Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) bày tỏ lo lắng khi một số thông tin liên quan đến bí mật nhà nước, an ninh, quốc phòng, bí mật công tác, bí mật kinh doanh có nguy cơ bị lộ lọt, chiếm đoạt khi thực hiện giao dịch điện tử. "Một số giấy tờ như đăng ký kết hôn hoặc là quyết định ly hôn cần thể hiện ý chí của các cá nhân liên quan khi tham gia giao dịch. Vậy có hợp lý không khi chúng ta đưa hết tất cả vào phạm vi điều chỉnh và nếu đưa vào thì cần phải kèm theo những điều kiện nào?", nữ đại biểu đặt vấn đề.
Bên cạnh đó, gần đây xuất hiện trò lừa đảo khá tinh vi qua mạng, giả danh thương mại điện tử, giả mạo giấy tờ, tài liệu, làm giả thẻ ngân hàng hoặc vay ngân hàng mua sắm trên các trang thương mại điện tử, giao dịch mua bán thông qua các tài khoản mạng xã hội, chiếm đoạt tài sản và gây hậu quả lớn đối với tổ chức, cá nhân liên quan... Đại biểu đề nghị khôi phục lại hai nguyên tắc ở khoản 4, khoản 5, Điều 5 luật hiện hành để bảo đảm sự an toàn và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng.
"Đặc biệt là đối với cá nhân thì một số giấy tờ sử dụng trong giao dịch điện tử mang thông tin liên quan tới đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình cũng đã có dấu hiệu lộ lọt và không an toàn", ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa lấy ví dụ.
Đồng quan điểm, ĐBQH Trần Chí Cường (Đà Nẵng) cho rằng, vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân trên không gian mạng cần được hết sức quan tâm. Chúng ta đã có một số văn bản quy phạm pháp luật quy định về bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng, như Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng, tuy nhiên các quy định chưa hoàn toàn cụ thể và sát hợp với hoạt động giao dịch điện tử.
"Tôi đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định vào Điều 8 về các hành vi bị cấm, đó là nghiêm cấm hành vi làm lộ, lọt thông tin cá nhân khi chưa được sự cho phép hoặc thỏa thuận với tổ chức, cá nhân có hoạt động giao dịch điện tử", đại biểu nêu thêm.
Góp ý vào dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Minh Đức (TP Hồ Chí Minh) băn khoăn, các công nghệ xác thực điện tử khác như mã OTP, mật khẩu pin hoặc dấu hiệu sinh trắc học như: vân tay, giọng nói, khuôn mặt nếu gắn liền hoặc kết hợp một cách logic với thông điệp dữ liệu trong giao dịch điện tử đã thực hiện và xác nhận sự chấp nhận của khách hàng thì có được coi là chữ ký điện tử hay không?
"Đây là các loại hình công nghệ xác thực điện tử được sử dụng khá phổ biến trong giao dịch điện tử hiện nay nhưng pháp luật hiện hành chưa quy định, mà chỉ mới quy định cụ thể về loại hình chữ ký điện tử phù hợp với chữ ký số. Điều này dẫn đến sự hiểu lầm, coi chữ ký điện tử là chữ ký số khiến việc áp dụng pháp luật về chữ ký điện tử trong thực tế là chưa đúng, làm hạn chế phát triển giao dịch điện tử" - đại biểu phân tích.
Từ đó đại biểu Nguyễn Minh Đức đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể, rõ ràng hơn về cấp độ chữ ký điện tử và giá trị giao dịch pháp lý theo từng cấp độ; các trường hợp sử dụng để quy định về chữ ký điện tử phù hợp với sự đa dạng của các giao dịch điện tử, bổ sung các quy định liên quan đến các loại công nghệ mới được áp dụng trong việc định danh, xác thực danh tính của các bên tham gia giao dịch.
"Đề nghị bổ sung thêm một điều khoản quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các lực lượng bảo vệ an ninh mạng đã được giao trong Luật An ninh mạng, làm sao phục vụ tốt nhất cho việc thực hiện các giao dịch điện tử, hạn chế sự rủi ro và tấn công của các đối tượng làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện các giao dịch điện tử, đảm bảo nền an ninh kinh tế của đất nước", ĐBQH TP Hồ Chí Minh góp ý thêm.
"Thực sao thì số vậy và số phải phong phú hơn thực"
Thay mặt Cơ quan chủ trì soạn thảo phát biểu giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Luật Giao dịch điện tử có ý nghĩa rất quan trọng đến việc xây dựng một Việt Nam số, mà nếu làm không tốt, vi phạm các nguyên tắc căn bản của môi trường số, không rõ ràng, không khả thi, không đủ nguồn lực để thực thi, không tính đến bối cảnh Việt Nam thì có thể là vật cản cho sự phát triển số của Việt Nam. Vậy nên, Bộ TT&TT ý thức rõ cần cân nhắc hết sức thấu đáo mọi khía cạnh trong quá trình xây dựng luật.
"Luật Giao dịch điện tử được sửa đổi theo nguyên tắc thực sao thì số vậy và số phải phong phú hơn thực. Trong đời thực có những loại giao dịch gì về độ tin cậy khác nhau, chi phí khác nhau, độ phức tạp khác nhau đã được luật pháp quy định thì cũng sẽ được ánh xạ vào môi trường số. Đồng thời, phải đảm bảo tính khả thi khi áp dụng, tính đồng bộ với các luật khác, tính thống nhất, xuyên suốt trong luật này", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin.
Theo Bộ trưởng, chúng ta đang chuyển từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số. Ứng dụng công nghệ thông tin thì từng phần, chuyển đổi số thì toàn dân và toàn diện. Luật Giao dịch điện tử có đặt mục tiêu phục vụ cho chuyển đổi sang môi trường số một cách toàn diện và toàn dân, ít nhất cũng tạo ra cơ sở pháp lý cho sự chuyển đổi toàn dân và toàn diện này.
"Luật Giao dịch điện tử phức tạp và rất khó nhưng lại có thuận lợi là nhiều nước đã đi trước chúng ta. Kinh tế số của họ đã 40-50% GDP, trong khi chúng ta mới có 12%, cho nên có thể tham khảo, học hỏi được nhiều. Bởi vậy, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục tham khảo kinh nghiệm quốc tế, các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia để nghiên cứu, chắt lọc các nội dung, đảm bảo theo kịp với xu thế của thế giới và vẫn phù hợp với thực tiễn Việt Nam" - "Tư lệnh" ngành TT&TT cho biết thêm.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện dự án luật, trình Quốc hội ban hành và sớm đi vào cuộc sống, góp phần giúp Việt Nam thực hiện chuyển đổi số thành công, thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, sớm để Việt Nam trở thành một quốc gia số phát triển an toàn, nhân văn và rộng khắp.
Nguồn tin: cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn