Chiều 6/6, trình bày tờ trình về việc đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 của Quốc hội về việc thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết, số lượng Thẩm phán TAND Tối cao theo quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002 gồm 120 người.
Thực hiện Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 và Nghị quyết số 81/2014, có 12 người được bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao; 63 người được bổ nhiệm (chuyển đổi) Thẩm phán cao cấp.
Tính từ tháng 8/2015 đến tháng 5/2019, số lượng Thẩm phán cao cấp được bổ nhiệm 171 người; năm 2016, bổ nhiệm 4 Thẩm phán cao cấp; năm 2017, bổ nhiệm 84 Thẩm phán cao cấp; năm 2018, bổ nhiệm 49 Thẩm phán cao cấp; năm 2019, bổ nhiệm 9 Thẩm phán cao cấp.
Trong số Thẩm phán cao cấp được bổ nhiệm trong năm 2015, năm 2016 đến nay phần lớn đã nghỉ hưu, lớn tuổi, một số không đủ các tiêu chuẩn, điều kiện khác để bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao, như trình độ, năng lực, tín nhiệm,.... Còn lại 31 người đủ tuổi bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao nhưng chỉ còn 1 người trong quy hoạch lãnh đạo TAND Tối cao giai đoạn 2016-2021.
Các Thẩm phán cao cấp được bổ nhiệm từ tháng 1/2017 trở lại đây đủ điều kiện quy hoạch lãnh đạo TAND Tối cao giai đoạn 2016-2021 và một số đủ điều kiện quy hoạch giai đoạn 2021-2026 theo quy định của Đảng và pháp luật. Trong khi đó, việc lựa chọn bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao ngoài tuân thủ các tiêu chuẩn, điều kiện luật định cũng cần phải cân nhắc tạo nguồn quy hoạch lãnh đạo TAND Tối cao.
Hiện nay, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có 16 thành viên, bao gồm: Chánh án, 4 Phó Chánh án, 11 Thẩm phán TAND Tối cao. Năm 2019 có một người đã được nghỉ hưu, đến năm 2020 sẽ có 4 người nghỉ hưu, năm 2021 sẽ có 3 thẩm phán nghỉ hưu; đến năm 2022 và sau đó phần lớn Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao sẽ nghỉ hưu.
Đội ngũ lãnh đạo TAND Tối cao hiện có 5 người, gồm: Chánh án và 4 Phó Chánh án. Năm 2019, có 1 Phó Chánh án đã nghỉ hưu, năm 2020 sẽ có 1 Phó Chánh án được nghỉ hưu và đến năm 2023 sẽ có 2 Phó Chánh án nghỉ quản lý.
“Để bảo đảm hoạt động của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao và công tác lãnh đạo, điều hành TAND Tối cao theo quy định, thì cần phải lựa chọn nguồn cán bộ có đủ điều kiện theo quy định để bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao và trên cơ sở đó, lựa chọn để bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo TAND Tối cao”- ông Nguyễn Hoà Bình cho hay.
Ông Bình khẳng định, từ nay trở đi phải liên tục bổ sung thành viên Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao và lãnh đạo TAND Tối cao. Trong khi đó, Nghị quyết số 81 đã không tính đến, ảnh hưởng đến hoạt động của TAND Tối cao từ năm 2019 trở đi.
Để bảo đảm hoạt động bình thường của cơ quan này, Chánh án TAND Tối cao đã báo cáo Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết bổ sung Nghị quyết số 81/2014 theo trình tự, thủ tục rút gọn. Cụ thể: “Từ nay đến ngày 1/2/2022, cho phép Chánh án TAND Tối cao trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao trong đó có từ nguồn Thẩm phán cao cấp có đủ tiêu chuẩn, điều kiện luật định nhưng chưa đủ 5 năm làm Thẩm phán cao cấp”.
Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày tán thành với nội dung đề nghị của Chánh án TAND Tối cao.
Tuy nhiên, một số ý kiến Uỷ ban Tư pháp cho rằng do vị trí, vai trò quan trọng của Thẩm phán TAND Tối cao nên để bảo đảm chất lượng thì cần kèm theo điều kiện để bổ nhiệm là “phải có thời gian giữ ngạch Thẩm phán cao cấp tối thiểu là 30 tháng hoặc 36 tháng”.
“Uỷ ban Tư pháp đề nghị TAND Tối cao chú ý phát hiện nguồn bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao từ các cán bộ không công tác trong ngành tòa án và lưu ý TAND Tối cao tăng cường công tác bồi dưỡng tạo nguồn từ những Thẩm phán cao cấp là Thẩm phán TAND Tối cao theo Luật năm 2002 chuyển xuống làm Thẩm phán cao cấp theo Luật mới, đang còn tuổi bổ nhiệm; tăng cường công tác đào tạo, quy hoạch cán bộ để chủ động nguồn bổ nhiệm Thẩm phán, lãnh đạo TAND Tối cao cho các giai đoạn tiếp theo”- bà Nga nói.
Thế Kha
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn