Đại biểu Quốc hội Cao Đình Thưởng phát biểu tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội chiều 8/6 về tình hình kinh tế xã hội.
Hi vọng giá thịt hạ nhiệt vào tháng 7, 8?
Tại phiên thảo luận, đại biểu Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn báo cáo, ngành đã đảm bảo 2 cân đối lớn về lương thực, thực phẩm trong tình hình dịch bệnh Covid-19.
Về lương thực, mục tiêu 45 triệu tấn lúa năm 2020 phải đảm bảo, ngành phấn đấu xuất khẩu 7 triệu tấn gạo (tương đương 12-13 triệu tấn lúa), dành 13 triệu tấn gạo tiêu dùng trong nước. Đó là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh khó khăn do 13.000 ha lúa bị hạn mặn.
Về thực phẩm, yêu cầu cung ứng 18 triệu tấn cũng khả quan. Vấn đề đáng chú ý là giá thịt lợn vẫn căng thẳng. Đó là do hệ quả của dịch tả lợn châu Phi, dù Việt Nam đã khống chế được dịch bệnh sớm hơn nhiều nước (11 tháng so với mốc 17 tháng của Trung Quốc). Tuy nhiên, đến tháng 1 năm nay cả nước mới có thể tổ chức tái đàn lợn, suôn sẻ thì trong tháng 6 này mới có thịt lợn mới đưa ra thị trường.
Ông Tiến thông tin, Thủ tướng lệnh nhập 100.000 tấn thịt lợn, thực tế 70.000 tấn đã về tới việt Nam nhưng khó khăn vì giá thịt nhập từ Trung Quốc cũng đã rất cao. Lãnh đạo Chính phủ đang xem xét cho nhập thêm lợn sống từ Thái Lan.
Đàn lợn trong nước hiện có gần 26 triệu con, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp cho biết, đến tháng 7, 8 sẽ đảm bảo cung ứng đủ thịt lợn cho nhu cầu tiêu dùng trong nước. Hi vọng khi đó giá thịt sẽ hạ nhiệt.
Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) phân tích, nền kinh tế hiện vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nghĩa là chịu sự chi phối bởi cả bàn tay hữu hình và bàn tay vô hình. Vấn đề phải giải quyết, theo ông Thưởng, giá thịt cứ tăng vù vù nhưng giá gia cầm, giá các loại thịt khác không tăng, thậm chí còn giảm.
“Vậy từ chuyện người dân nghe đài, đọc báo, xem truyền hình rồi hi vọng giá thịt sớm giảm nhưng ai dè giá thực tế chỉ ngày càng tăng. Việc người dân thất vọng nói muốn mua thịt giá rẻ lên tivi mà mua hoặc là xuống Hà Nội, gặp Thủ tướng mà mua cần phải được xem xét xem lỗi từ đâu, từ cơ quan điều hành hay từ người tiêu dùng?” – đại biểu đề nghị Bộ Nông nghiệp trả lời cho câu hỏi này.
Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) - Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội - cũng cho rằng, chuyện giá thịt lợn mỗi lúc một “trên trời” bất chấp mọi biện pháp điều hành, tuyên bố để kéo giá thịt về mức 70.000 đồng/kg là một trong những vấn đề gây bức xúc, băn khoăn trong dư luận, cần phải xử lý.
Việc này cũng giống như chuyện dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, chuyện giá thịt, chuyện cao ốc 8B Lê Trực đang thách thức sự kiên nhẫn, gây mất niềm tin với người dân.
“Anh Tiến (Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp) báo cáo thế nhưng giá thịt thực tế vẫn chưa thể kéo giảm. Người dân bảo nhau, chỉ có thể lên tivi mà mua. Một số lãnh đạo doanh nghiệp thực phẩm là nguồn phân phối thịt lớn cũng phải chịu sự điều hành của nhà nước, phải bán giá thấp nhưng như vậy là chịu thiệt, chịu lỗ nhiều nhưng lúc lợn chết có ai hỗ trợ người ta đâu. Như vậy có phải là thị trường không?” – đại biểu Phong đặt câu hỏi.
“Nếu biết đi, cột điện sẽ chạy từ Mỹ về Việt Nam”
Phát biểu tại tổ thảo luận của đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng, nêu khái quát những thành tựu của đất nước trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: “Mô hình quản trị của đất nước 100 triệu dân với cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là rất khó, trong khi các thế lực thù địch chống phá ta rất nặng nề. Việt Nam có cái khác các nước ở chỗ đó. Thế nhưng từ một đất nước đói ăn, nợ nần chồng chất, thành quả của chúng ta đạt được hiện nay là rất to lớn. Thế giới tin tưởng và thậm chí ca ngợi Việt Nam, nhất là trong thành tựu phòng chống đại dịch Covid-19. Có người nói vui rằng vừa qua, nếu chiếc cột điện biết đi thì nó sẽ chạy từ Mỹ về Việt Nam”.
Liên quan đến các dự án thua lỗ tồn đọng, Thủ tướng công nhận, có những sai lầm trong quá khứ đã để lại hậu quả rất nặng nề. Nhưng quá trình khắc phục phải từng bước, không thể vì sốt ruột mà để mất thêm cán bộ nữa.
Khẳng định Việt Nam có cơ hội đón dòng đầu tư mới, Thủ tướng yêu cầu mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân quyết tâm chấn chỉnh những nhược điểm cố hữu, đặc biệt là chữa cho được căn bệnh trì trệ, sợ trách nhiệm. Liên quan đến nhiệm vụ giải ngân đầu tư công, người đứng đầu Chính phủ khẳng định, bộ nào, địa phương nào không làm tốt sẽ điều chuyển vốn đi chỗ khác, đồng thời xử lý trách nhiệm.
Lưu ý rằng trong lúc toàn cầu vẫn đang chìm trong khó khăn, Việt Nam vẫn phải đối phó với tình trạng đứt gãy chuỗi cung cầu và mất đi khoảng 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, Thủ tướng mong muốn Quốc hội đồng lòng với Chính phủ để kiên trì giải quyết những tồn đọng cũ, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển bền vững.
Phương Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn