Số liệu từ báo cáo của Chính phủ cho biết, từ ngày 1/2/2017 đến ngày 15/10/2018, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đã cấp gần 337.000 thị thực điện tử cho người nước ngoài. Số lượng thị thực điện tử cấp cho người nước ngoài tăng nhanh, từ tháng 2 đến tháng 6/2018, đã có hơn 115.300 thị thực điện tử cấp cho người nước ngoài, tăng 273% so với cùng kỳ năm 2017.
Tính đến ngày 15/10/2018 đã có hơn 271.500 lượt người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam bằng thị thực điện tử, chủ yếu qua cửa khẩu quốc tế đường không, số người nước ngoài nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ, đường biển không nhiều.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, việc kiểm tra, kiểm soát người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực điện tử tại các cửa khẩu đường không, đường bộ, đường biển đảm bảo an ninh, an toàn, đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài, chưa phát sinh những vấn đề phức tạp. Không để người nước ngoài thuộc diện chưa cho nhập cảnh vào Việt Nam. Qua công tác quản lý, chưa phát hiện người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực điện tử có hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia hoặc có vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự.
Tính đến ngày 15/10/2018, tổng số tiền thu được qua hệ thống thanh toán điện tử là gần 194,9 tỷ đồng. Phí cấp thị thực điện tử nộp qua hệ thống đảm bảo đúng quy định, chính xác, minh bạch, Chính phủ cho biết.
Trên cơ sở kết quả tổng kết thực hiện thí điểm, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, cho phép kéo dài thời gian thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam thêm 2 năm, kể từ ngày 01/02/2019.
Trong quá trình tiếp tục thực hiện thí điểm, Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương tổng kết, đánh giá việc thi hành Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 để sớm báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung luật này.
Đánh giá kết quả thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử, Uỷ ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cơ bản nhất trí với đề nghị nói trên của Chính phủ để có thêm thời gian kiểm nghiệm, tổng kết, đánh giá một cách toàn diện tác động của chính sách này.
Trong thời gian tiếp tục thực hiện thí điểm, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành hữu quan đề xuất điều chỉnh danh sách các nước có công dân thuộc diện thực hiện thí điểm, danh sách các cửa khẩu cho phép nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử bảo đảm phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của việc thí điểm.
Phần thảo luận chỉ có 5 đại biểu phát biểu, nêu một số băn khoăn trong tổ chức thực hiện nhưng cơ bản đồng tình kéo dài thời gian thí điểm.
Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, nội dung cho phép kéo dài thí điểm sẽ được quy định trong nghị quyết chung của kỳ họp thứ 6.
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn