Các Bộ phổ biến cảnh 3 lãnh đạo “xài chung” 4 – 5 nhân viên

Thứ tư - 09/08/2017 20:45
Đoàn giám sát của Quốc hội điểm tên Bộ Công Thương có tỷ lệ lãnh đạo/công chức là 3/4, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ là 3/5… Nhiều Bộ, ngành cùng chung cảnh số cán bộ quản lý cấp cục, vụ vượt quá quy định.

Ngày 7/8, Đoàn giám sát của Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2016 làm việc với Chính phủ để hoàn thiện các nội dung của dự thảo báo cáo kết quả giám sát. Bản dự thảo chỉ ra nhiều vấn đề tồn tại trong cơ cấu bộ máy tổ chức của Chính phủ.

Các Bộ phổ biến cảnh 3 lãnh đạo “xài chung” 4 – 5 nhân viên
Đoàn giám sát của Quốc hội họp phiên thứ 3, làm việc với Chính phủ để hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát (ảnh: Quochoi.vn)

7-9 cấp lãnh đạo duyệt 1 văn bản chuyên viên xử lý

Theo kết quả giám sát, tổ chức bộ máy bên trong bộ, cơ quan ngang bộ còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, số đầu mối đơn vị hành chính tăng lên.

Cụ thể, cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ vẫn phổ biến theo mô hình truyền thống gồm tổng cục, cục, vụ, văn phòng, thanh tra, đơn vị sự nghiệp công lập. Trong tổng cục cũng có cục, vụ, văn phòng; trong cục, vụ, văn phòng có các chi cục, phòng, ban….

Đoàn giám sát nhận xét, cơ cấu tổ chức này tạo ra rất nhiều tầng nấc bên trong bộ, cơ quan ngang bộ.

Dẫn chứng cụ thể, đoàn giám sát chỉ ra, quy trình để duyệt một nội dung chuyên môn do chuyên viên xử lý để báo cáo lên Bộ trưởng như sau: (1) chuyên viên soạn thảo; (2) phó trưởng phòng cho ý kiến; (3) trưởng phòng cho ý kiến; (4) phó vụ trưởng cho ý kiến; (5) vụ trưởng cho ý kiến; (6) thứ trưởng duyệt văn bản; (7) bộ trưởng xử lý, ký văn bản (ở những đơn vị cấp tổng cục thì trước khi trình thứ trưởng còn phải thêm quy trình xin ý kiến của phó tổng cục trưởng, tổng cục trưởng).

Tương tự như vậy, một chỉ đạo của Bộ trưởng để xuống đến người trực tiếp thực hiện có khi cũng phải trải qua nhiều tầng nấc, làm cho việc xử lý mất nhiều thời gian.

Đoàn giám sát cũng chỉ rõ, số đơn vị trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng trong bộ là rất lớn, gồm 198 đơn vị (bao gồm tổng cục, cục và văn phòng).

Đến tháng 12/2016, tỷ lệ cục, tổng cục so với tổng số vụ và tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ trung bình là 50%, trong đó có 8 bộ có tỷ lệ trên 50%.

Việc có nhiều tổ chức bên trong bộ được đánh giá là có ưu điểm là tăng cường tính chuyên môn hóa đối với từng mảng công việc, lĩnh vực quản lý, tăng tính cẩn trọng trong mỗi quyết định của bộ trưởng do có sự nghiên cứu, tham mưu của bộ máy giúp việc.

Nhưng mặt khác, việc hình thành nhiều đơn vị có tư cách pháp nhân trong bộ có thể dẫn đến tình trạng “bộ trong bộ”, các lĩnh vực công tác bị chia nhỏ, cắt khúc, thiếu tính bao quát chung; tổ chức bộ máy hành chính trở nên cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, đơn vị nào cũng phải duy trì bộ phận văn phòng, hành chính, do đó, số nhân lực cũng như kinh phí chi cho công tác quản trị tăng lên, trong khi nguồn lực của cơ quan lại phân tán, thiếu tập trung, không được sử dụng và phát huy được hiệu quả tối đa...

Báo cáo giám sát nêu một loạt con số, trong 5 năm (2011-2016), số đơn vị hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ tăng 28 đơn vị, còn số lượng các đơn vị hành chính trực thuộc tổng cục tăng 822 đơn vị.

Đáng chú ý, xu hướng nâng cấp vụ lên cục diễn ra nhanh ở nhiều bộ, có đến 29 cục được thành lập trong thời gian này, trong đó có những Bộ tăng nhiều như Bộ Công an tăng 7 cục, Bộ Tư pháp tăng 4 cục, Bộ Thông tin, Truyền thông và Bộ Y tế tăng 3 cục...

Đoàn giám sát cũng cho rằng, Chính phủ chưa thực hiện nghiêm nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về để cấp phòng trong các đơn vị tham mưu thuộc cơ quan trung ương khi chỉ có 2 bộ không duy trì phòng trong vụ. Còn có đến 11 cơ quan duy trì mô hình này, trong đó có những vụ có rất nhiều phòng như ở Bộ Công Thương: Văn phòng Bộ có 13 phòng, Vụ Pháp chế có 6 phòng.

Một Bộ có 12/20 vụ “vượt khung” lãnh đạo

Các Bộ phổ biến cảnh 3 lãnh đạo “xài chung” 4 – 5 nhân viên - Ảnh minh hoạ 2
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà giải trình thêm một số vấn đề khi làm việc với đoàn giám sát của Quốc hội.

Chính vì cơ cấu tổ chức bộ, cơ quan ngang bộ có quá nhiều đầu mối như trên đã làm cho số lượng công chức giữ vị trí lãnh đạo quản lý từ cấp phòng trở lên rất lớn, dẫn đến mất cân đối giữa số lượng người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý với số công chức tham mưu - báo cáo giám sát nêu rõ.

So sánh thời điểm 2011 với tháng 12/2016, tại các tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ số công chức giữ vị trí quản lý từ cấp phòng trở lên (gồm cả hàm) tăng từ 12.216 lên 13.556, tỷ lệ từ 1/6 lên 1/5.

Tương tự ở các vụ, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tăng từ 3.871 lên 4.619, tỷ lệ là 1/2 và 4/7.

Điển hình, tỷ lệ công chức giữ chức danh lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên/công chức ở Bộ Công Thương là 3/4, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ là 3/5. Ở Hà Giang là 3/4, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Kiên Giang là 1/2...

Kết quả giám sát cũng cho thấy hiện tượng các vụ, đơn vị thuộc bộ có số lượng cấp phó vượt quá quy định của Luật Tổ chức Chính phủ rất phổ biến.

Nhiều dẫn chứng được đưa ra, tính đến 31/12/2016, Bộ Giao thông – Vận tải có Cục quản lý xây dựng đường bộ và Cục Quản lý đường bộ cao tốc đều có 4 phó; Bộ Công Thương có Cục Công nghiệp địa phương, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Quản lý thị trường (4 phó); Bộ Tài chính có 12/20 vụ, đơn vị thuộc Bộ có số lượng phó vụ trưởng vượt quá quy định (Vụ Pháp chế có 5, một số vụ, đơn vị khác là 4).

Tác giả: P.Thảo

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây