Nỗi đau chiến tranh
Mỗi khi đặt chân vào Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt Lào, ai cũng cảm nhận được sự ấm áp, gần gũi. Không phải vì mùi hương trầm phảng phất, cũng chẳng phải vì khu nghĩa trang nằm lọt thỏm giữa phố huyện Anh Sơn sầm uất... Điều làm nên sự ấm áp ấy có chăng chính là hình ảnh những quản trang cần mẫn bên từng ngôi mộ, quét lá, dọn cỏ, chăm cây… .
Dẫn tôi viếng nghĩa trang, Trưởng ban quản lý nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt Lào ông Hoàng Danh Trung tâm sự: “Ai cũng nghĩ chiến tranh khốc liệt bởi ở đó có những gian khổ, mất mát, hy sinh... Nhưng với tôi, mỗi ngày hàng ngàn ngôi mộ liệt sĩ “đập” vào mắt, tôi mới thấy rằng nỗi đau chiến tranh không chỉ đơn thuần chỉ là mất mát, hi sinh trước mắt mà đó còn là nỗi đau dai dẳng suốt cả cuộc đời".
“Đó là nỗi đau rất đau. Chiến tranh đã cướp đi tuổi xuân, sinh mạng của họ nhưng khi về với đất Mẹ vẫn chưa ai biết họ tên gì, ở đâu”, ông Trung rơm rớm nước mắt.
Rồi ông Trung kể: "Nhiều lúc nằm mơ ngủ tại phòng trực, tôi cảm nhận như có tiếng hò dô, xung phong của những trận đánh oai hùng; rồi những tiếng kêu la, rên xiết của những người lính tử nạn... Tuổi trẻ, cậu chưa hiểu hết đâu. Hàng ngàn ngôi mộ yên nghỉ tại đây là chừng ấy hoàn cảnh, cuộc đời, số phận với chừng ấy ước mơ, khát vọng cháy bỏng của tuổi trẻ nhưng... đã dang dở, cũng bởi tại chiến tranh. Những tiếng gào khóc của người mẹ, người cha bên nấm mộ đứa con rứt ruột của mình; những nấc nghẹn không thành tiếng của những người vợ bên mộ chồng... Mất mát ấy là quá lớn và làm sao cầm được lòng mình".
"...Xin đừng gọi Anh là liệt sỹ vô danh
Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác
Tổ quốc không đánh mất tên Anh
Chỉ lặng thầm nhận về mình nỗi đau xanh cùng năm tháng".
(theo Nhà báo Văn Hiền)
Những người canh giấc ngủ
Ông Hoàng Danh Trung - Trưởng ban quản lý nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào, chia sẻ công việc của anh em quản trang.
Công việc thường ngày của cả 8 cán bộ, nhân viên tại nghĩa trang là quét lá, dọn cỏ, chăm sóc cây cảnh và các phần mộ. Mùa nào lá ấy, chỉ cần quên quét một buổi, lá đã đổ kín cả lối đi. Rồi khi có đoàn thăm viếng, cán bộ, nhân viên quản trang vừa làm lễ vừa hướng dẫn các đoàn thực hiện các nghi thức cũng như tham quan.
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền đã có 16 năm gắn bó với nghề quản trang, trải lòng: “Công việc bình thường nhưng cho mình những khoảng lặng bình yên. Mỗi ngày không được làm cái công việc quen thuộc này lại thấy nhớ. Chợt nhận ra, mình đã yêu nghề này lúc nào không hay. Nhiều người vẫn bảo quét rác là tầm thường nhưng tôi cho rằng đó là suy nghĩ của những người nông cạn. Họ đâu biết rằng nghề nào cũng vinh quang nếu như đồng tiền mình kiếm được đều là chân chính, huống gì đây là nghề chăm sóc nơi yên nghỉ của các liệt sĩ”.
Với chị Nguyễn Thị Lam Huệ, kỷ niệm về những đêm thức trắng để canh mộ dường như vẫn vẹn nguyên. Chị Huệ tâm sự: những ngày đầu mới vào làm rất sợ, sợ nhất là phải đi tuần, kiểm tra các khu mộ trong đêm. Nhưng lâu rồi cũng thành quen.
“Cách đây mấy năm khi phong trào nhờ nhà ngoại cảm tìm mộ liệt sĩ rộ lên, rất nhiều người đã đánh đường về đây để đào trộm. Mấy anh chị em chúng tôi đã phải dựng lán ở ngay đài liệt sĩ thức trắng đêm. Có những đoàn ban ngày họ vào xin bốc nhưng không đủ điều kiện nên vui vẻ ra về, ai ngờ đêm đến lại trèo tường vào nghĩa trang", chị Huệ cho biết thêm.
Ngày bình thường, mỗi ca trực chỉ bố trí hai người; riêng lễ tết phải trực tất cả quân số mới đảm bảo yêu cầu công việc: Vệ sinh khuôn viên và các khu mộ, làm lễ cho các đoàn thăm viếng... Tôi hỏi bất kỳ nhân viên nào của Ban, họ cũng đều chắc nịch, thuộc làu từng khu mộ, từng hàng cây... và thậm chí nhớ kỹ quê quán cả những gia đình người thân thường xuyên đến viếng.
Một điều rất lạ là tất cả những ngôi mộ được người nhà cất bốc đưa về quê an táng thì ngôi mộ ấy sau đó vẫn được phục dựng như cũ. Theo như cán bộ của ban quản lý nghĩa trang thì: Không chỉ để cho khu nghĩa trang vẫn đẹp, đầy đủ các ngôi mộ ở các vị trí mà “tâm linh” là muốn các đồng đội khi đến thăm nhau thì vẫn có “nhà” để ở.
Bên cạnh công việc hàng ngày của 8 anh em cán bộ ở đây, Ban quản lý còn phối hợp với các nhà trường, quân đội… trên địa bàn để góp công làm đẹp cho nghĩa trang đo0s là kiến thức cho các em hiểu về lịch sử, biết ơn với những người đã hi sinh ngã xuống vì nền độc lập cho tổ quốc.
Dù là cơ quan hành chính sự nghiệp nhưng do đặc thù công việc hàng ngày thường là quét dọn lá, tỉa cành... khiến thời gian của cán bộ, nhân viên ban quản lý nghĩa trang ở ngoài trời nhiều hơn trong nhà. Thời tiết thuận lợi thì còn đỡ, mùa nắng nóng hay mưa rét thì khổ không nói hết.
Lương thấp nhưng không ai muốn bỏ nghề, chúng tôi tự hào vì cái nghề mình đã chọn. Mỗi ngày được cầm chổi quét lá, cầm kéo tỉa cây, tự tay dọn cỏ bên những khu mộ... ai cũng vui. Tôi nghĩ rằng, động lực để cán bộ nhân viên của Ban quản lý nghĩa trang vượt qua những khó khăn, vất vả trong công việc có lẽ ngoài trách nhiệm thì đó là sự biết ơn, tri ân của hậu thế với lớp lớp cha anh đã ngả xuống vì sự trường tồn của dân tộc”, ông Trung cho biết thêm.
Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt Lào có diện tích gần 7ha, được xây dựng từ năm 1976, nằm giữa trung tâm thị trấn huyện Anh Sơn. Bên trong khu vực nghĩa trang được bố trí nhiều công trình phụ trợ như: Khu quản trang, hồ sen, các bức phù điêu khắc họa hình ảnh đoàn kết gắn bó đấu tranh giữa hai dân tộc anh em Việt - Lào, hai nhà văn bia với hai thứ tiếng Việt - Lào ghi lại cuộc chiến tranh vệ quốc hào hùng của hai nước anh em, khu trung tâm với hình tượng mái nhà chung Đông Dương sừng sững uy nghi.
Từ khi xây dựng đến nay, nghĩa trang đã tiếp nhận và chăm sóc gần 11.000 hài cốt các anh hùng liệt sĩ hi sinh vì nghĩa vụ quốc tế trên đất nước bạn Lào về an nghỉ. Tất cả các ngôi mộ được quy tập tại 9 lô thuộc khu A với 5.381 ngôi mộ; 13 lô thuộc khu B với 5.219 ngôi mộ và một lô mộ tử sĩ 11 ngôi.
Trong tổng số gần 11.000 ngôi mộ tại nghĩa trang này mới chỉ có khoảng 4.000 ngôi mộ có tên và địa chỉ rõ ràng, khoảng 200 ngôi mộ có tên nhưng chưa có địa chỉ, số còn lại hầu hết chưa rõ tên tuổi và địa chỉ. Họ là bộ đội, các chuyên gia đến từ những vùng quê của 46 tỉnh thành trong cả nước đã chiến đấu và hi sinh ở các tỉnh thành của nước bạn Lào như Xiêng Khoảng, Viêng Chăn, đặc khu Xay Xọc Bun...
Tác giả: Nguyễn Tú
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn