Thân nhân các chiến sĩ rất háo hức
Dự kiến, trong ngày hôm nay (24/5), Lữ đoàn 146 (Vùng 4, Quân chủng Hải quân) sẽ đưa đoàn thân nhân ra thăm cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Trước chuyến đi trên, phóng viên đã có cuộc trao đổi ngắn với Đại tá Đào Giang Hải, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn 146 (Vùng 4, Quân chủng Hải quân).
Đại tá Hải cho biết, việc đưa đoàn thân nhân ra thăm cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm gắn kết tình cảm giữa hậu phương với quân đội. Từ đó cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với hậu phương, động viên cán bộ, chiến sĩ đang trực tiếp rèn luyện, công tác, sẵn sàng chiến đấu tại các đảo của quần đảo Trường Sa.
Ngay khi có chủ trương trên, từ tháng 3/2019, Lữ đoàn 146 đã chỉ đạo các đảo cho các cán bộ, chiến sĩ đăng ký nguyện vọng và phổ biến các quy định cần phải đáp ứng khi ra thăm đảo như: tuổi tác, sức khỏe, lai lịch chính trị. Trên cơ sở cán bộ chiến sĩ đăng ký báo về thì, Lữ đoàn 146 tổng hợp báo cáo với Cục Chính trị Hải Quân. Tiếp theo, sau khi nắm được thông tin về thân nhân các chiến sĩ sẽ ra thăm đảo, đơn vị có giấy mời gửi các thân nhân, trong giấy mời ghi rõ thời gian, nội dung chuyến đi và các công tác chuẩn bị cần phải có của mỗi một người khi ra đảo.
"Về phía đơn vị thì tiếp tục quán triệt nội dung các quy tắc đảm bảo an toàn, bí mật thông tin, có công tác chuẩn bị ở đơn vị trên đảo như: Tổng dọn vệ sinh môi trường, sắp xếp doanh trại, phòng ở để đón thân nhân ra, rồi có kế hoạch tổ chức các hoạt động khi thân nhân lên đảo, như: tham quan nhà truyền thống, chùa, nghĩa trang liệt sĩ, tượng đài, các hộ dân,…" - Đại tá Hải cho biết.
Về khâu đón tiếp, Đại tá Hải chia sẻ thêm, khâu quan trọng nhất là tổ chức khám sức khỏe để mỗi thân nhân phải đảm bảo sức khỏe khi đi biển, vì ở trên biển không giống như trên đất liền. Thân nhân nào không đủ điều kiện sức khỏe sẽ phải ở lại không đi.
Ngoài ra, các nội dung công việc khác như tàu, kíp chỉ huy, kíp điều hành, quân y đảm bảo trên tàu, công tác đảm bảo hậu cần phục vụ cũng được phân công cụ thể.
"Đến giờ phút này công tác chuẩn bị đã hoàn tất, tinh thần của các thân nhân rất háo hức khi được mang tình cảm của đất liền ra với các chiến sĩ nơi tiền tuyến; mang tâm sự của vợ đến chồng, bố đến với con, mẹ đến với con. Đây thực sự là những điều động viên chúng tôi đứng vững nơi đầu sóng ngọn gió, vượt qua khó khăn thử thách để hoàn thành nhiệm vụ, giữ vùng chủ quyền biển đảo" - Đại tá Hải chia sẻ thêm.
Theo Đại tá Hải, hàng năm Lữ đoàn 146 đón từ 15-17 đoàn khách với trên 3.000 đại biểu của các cơ quan, dân chính đảng nhà nước, các tổ chính trị xã hội, Việt Kiều yêu nước đến thăm quần đảo Trường Sa - đây là niềm vinh dự tự hào của các chiến sĩ Trường Sa.
"Thông qua các chuyến thăm này, mỗi đại biểu sẽ là một tuyên tuyền viên về biển đảo của Tổ quốc trên các lĩnh vực tại các địa phương; mỗi đại biểu đến với Trường Sa đều chia sẻ về nỗi khó khăn vất vả, gian khổ nơi tuyến đầu của Tổ quốc. Thông qua các chuyến thăm này thì hình ảnh Bộ đội cụ Hồ, người chiến sĩ Hải Quân trên các đảo thực sự là biểu tượng cho sức mạnh Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung và Hải quân Nhân dân Việt Nam nói riêng. Có một vị lãnh đạo từng nói, khách mang ra Trường Sa tình cảm, nhưng lại mang về niềm tin đối với bộ đội Trường Sa trong việc giữ vững chủ quyền của đất nước” - Đại tá Hải cho biết.
Những món quà đặc biệt
Trước chuyến thăm trên, phóng viên có cuộc trao đổi nhanh với một số thân nhân của các cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Bà Nguyễn Thị Sắc (63 tuổi, ở TP Thái Nguyên) có con đang công tác tại đảo Sơn Ca cho biết, bà rất vui khi nhận được thông tin được ra Trường Sa thăm con. Chuẩn bị cho chuyến đi này, ngoài tình cảm từ trái tim nồng ấm của người mẹ, bà còn mang những tình cảm vật chất có thể nói rất "khác người", đó là những giống cây chè con, móc mật và những hạt giống cây con khác với hi vọng những cây này sẽ phát triển trên đất đảo Sơn Ca.
"Tôi mang những cây chè này ra hi vọng nó phát triển được trên đất đảo Sơn Ca, từ đó các chiến sĩ ra đây bảo vệ đảo sẽ có chè tươi uống. Ngoài ra, tôi cũng chuẩn bị ít chè khô là đặc sản của Thái Nguyên và một vài thứ nữa mang ra cho con và các đồng đội của con dùng" - bà Sắc chia sẻ.
Bà Sắc cho biết, bà rất tự hào về con trai mình, bởi anh được canh giữ trên đảo Sơn Ca thuộc quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc.
"Con tôi viết đơn tình nguyện ra rèn luyện, công tác tại đảo Sơn Ca. Tôi luôn động viên con phải hoàn tốt nhiệm vụ, ở nhà các cháu đã có mẹ và vợ con chăm sóc cẩn thận nên hoàn toàn yên tâm ở hậu phương" - bà Sắc nói thêm.
Cũng tâm trạng háo hức như bà Sắc, ông Lê Minh Phú (58 tuổi, ở thị xã Sông Cầu - Phú Yên) ra thăm con trai là Lê Tiến Thành đang công tác ở đảo Đá Nam (quần đảo Trường Sa) cho biết: "Khi nhận biết tin tôi được ra đảo Đá Nam thăm con tôi rất vui. Tôi gác mọi công việc lại để chuẩn bị cho chuyến đi này".
Lần này ra đảo Đá Nam, ông Phú mang những món quà mà con trai ông thích là mắm ruột (mắm được làm từ ruột cá), mắm ruốc, tôm muối, rau muống nước để trồng và một vài thứ khác.
Cùng đi với đoàn thân nhân nói trên, sáng nay, tại Khách sạn Trường Sa (Cam Ranh - Khánh Hòa), theo ghi nhận của phóng viên , các thân nhân đã chuẩn bị rất nhiều những món quà để mang ra đảo. Những gói quà, thùng hàng lớn đều được Lữ đoàn 146 cho xe hỗ trợ các thân nhân chở ra tàu trước, nhằm đảm bảo có một chuyến đi thuận lợi và an toàn nhất.
Nguyễn Dương
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn