

Báo cáo, xin ý kiến UB Thường vụ Quốc hội về việc chuẩn bị chương trình kỳ họp thứ 7 chiều 9/5, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp này là 20 ngày, khai mạc vào ngày 20/5 và bế mạc vào ngày 14/6/2019.

Phó Chủ tịch Quốc hội: “Sau việc làm luật có vấn đề lợi ích, tôi biết đấy!”

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo về chương trình dự kiến kỳ họp thứ 7 của Quốc hội

Ông Phúc cho biết, đến thời điểm hiện nay, phần lớn các tài liệu kỳ họp vẫn chưa được gửi đến đại biểu Quốc hội (chỉ có 5 dự án luật trình Quốc hội thông qua được gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội).

Trên cơ sở tổng hợp các nhu cầu thông tin cần cung cấp, Văn phòng Quốc hội đã phối hợp với Công ty AIC triển khai xây dựng phần mềm ứng dụng cung cấp thông tin, tài liệu kỳ họp cho đại biểu Quốc hội dùng trên các thiết bị di động.

“Theo đó, mỗi đại biểu sẽ có một chiếc iPad để sử dụng tại hội trường, dùng để tra cứu được tất cả tài liệu, trừ tài liệu mật”, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông tin.

Về các ý kiến đóng góp từ đại biểu với nội dung kỳ họp, Tổng thư ký Quốc hội phản ánh, có ý kiến đề nghị bổ sung báo cáo của Chính phủ (gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu) về tình hình và kết quả xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương.

Về bố trí chương trình kỳ họp, có ý kiến đề nghị bố trí thảo luận các nội dung (thay vì gửi đại biểu tự nghiên cứu): việc sử dụng vốn vay, quản lý nợ công; kết quả kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu trong việc để xảy ra các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để đại biểu và cử tri theo dõi, giám sát.

Ý kiến khác đề nghị giảm thời gian tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn từ 2,5 ngày xuống còn 2 ngày, tăng thời gian thảo luận đối với một số dự án luật còn nhiều ý kiến khác nhau.

Trên cơ sở nghiên cứu các ý kiến đóng góp, căn cứ tình hình thực tế và thời gian tiến hành kỳ họp, Tổng thư ký Quốc hội đề nghị giữ thời lượng dự kiến với các nội dung làm việc của Quốc hội, trong đó có việc duy trì 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn.

Phạt tài xế "ma men" lao động công ích?

Thảo luận về các nội dung, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị xem xét đưa vào nghị quyết của Quốc hội để có giải pháp với một số vấn đề rất nóng giữa hai kỳ họp của Quốc hội. Đó là tình hình tai nạn giao thông nhất là dùng ma tuý rượu bia gây tai nạn, những trọng án về ma tuý số lượng lên đến hàng tấn, việc xâm hại trẻ em và xâm hại tình dục trẻ em,  tình trạng giết người và giết nhiều người do dùng ma tuý đá.

Tán thành đề xuất có nghị quyết xử lý những vấn đề nóng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm, lái xe mà sử dụng ma tuý thì tước bằng vĩnh viễn, còn uống rượu bia lái xe chưa gây tai nạn thì có thể phạt lao động công ích như nạo vét sông Tô Lịch vì nếu chỉ phạt tiền, 15-10 triệu đồng nhiều người cũng sẵn sàng nộp ngay.

Dư luận đang xem phản ứng của Quốc hội thế nào với những vấn để bức xúc, nghị quyết xử lý một số vấn đề trong đó có say rượu bia lái xe cần có chế tài nghiêm khắc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu.

Phó Chủ tịch Quốc hội: “Sau việc làm luật có vấn đề lợi ích, tôi biết đấy!” - Ảnh minh hoạ 2

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên thảo luận 

Về công tác xây dựng pháp luật, một số ý kiến băn khoăn về dự án luật Phòng chống tác hại của rượu bia khi còn quá nhiều ý kiến khác nhau và gay gắt về dự án luật này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, đây là vấn đề quan trọng được dư luận quan tâm, phù hợp để trình Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia ra Quốc hội, nếu chất lượng dự luật đảm bảo thì thông qua, không thì để lại hoàn thiện.

“Nếu bây giờ quyết định dừng lại ngay mà không đưa ra thì gây tâm lý dư luận xã hội. Nhiều khi cơ quan làm luật có ý tốt nhưng dư luận lại nghĩ có cái gì đấy không dũng cảm, có “mắc mứu” gì mà chưa thông qua dự luật này”, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng lên tiếng về vấn đề này. Bà thông tin, quá trình xây dựng luật này, tất cả những doanh nghiệp sản xuất được xác định là đối tượng chịu tác động đều được tiếp cận, đối thoại, lấy ý kiến, thể hiện sự đồng thuận. Nhưng đến thời điểm này, đơn vị phản ứng đầu tiên với dự luật lại chính là… Bộ Y tế (cơ quan chủ trì soạn thảo luật).

“Tôi không ngại gì cả. Tôi không quen biết doanh nghiệp kinh doanh rượu bia nào. Nhưng tôi cũng biết đằng sau chuyện xây dựng luật này có vấn đề lợi ích đấy” – Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cảnh báo.

P.Thảo

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây