Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh - sáng tạo độc đáo của dân tộc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Chủ nhật - 19/05/2019 19:14
(Dân trí) - Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có bài viết "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh - Sáng tạo độc đáo của dân tộc Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Bài học đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay". >> >>

Cách đây 60 năm, vào những ngày tháng 5 lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” (sau này là Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn) được thành lập, với nhiệm vụ xây dựng tuyến vận tải quân sự chiến lược nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam.

Đó là sự khởi đầu cho một huyền thoại trong thế kỷ XX của dân tộc Việt Nam. Trong suốt 16 năm hoạt động (1959 - 1975), Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đã không ngừng phát triển, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện chiến lược cho các chiến trường, góp phần to lớn vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh - sáng tạo độc đáo của dân tộc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Hành lang giao liên vận tải quân sự Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh được thiết lập. (ảnh tư liệu).

Nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng lớn của cách mạng miền Nam, từ những lối giao liên nhỏ ban đầu, Đường Trường Sơn đã mở rộng, vươn xa với tổng chiều dài đường bộ gần 17.000 km (gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang); đường giao liên trên 3.000 km; đường ống dẫn xăng dầu gần 14.000 km; đường thủy trên các sông Xê Băng Hiêng, Xê Công… Các lực lượng làm nhiệm vụ trên Đường Trường Sơn đã vận chuyển chi viện cho các chiến trường trên 1,5 triệu tấn hàng hóa và 5,5 triệu tấn xăng dầu; bảo đảm cho 1,1 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ đi vào chiến trường miền Nam và các hướng mặt trận, góp phần làm nên các cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968, 1972, Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào… và cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đã chiến đấu trên 2.500 trận, diệt gần 17.000 tên địch, bắt 1.200 tên, gọi hàng trên 10.000 tên, bắn rơi 2.455 máy bay địch, phá hủy hàng vạn tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh khác của địch.

Trong cuộc chiến gian khổ, ác liệt đó, hơn 2 vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong đã hi sinh, gần 3 vạn người bị thương, hàng nghìn người bị ảnh hưởng nặng nề bởi chất độc da cam của địch. Biết bao cán bộ, chiến sĩ quân đội, thanh niên xung phong, dân công, cán bộ công nhân giao thông, đồng bào các dân tộc và nhân dân các nước bạn Lào, Cam-pu-chia anh em đã vượt lên muôn vàn khó khăn, thử thách, đoàn kết, dũng cảm và sáng tạo để giữ vững mạch máu giao thông chi viện chiến trường.

Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh - con đường huyền thoại, một chiến trường tổng hợp, nơi đấu trí, đấu lực quyết liệt giữa ta và địch với những chiến công chói lọi đã trở thành biểu tượng của sức mạnh tinh thần, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam; biểu tượng sáng ngời về khát vọng độc lập, tự do và ý chí thống nhất Tổ quốc; đồng thời, là hiện thực sinh động của mối quan hệ đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những bài học kinh nghiệm quý báu từ Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh - một sáng tạo chiến lược của Đảng và là một trong những nhân tố thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vẫn còn nguyên giá trị, cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay.

Một là, luôn kiên định mục tiêu, đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo của Đảng

Trong cuộc đụng đầu lịch sử với đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai (1954 - 1975), điều có ý nghĩa quyết định hàng đầu là Đảng ta đã đề ra được đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, sáng tạo, độc lập, tự chủ, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng của cả hai miền Nam - Bắc. Trước sự phát triển của cách mạng miền Nam, tháng 1/1959, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 chủ trương chuyển hướng cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam, từ đấu tranh chính trị sang kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh quân sự. Đây là bản Nghị quyết lịch sử, đáp ứng được nguyện vọng cháy bỏng của những người Việt Nam yêu nước, có sức hiệu triệu mạnh mẽ tinh thần và lực lượng của toàn dân tộc.

Tiếp đó, tháng 9/1960, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã thông qua Nghị quyết Về nhiệm vụ và đường lối của Đảng trong giai đoạn mới, xác định nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới là: Tăng cường sự đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh giữ vững hòa bình, đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc; đồng thời đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà…

Trên cơ sở đó, Đảng ta khẳng định: Nhiệm vụ cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là nhiệm vụ quyết định nhất đối với sự phát triển của toàn bộ cách mạng nước ta, đối với sự nghiệp thống nhất nước nhà của nhân dân ta.

Còn cách mạng miền Nam có vị trí rất quan trọng, có tác dụng trực tiếp đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam, thực hiện hòa bình, thống nhất nước nhà. Sức mạnh để hoàn thành hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng trên cả hai miền Nam - Bắc là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, do đó phải động viên sức mạnh của toàn dân tộc để tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Thực hiện quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Bộ Chính trị chủ trương mở tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn và giao Tổng Quân ủy chỉ đạo Bộ Quốc phòng tổ chức thực hiện. Tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh ra đời ngày 19/5/1959, xuất phát từ Khe Hó, đặc khu Vĩnh Linh, ban đầu, chỉ là đường mòn giao liên đi bộ và gùi thồ ở phía Đông Trường Sơn trên đất Việt Nam, sau đó, trước yêu cầu ngày càng cao của tiền tuyến lớn miền Nam, Đường Trường Sơn đã phát triển nhanh chóng ở cả Đông và Tây Trường Sơn thành mạng đường chiến lược - chiến dịch, vươn xa tới các chiến trường, các mặt trận, các hướng chiến dịch của chiến trường miền Nam, chiến trường Trung - Hạ Lào và Đông Bắc Cam-pu-chia.

Như vậy, Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh được hình thành là kết quả của đường lối cách mạng độc lập, sáng tạo của Đảng thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược trên cả hai miền Nam - Bắc, động viên sức mạnh của toàn thể dân tộc chi viện cho chiến trường miền Nam, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

60 năm đã trôi qua, mặc dù bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi, song bài học về sự kiên định mục tiêu, đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo của Đảng vẫn còn nguyên giá trị. Hiện nay, đất nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa với những thời cơ, thuận lợi mới, song cũng đứng trước những nguy cơ, thách thức mới, đòi hỏi chúng ta càng phải kiên định đường lối cách mạng của Đảng, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển toàn diện đất nước. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phải tích cực quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược Quốc phòng Việt Nam, Chiến lược Quân sự Việt Nam, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia...

Trong quá trình đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, chúng ta phải giải quyết, xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Là lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ động, sáng tạo trong huấn luyện, SSCĐ, chủ động đập tan âm mưu và hành động phá hoại, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của kẻ thù. Trên cơ sở đó, bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc cả trên đất liền, trên biển, trên không, trong lòng đất và trên không gian mạng, đưa đất nước vững bước tiến lên theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.

Hai là, làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, nêu cao ý chí quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, phát huy sức mạnh tổng hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Trên chiến trường Trường Sơn, để ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược của ta, địch tiến hành đánh phá vô cùng ác liệt với nhiều loại vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại được sử dụng.

Tất cả các lực lượng ta làm nhiệm vụ trên tuyến chi viện phải chiến đấu lâu dài, gian khổ dưới mưa bom, bão đạn của quân thù, vật lộn với thời tiết, khí hậu khắc nghiệt của núi rừng Trường Sơn, với bệnh tật để đánh thắng địch. Trong điều kiện gian khổ, ác liệt, công tác chính trị, tư tưởng đã chú trọng tuyên truyền, giáo dục sâu sắc tinh thần yêu nước, lý tưởng cách mạng, yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, làm cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cùng thống nhất về mục tiêu, tư tưởng và hành động “Tất cả để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc”. Cấp ủy các cấp đã tổ chức quán triệt kịp thời các nghị quyết của Đảng, chỉ thị của cấp trên, tổ chức các phong trào thi đua… Cùng với đó, công tác chính sách đối với thương binh, liệt sĩ và những người bị ốm đau, ảnh hưởng sức khỏe trong khi thực hiện nhiệm vụ được chú trọng lãnh đạo và thực thực hiện nghiêm túc, kịp thời.

Đặc biệt là, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Bộ đội Trường Sơn luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, động viên của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng gửi thư động viên, khen thưởng đối với những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc.

Chính nhờ công tác chính trị, tư tưởng được tiến hành thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức, biện pháp phong phú, sinh động, gắn liền với thực tiễn nên ý chí quyết chiến, quyết thắng của bộ đội, nhân dân và các lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến Đường Trường Sơn không ngừng được giữ vững. Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh luôn nắm vững tư tưởng cách mạng tiến công, chủ động, sáng tạo, mưu trí, không chùn bước trong gian khổ, khó khăn. Trong nhân dân, thanh niên nam nữ sẵn sàng tòng quân nhập ngũ, gia nhập thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Trường Sơn trở thành tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, thôi thúc lớp lớp thế hệ người Việt Nam yêu nước lên đường làm nhiệm vụ chi viện cho miền Nam ruột thịt.

Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh - sáng tạo độc đáo của dân tộc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước - Ảnh minh hoạ 2

Đoàn xe vận chuyển hàng hóa trên tuyến đường Trường Sơn. (ảnh tư liệu)

Thành công của công tác chính trị, tư tưởng của Bộ Tư lệnh Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Hiện nay, các thế lực thù địch vẫn tăng cường chống phá bằng nhiều thủ đoạn trên tất cả các lĩnh vực, thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta, tuyên truyền đòi “phi chính trị hóa” quân đội… Điều đó tác động không nhỏ đến tâm tư, tình cảm, lập trường chính trị của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Chính vì vậy, vận dụng bài học này trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, toàn quân, toàn dân cần quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, bám sát thực tiễn tình hình, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính trị, tư tưởng.

Đối với Quân đội, cần tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị tại đơn vị. Tăng cường công tác tư tưởng trong quản lý bộ đội, tạo sự thống nhất cao cả về nhận thức và hành động của cán bộ, chiến sĩ. Thường xuyên nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ các cấp, phát huy sức mạnh tổng hợp trong tiến hành công tác chính trị, tư tưởng. Chú trọng giáo dục, bồi dưỡng lòng yêu nước, ý chí kiên cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho mọi cán bộ, chiến sĩ. Tiếp tục xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân (trước hết là thế trận lòng dân) gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Quan tâm giải quyết tồn đọng sau chiến tranh, nhất là những người có công với cách mạng, những người bị di chứng hậu quả của chiến tranh để lại, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội. Qua đó, không ngừng tăng cường tiềm lực mọi mặt của đất nước và sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân cần quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về Công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87-CT/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X. Các cấp cần tiếp tục thực hiện tốt Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”.

Ba là, vận dụng và phát triển sáng tạo nghệ thuật quân sự Việt Nam, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc  

Trong 16 năm thực hiện nhiệm vụ chi viện chiến lược cho cách mạng miền Nam, Đường Trường Sơn đã trở thành chiến trường ác liệt, nơi đọ trí, đọ sức quyết liệt giữa ta và địch. Trong cuộc chiến ấy, công tác vận tải chiến lược liên tục phát triển với quy mô ngày càng lớn, hiệu quả ngày càng cao. Về lực lượng, ban đầu chỉ là quy mô cấp tiểu đoàn đã dần phát triển tương đương cấp quân khu, đến đầu năm 1974, biên chế gồm: Bộ Tham mưu và các cục (chính trị, hậu cần, phòng không, công binh, vận tải, xăng dầu), 9 sư đoàn binh chủng, 12 trung đoàn binh chủng trực thuộc (không kể 5 trung đoàn cao xạ và tên lửa do Bộ phối thuộc). Đây là lực lượng nòng cốt cả trong tác chiến và vận chuyển, đặc biệt là vận chuyển cơ giới. Trên toàn tuyến, thường xuyên có khoảng 10 vạn cán bộ, chiến sĩ và hơn 1 vạn Thanh niên xung phong làm nhiệm vụ.

Bên cạnh đó còn có lực lượng dân công hỏa tuyến và nhân dân các địa phương nơi có tuyến vận tải đi qua cùng tham gia vận chuyển, bảo vệ tuyến đường. Về thế trận hậu cần, ta đã xây dựng hàng vạn km đường, hàng nghìn kho tàng, binh trạm, lán trại, trận địa chiến đấu; tổ chức cung độ vận chuyển hợp lý, các khu vực tập kết của đội hình xe vận tải có lợi nhất; tổ chức chỉ huy giao thông, trận địa phòng ngự của các lực lượng chiến đấu hiệp đồng binh chủng ở các trọng điểm, bảo đảm đánh địch có hiệu quả; tổ chức hệ thống cứu hộ, hệ thống quân y, thông tin hợp lý, đồng thời rất coi trọng tổ chức nghi binh lừa địch…

Những thành tựu trên chính là kết quả của sự vận dụng và phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam trong điều kiện mới, đặc thù trên chiến trường Đường Trường Sơn. Đó là nghệ thuật của cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, kết hợp thế trận tác chiến với thế trận vận tải, lấy thế trận vận tải làm trung tâm, vận tải cơ giới là chủ yếu; nghệ thuật hạn chế chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của địch để đánh địch, thực hiện “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”. Đó còn là sự phát triển của nghệ thuật chiến dịch trong vận tải chiến lược, kết hợp chặt chẽ giữa tác chiến và vận tải, giữa lực lượng chiến đấu và lực lượng vận tải trong cùng một chiến dịch, thực hiện cùng lúc hai mục tiêu là đánh địch và vận tải, đánh địch để vận tải dưới sự chỉ huy tập trung, thống nhất, hiệp đồng chặt chẽ của các cấp lãnh đạo, chỉ huy.

Thực tiễn của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước khẳng định: Vận dụng và phát huy hiệu quả nghệ thuật quân sự Việt Nam, xây dựng QĐND Việt Nam vững mạnh, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc luôn là yêu cầu tất yếu trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Trước yêu cầu cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay, chúng ta càng phải coi trọng nâng cao sức mạnh tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang ba thứ quân trong thế trận chiến tranh nhân dân, đặc biệt là xây dựng QĐND vững mạnh toàn diện. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ X và các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang… cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, bảo đảm cho quân đội là lực lượng tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Trong quá trình xây dựng Quân đội vững mạnh toàn diện, trước hết phải xây dựng vững mạnh về chính trị, coi đó là yêu cầu cơ bản, xuyên suốt để xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện.

Bên cạnh đó, phải chú trọng tạo bước đột phá trong việc xây dựng Quân đội từng bước hiện đại, trong đó có lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Chú trọng nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, giáo dục - đào tạo; quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, chỉ lệnh về công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, nhất là Nghị quyết số 765-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”. Thực hiện tốt phương châm huấn luyện: “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”. Tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 16/7/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) “Về đẩy mạnh xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật cho lực lượng vũ trang. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, cần thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là điều chỉnh tổ chức lực lượng, xây dựng Quân đội nhân dân tinh, gọn, mạnh, linh hoạt, có khả năng cơ động cao; xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh.

Cùng với đó, chú trọng đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học quân sự, khoa học kỹ thuật quân sự, nhân văn quân sự… nhằm từng bước phát triển nền nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh - sáng tạo độc đáo của dân tộc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước - Ảnh minh hoạ 3

Đoàn xe vận tải và quân đội ta trong Chiến dịch Hồ Chí Minh  trên đường Trường Sơn.  (ảnh tư liệu).

Bốn là, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, củng cố và phát triển quan hệ đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia  

Một trong những nguyên nhân thắng lợi của Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh trên chặng đường chiến đấu, hi sinh và đầy khí phách anh hùng là Đảng ta đã phát huy cao độ sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ hiệu quả của Trung Quốc, Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, đặc biệt là đã xây dựng được khối đoàn kết, liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung của quân và dân ba nước Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia.

Từ những lối nhỏ ban đầu ở Đông Trường Sơn, trong quá trình đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra toàn Đông Dương, Đường Trường Sơn đã không ngừng được củng cố, mở rộng, vươn xa, phát triển cả Đông và Tây Trường Sơn, xuyên qua 20 tỉnh thuộc ba nước Đông Dương, tỏa ra các chiến trường, tạo nên một hệ thống liên hoàn, bền vững đáp ứng yêu cầu của cách mạng ba nước Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia. Những nơi tuyến chi viện chiến lược đi qua, nhân dân ba nước đã hết lòng ủng hộ cách mạng, tự nguyện dời bản, chuyển nhà, chấp nhận gian khổ, hi sinh, góp phần to lớn xây dựng, bảo vệ con đường. Tình đoàn kết liên minh chiến đấu giữa nhân dân ba nước càng thêm gắn bó, trở thành quy luật trong sự nghiệp đấu tranh chống kẻ thù chung của ba dân tộc trên bán đảo Đông Dương.

Bài học kinh nghiệm quý báu trên cần tiếp tục vận dụng, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Trong bối cảnh đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, chúng ta cần quán triệt sâu sắc, nắm vững, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, trọng tâm là Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về hội nhập quốc tế, Nghị quyết số 806-NQ/QUTW ngày 31/12/2013 của Quân ủy Trung ương về hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng.

Đặc biệt là, quán triệt và thực hiện thành công đường lối đối ngoại được Đảng ta xác định trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XII. Hoạt động đối ngoại phải “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển... Trên cơ sở vừa hợp tác, vừa đấu tranh, hoạt động đối ngoại nhằm phục vụ mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa”.

Tăng cường các hoạt động đối ngoại, tiếp tục đưa các mối quan hệ quốc tế đi vào chiều sâu, mở rộng hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực với các đối tác, nhất là với các đối tác chiến lược, các nước láng giềng, các nước có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, bảo đảm cho sự hợp tác trên lĩnh vực này trở thành nhân tố góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước, đồng thời, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trong khu vực và quốc tế.

Về đối ngoại quốc phòng, ưu tiên quan hệ với các nước có chung đường biên giới, các nước ASEAN, đặc biệt là quan hệ hữu nghị truyền thống với Lào và Cam-pu-chia; củng cố và phát triển quan hệ với các nước lớn, hướng tới mục tiêu cao nhất là tăng cường tiềm lực quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; đồng thời, chủ động, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch và các hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. Tham gia tích cực, có trách nhiệm vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Kỷ niệm 60 năm ngày mở Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là dịp để chúng ta ôn lại quá trình trưởng thành và thắng lợi vẻ vang của tuyến chi viện chiến lược huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; tưởng nhớ và tri ân những đồng chí, đồng bào đã anh dũng hi sinh vì nền độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, chúng ta cần tiếp tục phát huy tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của toàn thể dân tộc và những kinh nghiệm quý báu trong suốt 16 năm làm nhiệm vụ chi viện chiến lược của Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh vào công cuộc đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
 

[1] - Bộ Quốc phòng, Đường Hồ Chí Minh  - Khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010, tr.23.

[2] - Lịch sử Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1999, tr.674.

[3] - Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.153.

 

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây