Dự luật Thủy sản (sửa đổi) đã qua vòng xin ý kiến lần đầu tại kỳ họp Quốc hội thứ 3 vừa qua. Kết quả thảo luận được báo cáo, đa số các đại biểu Quốc hội đều thống nhất có kiểm ngư Trung ương.
Riêng việc tổ chức lực lượng kiểm ngư ở cấp tỉnh còn có ý kiến khác nhau, đó là thành lập kiểm ngư tại tất cả 28 tỉnh, thành phố ven biển (phương án Chính phủ trình) hay chỉ thành lập kiểm ngư ở một số tỉnh, thành phố ven biển có tính đặc thù.
Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thuyết phục Thường vụ: “Với diện tích hoạt động lên tới hơn 1 triệu km2 mặt biển, rất cần những chính sách và giải pháp mạnh mẽ để nâng cao năng lực cho kiểm ngư - lực lượng chấp pháp trên biển. Phương án Chính phủ trình sẽ không làm tăng biên chế mà chỉ chuyển đổi cơ cấu nhân lực trong ngành”.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra dự luật lại chọn phương án hai.
Cho rằng những quy định về lực lượng kiểm ngư tới đây cần được tập hợp, nâng lên thành pháp lệnh hoặc luật riêng, song Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ băn khoăn vì hoạt động thực tiễn của lực lượng này chưa được tổng kết, đánh giá.
Cùng quan điểm, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga khẳng định kiểm ngư là lực lượng rất quan trọng nhưng cần đánh giá hoạt động từ khi thành lập đến nay như thế nào. Theo bà Nga, dự thảo luật nói về nội dung thì có vẻ rất chi tiết nhưng lại chưa quy định hệ thống cơ quan kiểm ngư và chức năng nhiệm vụ của từng cấp.
Chủ nhiệm UB Tư pháp lập luận, với trách nhiệm, quyền hạn được quy định rất rộng hoạt động kiểm ngư bao gồm cả điều tra, xử lý vi phạm theo pháp luật hình sự, được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, truy đuổi, bắt giữ, áp dụng các biện pháp cưỡng chế... có liên quan đến Hiến pháp và nhiều luật khác nên về lâu dài phải được điều chỉnh bằng riêng một luật.
Một số ý kiến khác cũng cho rằng trước khi luật hoá quy định về lực lượng kiểm ngư cần có sự tổng kết thực tiễn.
“Biển đông sôi động như thế thì lực lượng kiểm ngư hết sức quan trọng, cần được quy định trong luật, nhưng hoạt động mới có hơn năm trời thì làm sao tổng kết được mặt mũi thế nào. Thực tế lực lượng rất thiếu tiền, tàu kiểm ngư cũng là do bạn giúp, tiền sửa còn chưa có. Tiền không cho thì tổng kết sao” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường than khó.
Không đồng tình với kiến giải của Bộ trưởng, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, năm 2014 lực lượng kiểm ngư đã đi vào hoạt động, tính đến nay là ba năm chứ không phải một năm.Với thời gian này thì theo bà Hải, hoạt động của lực lượng này có thể tiến hành tổng kết được.
“Tiếp xúc anh em kiểm ngư họ còn rất nhiều băn khoăn, cần có tổng kết nghị định quy định về kiểm ngư trong thời gian 4 năm rồi như thế nào, bất cập ra làm sao để luật hoá” - bà Hải đề nghị.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, lực lượng kiểm ngư đặc biệt cần thiết, đồng ý tổ chức ở cấp trung ương và cấp tỉnh, nhưng để làm việc này nhất thiết phải có sơ kết, tổng kết, không tổng kết thì cơ sở đâu để đề xuất, không tổng kết mà đưa vào luật là thiếu trách nhiệm.
Một trong những nội dung quan trọng khác cũng đã được UB Thường vụ Quốc hội quan tâm thảo luận tại phiên họp là quyền sử dụng mặt nước biển của tổ chức, cá nhân được giao, cho thuê mặt nước biển.
Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, hiện nay quyền chuyển nhượng, thừa kế, cho thuê lại, thế chấp, góp vốn giá trị sử dụng mặt nước biển đã được quy định tại Luật Thủy sản 2003 thông qua hình thức quyết định cho thuê.
Tuy nhiên, hình thức này chưa được triển khai trong thực tế, do quyết định cho thuê mặt nước biển không có giá trị pháp lý đảm bảo trong các giao dịch thương mại cũng như thế chấp, kể cả khi tổ chức, cá nhân đã thuê và đóng góp đầy đủ nghĩa vụ tài chính trên diện tích được thuê.
“Dự thảo Luật đã chỉnh sửa theo hướng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển, tạo cơ sở cho tổ chức, cá nhân được thuê mặt nước biển có điều kiện thực hiện các quyền của mình để huy động thêm nguồn lực tài chính đảm bảo cho phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển” – ông Dũng nói.
Nhận định đây là vấn đề lớn, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị các cơ quan soạn thảo, thẩm tra tổ chức đánh giá tổng kết tình hình thực hiện pháp luật về các vấn đề được nêu, báo cáo xin ý kiến đại biểu Quốc hội theo đúng quy trình lập pháp trước khi hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trình ra Quốc hội tại kỳ họp tới.
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn