Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân vừa ký triển khai kế hoạch "Cải thiện và nâng cao chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công" tỉnh Cà Mau năm 2017.
Chỉ số “công khai, minh bạch” đứng top cuối
Theo kết quả công bố chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) do Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (VFFCRT) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), chỉ số PAPI của tỉnh Cà Mau năm 2016 xếp thứ 55/63 tỉnh, thành (tụt 30 bậc so với năm 2015) và nằm trong nhóm đạt điểm thấp nhất của cả nước.
Có 6 chỉ số nội dung được đánh giá, gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Cung ứng dịch vụ công và Thủ tục hành chính công.
Trong 6 chỉ số nội dung nêu trên, so với năm 2015 thì năm 2016 tỉnh Cà Mau chỉ có một chỉ số nội dung tăng hạng là “Trách nhiệm giải trình với người dân”, từ hạng 24/63 lên hạng 23/63 tỉnh, thành; 5 chỉ số nội dung còn lại đều tụt hạng.
Đáng chú ý, trong 5 chỉ số nội dung tụt hạng, chỉ số nội dung “Công khai, minh bạch” tụt đến 35 hạng, từ hạng 27/63 xuống 63/63 tỉnh, thành.
“Qua đó, thể hiện các đơn vị cấp xã chưa quan tâm chỉ đạo việc thực hiện công khai minh bạch hóa thông tin về danh sách hộ nghèo, ngân sách cấp xã và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và khung giá bồi thường thu hồi đất tại trụ sở cơ quan theo quy định của Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và Luật Đất đai năm 2013”, báo cáo nêu rõ.
Ở chỉ số nội dung “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, tỉnh Cà Mau cũng tụt 7 hạng, từ hạng 15/63 vào năm 2015 xuống hạng 22/63 trong năm 2016.
Qua đó cho thấy, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng chưa đi vào chiều sâu; kết quả thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả chưa cao; một số vụ án điều tra, truy tố, xét xử còn chậm, chưa nghiêm; vẫn còn tình trạng lót tay, bồi dưỡng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính, khám điều trị bệnh, xin việc làm; còn cán bộ, công chức, viên chức tinh thần, trách nhiệm làm việc chưa cao; chưa chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao; thái độ làm việc thiếu hòa nhã, thân thiện.
Trong chỉ số nội dung “Thủ tục hành chính công” (tụt 9 hạng, từ 32 xuống 41/63), thể hiện người dân chưa hài lòng với công tác cải cách thủ tục hành chính của các cơ quan Nhà nước.
Nguyên nhân là người dân chưa được cung ứng kịp thời, khó tiếp cận các dịch vụ công khi việc công khai thủ tục hành chính trên Trang thông tin điện tử cấp huyện chưa kịp thời, đầy đủ, đúng quy định; chưa thực hiện tốt cơ chế một cửa nên nhiều đơn vị giải quyết hồ sơ cho tổ chức, cá nhân còn trễ hẹn; công chức tiếp nhận thủ tục hành chính ở một số đơn vị còn thiếu tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ chưa tốt; một số đơn vị chưa thực hiện xin lỗi khi trả kết quả trễ hẹn theo quy định,… làm người dân phải đi lại nhiều lần, gặp khó khăn, bức xúc (nhất là lĩnh vực đất đai).
Nghiêm cấm nhận các khoản tiền ngoài quy định
Với những tồn tại nêu trên, theo kế hoạch nâng cao chỉ số PAPI trong năm 2017 của UBND tỉnh Cà Mau, tỉnh này yêu cầu các Sở, Ban ngành, địa phương ưu tiên tập trung cải thiện ngay 4 chỉ số nội dung, gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch; Cung ứng dịch vụ công và Thủ tục hành chính công.
Trong đó, UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác cải cách thủ tục hành chính; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy chế dân chủ ở cơ sở; kịp thời ngăn chặn những dấu hiệu tiêu cực, xử lý theo đúng quy định đối với những trường hợp vi phạm các quy định về quản lý tài chính, tài sản công; xử lý nghiêm những trường hợp thực hiện không đúng các quy định về chính sách hộ nghèo;…
Song song đó, UBND tỉnh Cà Mau cũng đề nghị các Sở, Ban ngành, địa phương duy trì, phát huy 2 chỉ số nội dung: Trách nhiệm giải trình với người dân và Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công.
UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng hiệu quả công tác tiếp xúc, trao đổi, giải trình khi người dân có yêu cầu gặp cán bộ, công chức đối với các vấn đề dân sinh, các khúc mắc trong đời sống hàng ngày; xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng và trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng.
“Nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức nhận các khoản tiền ngoài quy định trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng; trong khám, chữa bệnh; tiền “bồi dưỡng” của phụ huynh học sinh; tiền “lót tay” của người xin việc làm; nhận người do có mối quan hệ cá nhân vào cơ quan nhà nước; dùng tài sản nhà nước, tiền công quỹ vào mục đích riêng”, kế hoạch của UBND tỉnh Cà Mau nêu rõ.
Tác giả: Huỳnh Hải
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn