Nguồn tin từ Bộ NN&PTNT cho biết, trong khuôn khổ Tuần lễ an ninh lương thực tổ chức tại Cần Thơ từ ngày 18-25/8, hội thảo tăng cường năng lực về “Giảm thất thoát và lãng phí lương thực, hướng tới một hệ thống lương thực APEC bền vững” đã được tổ chức.
Thế giới vẫn còn khoảng 800 triệu người thiếu đói
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) ước tính hiện nay trên thế giới vẫn còn khoảng 800 triệu người thiếu đói, trong đó ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có số người thiếu đói lớn nhất, khoảng 500 triệu người. FAO cũng ước tính rằng mỗi năm có 1/3 lương thực sản xuất ra phục vụ con người bị mất đi hoặc lãng phí – tương đương 1,3 tỷ tấn.
Con số này trị giá gần 750 tỷ USD mỗi năm. Nếu cắt giảm được hoàn toàn thất thoát và lãng phí lương thực, chúng ta sẽ có thêm lương thực đủ nuôi sống 2 tỷ người.
Chưa kể những tác động tiêu cực tới môi trường của rác thải thực phẩm khi sản xuất nông nghiệp tiêu hao rất nhiều năng lượng, nước, phân bón và làm mất một phần diện tích đất rừng.
Phần lớn lương thực thất thoát xảy ra trong quá trình sau sản xuất, thu hoạch, vận chuyển và bảo quản, có liên quan mật thiết đến thiếu cơ sở hạ tầng ở các nền kinh tế đang phát triển, trong khi lãng phí lương thực lại chủ yếu là vấn đề ở khâu tiếp thị và tiêu thụ ở các nền kinh tế phát triển hơn.
Tuyên bố về an ninh lương thực của APEC vào các năm 2010, 2012, 2014 và 2016 luôn nhấn mạnh sự cần thiết giảm thất thoát và lãng phí lương thực để hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững và đảm bảo an ninh lương thực của các nền kinh tế APEC.
Một trong những mục tiêu của Lộ trình an ninh lương thực APEC hướng tới năm 2020 là giảm 10% thất thoát và lãng phí lương thực so với mức thất thoát năm 2011-2012.
“Thất thoát và lãng phí lương thực là vấn đề chung, có tầm quan trọng cả về kinh tế, xã hội và môi trường, vì vậy cần phải kết hợp các nguồn lực công – tư sẵn có của các nền kinh tế APEC để tìm ra cách thức phù hợp để giảm tổn thất và lãng phí lương thực trong toàn chuỗi” - ông Gong Xifeng, Trưởng nhóm công tác hợp tác kỹ thuật nông nghiệp APEC (ATCWG) phát biểu tại hội thảo.
Ông Trần Kim Long – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT cho biết, ở các nền kinh tế đang phát triển, những hạn chế về cơ sở vật chất và tác động của biến đổi khí hậu là những yếu tố chính gây thất thoát và lãng phí lương thực, vì vậy “cần phải có những chính sách khuyến khích đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ trong chuỗi sản xuất nông sản phẩm, và huy động sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân và người tiêu dùng để giảm thất thoát và lãng phí lương thực”.
Tại hội thảo các đại biểu đã tập trung thảo luận vào bốn chủ đề chính gồm: những hướng dẫn để đánh giá giảm thất thoát và lãng phí lương thực; chia sẻ kinh nghiệm và các giải pháp của khu vực tư nhân để giảm lãng phí lương thực; xem xét, rà soát các dự án của APEC về giảm thất thoát và tổn thất lương thực; và các biện pháp để tăng cường nhận thức và hướng tới mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững của các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc.
Thách thức lớn trong việc quản lý tài nguyên nước
Sau hai ngày thảo luận tích cực và hiệu quả, các đại biểu đã rút ra được những thách thức/khó khăn của việc quản lý tài nguyên nước là do 3 nhóm nguyên nhân chính như:
Thứ nhất, chức năng chồng chéo, trách nhiệm và vai trò không đồng nhất của các cơ quan liên quan; sự ưu tiên của các cơ quan này không thống nhất và khó khăn trong việc vận hành các công nghệ đo lường và giám sát công nghệ ở địa phương;
Thứ hai, thiếu dữ liệu (các nền kinh tế thiếu khả năng phân tích để tận dụng tối đa các dữ liệu thu thập được); gặp khó khăn trong kiểm soát việc phân phối nước và việc nông dân tuân thủ các kế hoạch; kết nối các nghiên cứu khoa học công nghệ của các trường đại học liên quan tới nước và nông nghiệp với thực tiễn (thương mại hóa);
Thứ ba, các nền kinh tế chưa chú trọng việc đưa các nhóm dễ bị tổn thương là đối tượng liên quan trong việc quản lý tài nguyên nước; khó khăn trong việc thúc đẩy sự tham gia của khu vực nhà nước và tư nhân là rất khó khăn.
Từ đó, các đại biểu đã thống nhất 3 nhóm giải pháp về quản lý, kỹ thuật và sự tham gia của các bên liên quan. Theo đó, về quản lý, thành lập các ủy ban cấp quốc gia để thúc đẩy việc điều phối liên ngành; Hội đồng lưu vực sông và lập kế hoạch cấp lưu vực sông là một cơ chế điều phối hiệu quả; áp dụng các công nghệ tiên tiến và kỹ thuật như đo thời gian thực để tăng hiệu quả sử dụng nước và các cộng đồng địa phương và việc phân cấp ra quyết định là rất cần thiết trong việc thực hiện quản lý tài nguyên nước tổng hợp.
Về kỹ thuật, cải thiện hệ thống thủy lợi; Chính phủ hỗ trợ đa dạng hoá cây trồng và hỗ trợ các nghiên cứu liên quan tới bảo tồn nguồn nước; ứng dụng công nghê như hình ảnh vệ tinh và viễn thám, giám sát hạn hán và các dịch vụ thông tin khí hậu; thu nước mưa và dự trữ nước; tăng cường hợp tác giữa khu vực tư nhân và nhà nước…
Về sự tham gia của các bên liên quan, tư vấn trong nước và khu vực tạo một diễn đàn để thảo luận về các nhóm dễ tổn thương. Đây là những cơ sở quan trọng cho Hội nghị chính thức về Đối tác chính sách và an ninh lương thực vào ngày 21/8.
Tác giả: Nguyễn Dương
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn