Ngày 4/1, Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 13, khóa VIII đã khai mạc tại TPHCM.
Tại đây, góp ý về chương trình hành động chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2018-2020, ông Lù Văn Que - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc miền núi – cho biết, chống tham nhũng phải dựa vào sức dân thì mới giải quyết được vấn đề.
Theo ông Que, Mặt trận không có chuyên môn trong việc này nên bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân thì phải tập trung vào giám sát và phản biện. Phải phát huy vai trò, sức mạnh của dân để chống tham nhũng. Từ đó, kiến nghị với Trung ương, Chính phủ sửa đổi điều lệ, cơ chế chính sách cho phù hợp.
“Một số cơ chế chính sách mang tính đặc quyền, đặc lợi, cần phải công khai ra cho người dân biết để giám sát. Phải dựa vào dân để chống tham nhũng. Chúng ta chống với nhau thì chẳng ăn thua. Để dân giám sát thì phải có cơ chế, phải công khai ra chứ bí mật thì không thể giám sát được”, ông Que nói.
Ông Que dẫn chứng như việc kê khai tài sản như hiện nay thì dân không thể giám sát được. “Kiểm kê tài sản xong cũng biết với nhau, việc này phải công khai cho dân biết. Hay như hiện nay, cán bộ thuộc diện Ban Bí thư quản lý có hơn 1.000 là những ai? Phải công khai cho dân biết để họ giám sát”, ông Que đề xuất.
Ông Lù Văn Que nhận định: Những người có chức, có quyền thì mới tham nhũng được. Muốn chống tham nhũng thì phải trị bệnh lạm quyền.
Đồng quan điểm, GS Đỗ Quang Hưng - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Tôn giáo - cho rằng, việc phát huy vai trò giám sát của người dân cần gắn với phản biện. Phản biện đôi khi còn quan trọng hơn cả giám sát.
Theo GS Hưng, tham nhũng đã là vấn nạn nên Mặt trận phải có quan điểm, góc nhìn nhất định để chương trình hành động tốt hơn. “Khi tham gia xây dựng Luật Phòng chống tham nhũng, tôi đề nghị Mặt trận không chỉ góp ý mà còn tham gia ban hành, như vậy mới trọn vẹn”, ông Đỗ Quang Hưng nói.
Trong khi đó, ông Đỗ Duy Thường - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ pháp luật - cho rằng, để Mặt trận là cơ quan gương mẫu trong đấu tranh phòng chống tham nhũng thì cần đề cập rõ hơn chương trình phòng ngừa trong hệ thống cơ quan Ủy ban Mặt trận các cấp.
“Nhất là việc dựa vào dân, phát huy dân chủ trực tiếp của người dân, trong đó quan trọng nhất là ở khu dân cư để tuyên truyền vận động nhân dân tham gia phòng chống tham nhũng”, ông Thường nói.
Ông Hà Văn Núi - nguyên Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam - cho biết người dân còn nhiều tâm tư trong phòng chống tham nhũng. Nhân dân vẫn còn băn khoăn tại sao tham nhũng tràn lan như vậy, gây thất thoát tiền ngân sách.
“Theo tôi, một trong những nguyên nhân là tổ chức bộ máy quá cồng kềnh, trì trệ, trùng lắp chức năng... Do đó, khi có việc xảy ra thì không ai chịu trách nhiệm”, ông Núi nhận định.
Cũng theo ông Núi, Trung ương có quyết tâm rất cao, đưa ra nhiều đề án sắp xếp lại bộ máy làm sao cho tinh gọn, hiệu quả. Nghị quyết của Trung ương vừa qua được kỳ vọng có nhiều đột phá để bố trí tổ chức lại bộ máy của hệ thống chính trị. Nhưng kết quả chỉ mới ở bước đầu, giải thể một vài ban, một số đơn vị.
“Nên chăng cơ quan Trung ương tập trung bàn sâu về nội dung này và Mặt trận cùng tham gia với Trung ương để kiên quyết sắp xếp lại bộ máy của chúng ta cho tinh gọn”, ông Núi đề xuất.
Bà Hà Thị Liên – nguyên Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam – cho rằng, công tác phòng chống tham nhũng hiện nay thực hiện rất khó. Do vậy, Mặt trận cần phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị để thực hiện.
“Hiện nay, công tác phòng chống lãng phí chưa được làm rõ, ngày càng có những công trình tiền tỷ bỏ hoang, gây lãng phí tiền của. Phải có biện pháp để ngăn chặn”, bà Liên nói.
Tác giả: Quốc Anh
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn