Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ: Nhà trí thức yêu nước vĩ đại!
Thứ năm - 09/07/2020 15:08
(Dân trí) - Nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã đánh giá: "Luật sư Nguyễn Hữu Thọ quả là một nhà trí thức yêu nước vĩ đại, đã hy sinh gần cả cuộc đời để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân Việt Nam".
Một trí thức yêu nước, nhà cách mạng kiên trung, mẫu mực
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (bí danh là Ba Nghĩa) sinh ngày 10-7-1910 trong một gia đình công chức trung lưu, tại làng Long Phú, tổng Long Hưng Hạ, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc thị trấn Bến Lức, tỉnh Long An). Với mong muốn học hành thành tài để phục vụ quê hương, phục vụ Tổ quốc, người thanh niên Nguyễn Hữu Thọ đã lên đường sang Pháp du học.
Năm 1932, sau khi tốt nghiệp Cử nhân Luật hạng ưu, với tài năng và trí tuệ vượt trội, ông được nhiều trường đại học và văn phòng luật sư danh tiếng ở Pháp mời làm việc. Nhưng với mong muốn đem kiến thức giúp dân, giúp nước, ông đã quyết định trở về Tổ quốc, hoạt động luật sư.
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã sớm tham gia vào phong trào yêu nước đấu tranh đòi các quyền tự do, dân chủ trong những năm 1940-1945. Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, luật sư Nguyễn Hữu Thọ trở thành một trí thức yêu nước ủng hộ chính quyền cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.
Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ông tham gia kháng chiến bằng nhiều hình thức, tích cực hoạt động trong phong trào đấu tranh công khai của các tầng lớp Nam Bộ. Kể từ đây, mọi hoạt động, cống hiến không mệt mỏi của luật sư Nguyễn Hữu Thọ đều gắn liền với sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Bằng tinh thần yêu nước nhiệt thành, trí tuệ, tài năng, phẩm chất đạo đức cách mạng cao đẹp, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã trở thành “một nhà trí thức yêu nước vĩ đại”, là người "tiêu biểu cho lòng yêu nước nồng nàn và dũng cảm của trí thức miền Nam".
Năm 1954, miền Bắc được hòa bình, ông tiếp tục tham gia vào cuộc đấu tranh của quân dân miền Nam đòi thi hành Hiệp định Genève, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tháng 2-1962, Đại hội lần thứ nhất Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được tổ chức, ông được bầu làm Chủ tịch và trực tiếp lãnh đạo cuộc chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh của đồng bào và chiến sĩ miền Nam.
Tháng 6-1969, khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập, ông giữ chức Chủ tịch Hội đồng cố vấn. Với cương vị người đứng đầu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chủ tịch Hội đồng cố vấn, ông đã lãnh đạo Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cùng Liên Minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam tập hợp, đoàn kết, động viên quân và dân miền Nam tiến hành cuộc đấu tranh vũ trang, chính trị, ngoại giao, binh vận gay go và ác liệt bậc nhất trong thế kỷ XX giành nhiều thắng lợi to lớn, từ chiến thắng Đường 9 Nam Lào, đến chiến thắng Quảng Trị-Thừa Thiên Huế và cuối cùng là cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần hoàn thành sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Tâm huyết xây dựng một nhà nước pháp quyền
Sau khi thống nhất đất nước, ngày 25-4-1976, trong Cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội nước Việt Nam thống nhất, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã trúng cử đại biểu Quốc hội với sự tín nhiệm rất cao; và tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI (tháng 6-1976), ông được bầu làm Phó Chủ tịch nước. Sau đó, ông lần lượt giữ nhiều chức vụ quan trọng của Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Quyền Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (từ tháng 4-1980 đến tháng 7-1981); Chủ tịch Quốc hội (1981-1987), Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Đại hội năm 1988 và Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước các khóa VII, VIII.
Trên cương vị Quyền Chủ tịch nước, ông đã cùng Chính phủ tổ chức chỉ đạo nhân dân cả nước thực hiện các chủ trương, đường lối của Ðảng, tái thiết và xây dựng đất nước, hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục, tìm hướng phát triển kinh tế-xã hội, chăm lo đời sống nhân dân; dành nhiều trí lực cho việc soạn thảo Hiến pháp năm 1980 và ký Lệnh công bố bản Hiến pháp đặc biệt quan trọng này.
Ở cương vị Chủ tịch Quốc hội, ông thường xuyên quan tâm thực hiện dân chủ và xây dựng pháp luật, bảo đảm để Quốc hội hoàn thành trọng trách của mình, khẳng định được chức năng lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Ông thường nói: "Tự do dân chủ chỉ có được thực sự khi hệ thống luật pháp đúng, đủ và được thực hiện nghiêm minh. Người dân phải được bảo vệ các quyền cơ bản của mình".
Trong điều hành, ông mạnh dạn, có khi chấp nhận cả sự gai góc, nhưng có lý, có tình, vì lợi ích của đại cục, vì sự nhiệt thành với dân, với nước. Ông cũng thường xuyên quan tâm đến việc giám sát giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân và kiến nghị của cử tri...
Với cương vị là Chủ tịch Mặt trận, ông nhiều lần xuống địa phương tìm hiểu thực trạng, tháo gỡ khó khăn của công tác Mặt trận, đề xuất với Ðảng, Nhà nước những cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, mở rộng và phát huy vai trò Mặt trận dân tộc thống nhất trong thời kỳ mới, với mong muốn Mặt trận phải thực sự là nơi hội tụ trí tuệ, sáng kiến của các tầng lớp nhân dân, là trung tâm đoàn kết mọi người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước, không phân biệt thành phần xã hội, quá khứ, chính kiến, tôn giáo, dân tộc...
Xác định đúng đắn mối quan hệ giữa Ðảng lãnh đạo với tổ chức Mặt trận theo tinh thần Ðảng vừa là người lãnh đạo vừa là một thành viên của Mặt trận, làm sao để Mặt trận trở thành chỗ dựa chính trị tin cậy của Nhà nước.
Giải thích hành động yêu nước của mình, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ nói một cách giản dị: "Ai cũng có một quê hương để yêu, một đất nước để bảo vệ và xây dựng, một dân tộc để phụng sự. Nhà trí thức không thể nghĩ khác, làm khác". Vì vậy, dù ở cương vị công tác nào, ông cũng luôn thể hiện bản lĩnh, phẩm chất, trí tuệ và nhiệt tâm của một nhà trí thức yêu nước, một chiến sĩ cách mạng kiên định, được đồng bào cả nước yêu mến, tin cậy, được các chính khách quốc tế và các nguyên thủ quốc gia kính trọng.
Để ghi nhận những công lao, đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng, Đảng và Nhà nước đã tặng ông Huân chương Sao Vàng (năm 1993) và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác.
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ qua đời ngày 24-12-1996 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cuộc đời, sự nghiệp của ông là quá trình vận động từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đến chủ nghĩa cộng sản và gắn liền với sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc. Ông là con người tiêu biểu của tình đoàn kết dân tộc, là một nhà lãnh đạo tài năng, một tấm gương sáng về đạo đức, tác phong, lối sống giản dị, khiêm tốn, trong sạch, hy sinh vì nghĩa lớn, không khuất phục trước cường quyền, không sa ngã trước tiền tài danh lợi, vì lý tưởng cộng sản cao đẹp.
Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã hiến dâng trọn đời cho Tổ quốc, cho dân tộc đúng như nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã đánh giá: "Luật sư Nguyễn Hữu Thọ quả là một nhà trí thức yêu nước vĩ đại, đã hy sinh gần cả cuộc đời để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân Việt Nam. Nhân dân Việt Nam ta đời đời sẽ nhớ mãi người con Việt Nam anh hùng ấy".