Xoá chuyện “quyền anh, quyền tôi”
- Quảng Ninh đề ra mục tiêu gì đối với đề án, thưa bà?
- Tinh giản biên chế, cái đó ai cũng nghĩ đầu tiên nhưng mà mong muốn của chúng tôi không chỉ mỗi việc đấy. Nếu tinh gọn bộ máy mà không mạnh lên thì chẳng nên làm. Nhưng tinh giản mà lại mạnh lên, mà tập trung được, giảm mà không phiền hà, không bị kéo các quy trình ra, không phát sinh ra các tổ chức trung gian, không bị lặp đi lặp lại các quy trình làm việc thì rất cần, rất nên.
Khi thực hiện đề án này, đầu tiên chúng tôi muốn thống nhất được hệ thống, để làm sao các cơ quan không dẫm chân lên nhau vẫn phải thực hiện đầy đủ các chức năng của các tổ chức. Thứ 2, ngay cả người đứng đầu cấp ủy và người đứng đầu chính quyền, công tác lãnh đạo chỉ đạo cũng phải tập trung và thống nhất để hợp thành sức mạnh, không có chuyện “quyền anh, quyền tôi”, không có “quân anh, quân tôi” chỉ có cơ chế giao ban rất rõ.
- Vì sao Quảng Ninh lại chọn 2 cơ quan này để thực hiện thí điểm? Việc hợp nhất có khả năng áp dụng cao hơn cấp huyện?
- Lúc đầu, chúng tôi chỉ lựa chọn 6 huyện để hợp nhất ban Tổ chức với phòng Nội vụ và 6 huyện hợp nhất cơ quan thanh tra với UB kiểm tra của Đảng nhưng cuối cùng các huyện đòi làm hợp nhất cả 4 tổ chức. Vậy là cả 12 huyện của Quảng Ninh đều thực hiện.
Riêng huyện đảo Cô Tô và Tiên Yên đã nhất thể hóa chức danh người đứng đầu là Bí thư kiêm Chủ tịch UBND thì sẽ tính tới hợp nhất 3 văn phòng: văn phòng đảng ủy, văn phòng HĐND và văn phòng UBND.
Chúng tôi tổ chức hợp nhất đối với cấp huyện trước vì là cấp trên của huyện, tỉnh chúng tôi chủ động được. Khi ấy cơ quan chỉ đạo cấp trên là tỉnh là nơi đưa ra cái đề án này thì việc tổ chức thực hiện hoàn toàn có thể tạo điều kiện, cơ chế để vận hành. Khi thực hiện ở cấp huyện cũng tác động trực tiếp luôn đến đối tượng cần thiết, không phải qua anh nào nữa. Còn nếu thực hiện ở cấp tỉnh thì phải phụ thuộc cấp trên là trung ương mà trung ương còn băn khoăn thì tỉnh rất khó làm.
Hơn nữa, thực hiện ở cấp huyện phạm vi ảnh hưởng không lớn, nếu có rủi ro gì thì còn có thể khoanh vùng và điều chỉnh rút kinh nghiệm được ngay.
- Hội nghị Trung ương 6 vừa qua đã bàn nhiều nội dung về việc tổ chức lại, tinh gọn bộ máy. Trung ương có ý kiến gì việc chuẩn bị đề án của Quảng Ninh, tư tưởng, tâm tư của những người triển khai đề án ra sao?
Trong kết luận 37 của Nghị quyết TƯ 9 khóa 10 đã ghi rõ sẽ nghiên cứu các đề án thí điểm trong đó có thí điểm nhất thể hóa chức danh và tổ chức giữa cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với tổ chức chuyên môn của cùng cấp rồi. Đến bây giờ tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng xong đề án của cấp huyện, thảo luận và làm đề án tập thể chứ không phải là làm đề án cá nhân.
Vậy nên, thực ra, khi xây dựng đề án, anh em rất hồ hởi. Khi đó, chúng tôi mời các cơ quan dự kiến hợp nhất về tỉnh họp, ngồi bàn với nhau để tìm ra những đặc tính chung, bổ sung thêm những đặc trưng riêng. Phần hợp nhất cơ quan thanh tra với kiểm tra, tổ chức với nội vụ, như vậy là xong về nguyên lý cơ chế vận hành chung.
Riêng đề án văn phòng thì chỉ ảnh hưởng đến 2 đơn vị là 2 huyện Cô Tô và Tiên Yên, nơi đang thực hiện nhất thể hóa thì khá đơn giản bởi văn phòng với chức năng chình là giúp việc, giúp việc tổng hợp, giúp về quản lý cơ sở vật chất phục vụ cho nên khá gần nhau.
Hiện chúng tôi chỉ vướng ở chỗ, nhân sự vẫn ngồi đấy, không thể đẩy người ta ra đường mà phải chờ 1 trong 2 người đứng đầu cơ quan hợp nhất nghỉ hoặc chờ chỗ nào đó trống để bố trí nhân lực. Cần làm dần dần như thế.
Không để cán bộ thiệt thòi vì việc chung
- Thực hiện đề án hợp nhất đi trước các địa phương cũng như đề án tinh gọn bộ máy của Trung ương, Quảng Ninh có gặp vướng mắc gì về mặt thể chế, pháp luật cũng như các nguyên tắc của Đảng?
- Hiện tại Quảng Ninh không thấy vướng. Khi nào vai nào thì thực hiện theo các hệ thống văn bản quy định ở đấy chứ không phải bỏ tổ chức nào đi. Chỉ là khi ở vai nào thì anh thực hiện cơ chế chính sách của vai đó. Còn khi thực hiện được cả 2 vai thì anh thực hiện cả 2 quy trình mà người ta được làm.
Ví dụ bên Đảng cho quyền xử lý kỷ luật hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật thì nhưng bên chính quyền mới có quyền xử lý, thu hồi vật chất. Vậy nếu làm cả 2 vai thì cơ quan hợp nhất vừa làm cả nhiệm vụ kiến nghị và thu hồi, đề xuất xử lý và kiến nghị xử lý nhưng mà hồ sơ thanh tra, kiểm tra gói lại thì chỉ có 1 bộ thôi.
- Vậy những chủ trương đề ra tại Nghị quyết hội nghị Trung ương 6 có tác động thế nào đến đề án?
- Các chủ trương mà Nghị quyết Trung ương 6 đưa ra tiếp tục khẳng định, thậm chí còn là cơ sở để Quảng Ninh tiếp tục làm việc này, điển hình như việc hợp nhất một số cơ quan Đảng với chính quyền, cơ quan tham mưu giúp việc… nhưng tất nhiên là chỉ thực hiện “ở những nơi có điều kiện”. Quảng Ninh là mình có điều kiện rồi và chỉ bước tiếp thôi.
Tuy nhiên cái gì cũng có đụng chạm đến quyền và lợi ích thì người lãnh đạo phải có trách nhiệm xử lý vấn đề quyền và lợi ích đó để mọi người không vì sự việc chung mà bị thiệt thòi ảnh hưởng, trừ khi người ta không hoàn thành nhiệm vụ.
- Xin cảm ơn bà!
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn