Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuỷ sản (sửa đổi) được Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày trước Quốc hội sáng 6/6 đã đề nghị ban soạn thảo cân nhắc việc giao UBND cấp tỉnh có thẩm quyền giao, cho thuê mặt nước biển vì khó khả thi đối với các dự án có quy mô đầu tư trên diện tích lớn, ảnh hưởng đến nhiều tỉnh.
Mặt khác, đối với mô hình nuôi khơi (nuôi xa bờ), theo Nghị định 51/2014 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển, UBND cấp tỉnh chỉ có thẩm quyền giao, cho thuê từ vùng biển 3 hải lý trở vào. Hơn nữa, do đặc thù của mô hình này là xa vùng bờ nên khó kiểm soát và ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng và cần có sự đánh giá tổng hợp của các cơ quan chuyên ngành Trung ương.
“Đề nghị ban soạn thảo quy định thẩm quyền giao, cho thuê đối với những trường hợp này cho Chính phủ hoặc cấp Bộ; quy định chi tiết trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ liên quan trước khi giao, cho thuê mặt nước biển”- ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, việc thu hút vốn đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam là một chủ trương đúng đắn nhưng việc quy định cho cá nhân, tổ chức nước ngoài thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản là phương thức mới, do vậy cần cân nhắc kỹ lưỡng một số vấn đề về quốc phòng - an ninh để bảo đảm hài hòa lợi ích phát triển kinh tế và an ninh quốc gia.
Ngoài ra, về quyền của tổ chức, cá nhân được giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản quy định tại Điều 46 dự thảo luật, báo cáo thẩm tra cũng đề nghị ban soạn thảo xem xét, quy định chặt chẽ hơn đối với trường hợp tổ chức, cá nhân Việt Nam chuyển nhượng, cho thuê lại với tổ chức, cá nhân nước ngoài để tránh tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
Thành lập thêm lực lượng kiểm ngư?
Ông Phan Xuân Dũng cho biết hiện có 3 loại ý kiến về lực lượng kiểm ngư. Ý kiến thứ nhất, đề nghị tiếp tục duy trì lực lượng kiểm ngư trung ương (có các chi cục tại các vùng - gọi tắt là kiểm ngư vùng) như hiện nay, không thành lập thêm hệ thống kiểm ngư cấp tỉnh nhưng có chính sách tăng cường nguồn lực, chế độ cho thanh tra chuyên ngành thủy sản.
Ý kiến thứ hai cho rằng, bên cạnh lực lượng kiểm ngư trung ương, cần thành lập thêm hệ thống kiểm ngư tại 28 tỉnh ven biển trên cơ sở chuyển từ lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản tại các chi cục thủy sản.
Trong khi đó, ý kiến thứ ba đề nghị tuỳ vào tính chất đặc thù của từng địa phương mà thành lập thêm kiểm ngư cấp tỉnh trên cơ sở cơ cấu lại lực lượng thanh tra chuyên ngành về thủy sản tại địa phương.
“Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường xin báo cáo và đề nghị các vị đại biểu Quốc hội cho ý kiến về vấn đề này”- ông Dũng nói.
Xung quanh việc thành lập Quỹ Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, ông Phan Xuân Dũng cũng cho biết đang có 3 loại ý kiến.
Thứ nhất, đề nghị không thành lập Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách mà cần có chính sách, quy định khuyến khích thành lập và phát triển Quỹ cộng đồng. Lý do vì Luật Thủy sản năm 2003 đã cho phép thành lập quỹ tái tạo nguồn lợi thủy sản, nhưng sau 13 năm thi hành pháp luật về thủy sản thì quỹ chưa đi vào hoạt động. Đồng thời việc thành lập quỹ sẽ dẫn đến thêm bộ máy biên chế, trong khi Thủ tướng đã có chỉ thị về tăng cường công tác quản lý đối với quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, trong đó giải thể các quỹ hoạt động không hiệu quả.
Loại ý kiến thứ hai lại đề nghị thành lập quỹ trung ương và quỹ cấp tỉnh như trong dự thảo luật để có hệ thống quỹ đồng bộ từ trên xuống dưới, tiếp nhận được đầy đủ và triển khai nguồn lực tài chính hỗ trợ cho phát triển nguồn lợi thủy sản.
Còn loại ý kiến thứ ba, đề nghị thành lập quỹ trung ương và khuyến khích phát triển quỹ cộng đồng, không thành lập quỹ cấp tỉnh.
Ông Phan Xuân Dũng cho hay, tại hội nghị thẩm tra dự án luật thủy sản, đa số ý kiến đồng tình với loại ý kiến thứ nhất.
Tác giả: Thế Kha
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn