Phát biểu tại buổi lễ ông Trần Hoài Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ đã khái quát những nét nổi bật về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng; bày tỏ lòng thành kính biết ơn vô hạn đối với cụ và nghĩa quân đã anh dũng đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp.
Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng quê ở làng Đông Thái, huyện La Sơn nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ. Ông là chủ tướng của phong trào khởi nghĩa Hương Khê (1885-1895). Cuộc đời và sự nghiệp của Phan Đình Phùng đã đi vào trang sử vàng của dân tộc, cổ vũ tinh thần yêu nước chống ngoại xâm giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Năm 1876, Phan Đình Phùng thi đậu cử nhân, năm 1877 đậu Đình Nguyên Tiến sĩ, được bổ Tri huyện Yên Khánh (Ninh Bình), sau đó được đổi về Kinh đô Huế, sung chức Ngự sử Đô sát viện. Cụ Phan nổi tiếng về tính cương trực và khảng khái. Năm 1883, khi thấy Tôn Thất Thuyết phế Dục Đức lập vua Hiệp Hoà, cụ đứng lên phản đối và bị Tôn Thất Thuyết đuổi về quê.
Năm 1885, hưởng ứng Chiếu Cần Vương, Phan Đình Phùng đã đứng ra chiêu tập quân sĩ chống Pháp. Các anh hùng hào kiệt khắp bốn tỉnh miền Bắc Trung kỳ tự nguyện liên kết lực lượng dưới quyền chỉ huy tối cao của cụ Phan Đình Phùng. Nghĩa quân xây dựng căn cứ tại vùng núi rừng Hương Sơn, Hương Khê (Vũ Quang) hiểm trở, nhằm tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài.
Cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng trở thành một trong những cuộc khởi nghĩa lớn nhất của phong trào Cần Vương chống Pháp lúc đó.
Ngay từ buổi đầu kháng chiến, Phan Đình Phùng đã nhận thức đúng đắn cần có sức mạnh của toàn dân mới có thể chiến thắng được quân thù và cần có vũ khí hiện đại. Do đó, Phan Đình Phùng đã giao cho Cao Thắng lãnh trách nhiệm tổ chức, xây dựng phong trào và rèn đúc vũ khí, súng đạn đánh Pháp, đặc biệt là súng trường kiểu “1874’’.
Lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hương Khê trong vòng 10 năm, Phan Đình Phùng đã thể hiện tài thao lược, quân sự tài tình là dựa vào núi rừng hiểm yếu và công sự kiên cố để đánh giặc, dựng căn cứ vững chắc phối hợp với lối đánh du kích để tiêu diệt quân thù. Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại nhưng đã để lại nhiều bài học quý báu về đấu tranh vũ trang, xây dựng lực lượng, chiến tranh du kích. Là đỉnh cao của phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX.
Ông hy sinh ngày 28/12/1895, sau một trận giao tranh ác liệt với giặc Pháp tại căn cứ nghĩa quân ở Vụ Quang, Ngàn Trươi.
Tác giả: Xuân Sinh
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn