Tuổi xuân trên tuyến đường huyền thoại
Tròn 20 tuổi, tháng 6/1965, cô gái Nguyễn Thị Vân xung phong vào lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) Quảng Bình, được phân công vào Tiểu đội 5, Đại đội 755, Tổng đội N75. Đơn vị có nhiệm vụ mở đường, san lấp hố bom ở tuyến đường 12 và 15 - Đông Trường Sơn.
Ngay trong ngày đầu tiên bước chân vào cuộc chiến đấu mới, Vân phải chịu đựng cú sốc tinh thần khi chứng kiến cái chết dữ dội, bi thương của 6 người đồng đội bị trúng bom địch. Vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân, cô lao vào nhiệm vụ san rừng, bạt núi mở đường tiếp tế cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ.
“Là con nhà nông, lao động chân tay nặng nhọc quen rồi, công việc phá đá mở đường san rừng bạt núi đối với tôi cũng như các anh chị em TNXP khác không có gì là khó, chỉ sợ mỗi con muỗi mắt. Loài muỗi rừng bé xíu, cứ tập trung từng đoàn bâu vào mặt, vào cổ, cắn đau như kim châm… Suốt mấy năm ở rừng, bom đạn không sợ, chỉ sợ mỗi con muỗi ấy thôi”, bà cười với nỗi sợ hãi rất phụ nữ ấy.
Trên cung đường huyết mạch này, địch bắn phá bất kể ngày đêm hòng cắt đứt sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Những trận bom, những lần rải chất độc hóa học để khai quang đã đốt rụi cánh rừng nguyên sinh dọc hai bên đường, có nơi đến vài ba cây số. Đất đỏ quạch lên một màu lẫn với máu, mồ hôi của hàng vạn TNXP đi mở đường. Những nhát cuốc vẫn bổ xuống, những hố bom nhanh chóng được san lấp, người này ngã xuống, người kia thế chỗ, không để đường tắc, hàng bị ách lại...
“Tháng 7/1966, km 465 đường 12 là trọng điểm đánh phá ác liệt của Mỹ. Bán kính 2 cây số quanh km 465 dày đặc hố bom, nguy cơ đoạn đường này bị bom địch “bốc” đi. Chúng tôi được lệnh chi viện lên đây, cùng Đại đội 759 san lấp hố bom, thông đường cho xe chạy. Ngày 3/7/1966, trận bom của địch dội trúng đội hình của Đại đội 759, 7 người bị vùi lấp. Chúng tôi đào bới tìm kiếm nhưng không có kết quả. Đồi 37 (được đạt tên theo sự kiện ngày 3/7/1966) thành nấm mồ chung của 7 TNXP”, cựu TNXP Nguyễn Thị Vân kể.
Suốt 5 năm tham gia mở đường, san lấp hố bom trên tuyến đường Trường Sơn, không ít lần nữ TNXP này đối mặt với cái chết cận kề. Năm 1968, Tiểu đội 5 được phân công san lấp hố bom tại tọa độ 466 - một trong những trọng điểm bị địch đánh phá ác liệt.
“Mọi người xác định vào đó là “9 mất, 1 còn” nên đơn vị tổ chức truy điệu sống cho toàn tiểu đội. Lúc đó không ai sợ chết, chỉ sợ đường tắc, hàng ùn ứ, địch thả bom thì thương vong nhiều hơn mà lương thực, vũ khí không vào kịp chiến trường. Chúng tôi gói ghém tư trang, hành lý để lại, vác cuốc xẻng lên đường. Đêm, máy bay Mỹ quần thảo trên trời, nghe kẻng báo động, anh chị em chạy vào hầm trú ẩn, hết báo động lại ra bám đường, quyết không để đường bị đứt, bị tắc”, bà Vân kể tiếp.
Từ tuyến lửa ra thủ đô gặp Bác
Với thành tích trong phục vụ chiến đấu, tháng 1/1967, Nguyễn Thị Vân là đại diện cho đơn vị được cử ra Thủ đô dự Đại hội thi đua toàn Miền Bắc các đội TNXP chống Mỹ. Hành trình từ "tọa độ lửa" ra Thủ đô ròng rã 10 ngày liền. Ban tổ chức ưu tiên cho đoàn đại biểu Nghệ An và Quảng Bình ngồi hàng ghế đầu.
“Hội trường đang im lặng nghe báo cáo thì Bác Hồ xuất hiện! Chúng tôi ùa lên đón Bác. Tôi được đứng gần với Bác, cách một chị nữa. Bác bình dị, gần gũi quá!. Bác cười, nhìn chúng tôi khắp lượt rồi bảo “Các cháu về chỗ ngồi để Đại hội tiếp tục làm việc”, nhưng không ai chịu về mà cứ quấn lấy Bác”, giọng bà Vân vẫn chưa thôi hồi hộp kể về sự kiện đặc biệt trong đời của mình.
Khoảnh khắc đó theo bà suốt cuộc đời, để rồi hôm nay, hơn nửa thế kỷ trôi qua, những lời dạy của Bác vẫn nguyên vẹn trong tâm trí người phụ nữ 74 tuổi này.
Bà Vân kể tiếp: Bác nói rất vui lòng vì thanh niên lập được nhiều chiến công tốt, xứng đáng là thanh niên anh hùng của một dân tộc anh hùng. Bác nói về sức mạnh đoàn kết trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, về thành tích chiến đấu của quân và dân ta.
“Đại hội Chiến sĩ thi đua lần thứ 1 chúng ta mới có 7 người được tuyên dương anh hùng, Đại hội Chiến sĩ thi đua lần thứ 2 có thêm 95 anh hùng. Đại hội Chiến sĩ thi đua lần thứ 3, số người được tuyên dương anh hùng nhiều hơn. Đại hội Thi đua chống Mỹ cứu nước vừa rồi chúng ta có thêm 45 đơn vị anh hùng và 111 anh hùng. Trong số 111 anh hùng được tuyên dương có 44 anh hùng là thanh niên, trong đó 12 anh hùng là thanh niên gái. Cháu nào được tuyên anh hùng thì giữ cho được, cháu nào chưa được anh hùng thì cố gắng cho được”, bà Vân nhớ từng lời của Bác Hồ.
Hết đại hội, cô TNXP Nguyễn Thị Vân quay trở lại tuyến lửa Trường Sơn, tiếp tục nhiệm vụ của mình. Một hôm, đoàn cán bộ Trung ương đi qua đơn vị, tặng Đại đội trưởng Nguyễn Thị Vân 1 bức ảnh – đó là bức ảnh đoàn đại biểu TNXP Quảng Bình và Nghệ An với Bác Hồ!
Bức ảnh theo bà suốt những năm tháng còn lại của cuộc đời, khi rời cung đường Trường Sơn huyền thoại trở về địa phương rồi ra Bắc học tập cho đến khi về Nghệ An công tác ở Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An. Bức ảnh này hiện được phóng to, treo trang trọng trong căn nhà nhỏ của gia đình bà ở xã Hưng Lộc, TP Vinh, Nghệ An.
“Tôi là người may mắn được gặp Bác Hồ, được sống và học tập, làm việc theo lời Bác dạy. Còn đồng đội tôi, biết bao người đã ngã xuống trên chiến trường, nơi những con đường Trường Sơn ác liệt, mang theo ước mong được một lần gặp Bác Hồ kính yêu…”, cựu nữ TNXP nghẹn ngào.
Hoàng Lam
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn