Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sự hiện diện của họ là cần thiết để chống lại chủ nghĩa khủng bố người Kurd và bảo vệ người Syria khỏi chế độ Assad, nhưng liệu họ có nuôi dưỡng tham vọng tân đế quốc về một tiền đồn lâu dài?
Lý do Thổ Nhĩ Kỳ hiện diện ở miền Bắc Syria
Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu tiên đưa quân vào miền Bắc Syria vào năm 2016 và kể từ đó đã tiến hành thêm ba chiến dịch quân sự lớn nữa. Do đó, giờ đây họ là nhân tố bên ngoài quan trọng ở Idlib, tiền đồn cuối cùng của phe đối lập chống Assad, và là lực lượng thống trị trên thực tế ở ba khu vực xa hơn ở phía bắc, tập trung vào Afrin, Jarablus/Al-Bab và Tal Abyad. Chính ở ba khu vực này, Thổ Nhĩ Kỳ đang bị cáo buộc thực thi chủ nghĩa đế quốc.
Các chiến dịch để chiếm đóng các khu vực này, được triển khai vào năm 2016, 2018 và 2019, nhằm mục đích loại bỏ những kẻ khủng bố ra khỏi biên giới phía Nam của Thổ Nhĩ Kỳ. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) là mục tiêu đầu tiên nhưng các chiến binh người Kurd thuộc Liên minh Dân chủ người Kurd ở Syria (PYD) - vốn liên minh với Mỹ để chống lại IS nhưng bị Ankara coi là cánh tay của lực lượng ly khai Đảng Công nhân người Kurrd (PKK) - đã sớm trở thành tâm điểm chính của Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau khi bị chiếm đóng và loại bỏ hoàn toàn PYD và IS, các khu vực này còn phục vụ hai mục đích khác. Thứ nhất, khu vực này cung cấp một "khu vực an toàn" cho hai triệu người Syria, chủ yếu là đối thủ của Assad. Ankara đã hậu thuẫn cho phe nổi dậy trong nỗ lực không thành công nhằm lật đổ Tổng thống Syria và những khu vực này là nơi trú ẩn cho những người chạy trốn khỏi Assad.
Thứ hai, khi 3,4 triệu người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng tỏ ra không được lòng người Thổ Nhĩ Kỳ, các khu vực này đã được quảng bá như một địa điểm tái định cư, với việc Ankara tuyên bố vào năm 2019 sẽ chuyển 1 triệu người tị nạn đến Tal Abyad.
Những toan tính lâu dài
Tuy nhiên, quy mô của sự can dự của Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến nhiều người hoài nghi. Tờ “Financial Times” lưu ý rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai tới 5.000 quân và đang chi 2 tỷ USD mỗi năm cho quân đội. Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã thay thế tiền tệ của Syria, các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ và bưu điện Thổ Nhĩ Kỳ là những dịch vụ tài chính duy nhất, trẻ em học tiếng Thổ Nhĩ Kỳ như một ngôn ngữ thứ hai ở trường. Tổ chức cứu trợ Trăng lưỡi liềm đỏ của Thổ Nhĩ Kỳ vận hành các bệnh viện.
Các bộ của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ đạo lĩnh vực giáo dục và tôn giáo ở đây. Nguồn điện mà người dân sử dụng cũng đến từ lưới điện của Thổ Nhĩ Kỳ. Tiếng Thổ Nhĩ Kỳ hiện có thể được tìm thấy cùng với tiếng Arập trên các biển báo đường phố, trong khi một số địa danh, chẳng hạn như Quảng trường Saraya ở Afrin, đã được đổi tên theo tên Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Tuy nhiên, các hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ cũng có mặt tối. Đầu tiên, dường như Ankara đang nỗ lực để thay đổi nhân khẩu học theo hướng có lợi cho mình. Để ngăn chặn sự trở lại của PYD, Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm cách dàn xếp định cư những người Arập Sunni thân Thổ Nhĩ Kỳ tại đây để làm loãng sự hiện diện của người Kurd. Ví dụ rõ ràng nhất là ở Afrin.
Vào năm 2011, ước tính có khoảng 350.000 người Kurd trong thành phố này nhưng số này chỉ còn 150.000 người sau cuộc xâm lược năm 2018 của Thổ Nhĩ Kỳ. Những người ở lại phải đối mặt với sự phân biệt đối xử khi các đồng minh Syria của Thổ Nhĩ Kỳ cướp phá nhà của người Kurd, trong khi người Kurd phần lớn bị loại khỏi các cơ cấu cai trị và an ninh mới, mặc dù họ đã từng chiếm đa số trong thành phố. Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đã khuyến khích hơn 85.000 người Arập dòng Sunni di cư từ những nơi khác ở Syria chuyển đến những ngôi nhà bỏ trống của người Kurd.
Thứ hai, hiện đã có những lời phàn nàn rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang xây dựng bất hợp pháp các công trình kiên cố trên vùng đất bị chiếm đóng. Thay vì giống như các khu định cư ở Bờ Tây của Israel, các dự án nhà ở mới rộng lớn của Thổ Nhĩ Kỳ cho 1 triệu người tị nạn được đề xuất ở Tal Abyad có thể vi phạm luật pháp quốc tế.
Thứ ba, cách hành xử của các đồng minh Syria của Thổ Nhĩ Kỳ là đáng nghi ngờ. Nhiều nhân vật hàng đầu trong các hội đồng địa phương và quân đội Syria đã bị cáo buộc hành động như côn đồ và lãnh chúa. Đây là lý do tại sao động thái bắt giữ những người biểu tình vì xúc phạm quốc kỳ Thổ Nhĩ Kỳ gây tranh cãi. Điều này cho thấy ý đồ thôn tính không chính thức trên thực tế ngày càng tăng của Ankara.
Mới đây, Adam Coogle, Phó giám đốc phụ trách Trung Đông của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, khẳng định: “Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh của họ đã giết và bắt giữ dân thường một cách tùy tiện sau các hoạt động quân sự xuyên biên giới ở Syria dẫn đến việc di dời lớn. Nếu không thực hiện các biện pháp phòng ngừa đầy đủ, các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng ủy nhiệm của họ ở Syria có nguy cơ lặp lại hành vi lạm dụng. Xung đột chỉ có thể làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo đối với hàng triệu người ở miền Bắc Syria”.
.
Nguồn tin: antg.cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn