Các đại biểu chia sẻ bên lề Hội nghị APEC tại Vinh vào chiều 22/9.
Sau 2 ngày làm việc hiệu quả, với những tham luận, chia sẻ thiết thực, Hội nghị các Quan chức cao cấp APEC về Quản lý thiên tai lần thứ 11 tổ chức tại TP Vinh, Nghệ An đã bế mạc vào chiều ngày 22/9.
Hội nghị đã nghe và cùng thảo luận hơn 20 báo cáo từ các nền kinh tế chia sẻ thông tin về phát triển các hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và áp dụng các công nghệ mới để đối phó với thiên tai bình thường mới bao gồm cả các giải pháp cứng và các giải pháp mềm.
Phát biểu bế mạc, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, Chống thiên tai Trần Quang Hoài đánh giá cao tính hữu ích của những thông tin được trao đổi tại Hội nghị các Quan chức cao cấp APEC về Quản lý thiên tai lần thứ 11 được tổ chức tại Nghệ An.
“Các hoạt động kinh tế ngày càng phát triển thì rủi ro do thiên tai gây ra có thể càng lớn. Nhất là ở những nước phát triển thiếu đồng bộ. Vì thế, công tác giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra cần có kế hoạch tổng thể được xây dựng trên cơ sở sử dụng các nguồn thông tin đa chiều. Hoạt động phòng chống thiên tai cần được lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành và từng địa phương…”, ông Trần Quang Hoài nhấn mạnh.
Ông nói thêm: “Khu vực APEC vẫn sẽ phải tiếp tục đối mặt với những thách thức từ thiên tai và biến đổi khí hậu. Chúng ta cần ghi nhận, tiếp tục học hỏi, chia sẻ những sáng kiến từ các nền kinh tế ở các nước phát triển. Tiếp tục truyền tải các thông tin, bài học kinh nghiệm có giá trị, nhận thức rõ cho người dân và chỉ có khoa học công nghệ mới có thể giải quyết các vấn đề lớn mang tính liên vùng, liên khu vực”.
Chia sẻ với Hội nghị, bà Mizuho Okimoto-Kaewtathip - Trưởng Chương trình Chính sách xã hội và Quản trị UNICEF Việt Nam cho biết: "UNICEF đánh giá rất cao Việt Nam về việc đạt được những thành quả tăng trưởng kinh tế vững chắc trong những thập kỷ gần đây. Và thành quả kinh tế đó đã làm giảm nhanh tỉ lệ nghèo, mở rộng cơ sở hạ tầng và dịch vụ, cải thiện tuổi thọ và phúc lợi.
Tuy nhiên, hiện tượng El-Nino gây ra hạn hán vào năm 2016 đã chỉ ra những rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu. Làm trầm trọng thêm tính dễ bị tổn thương và chênh lệch hiện có trong các cộng đồng dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa, các gia đình và trẻ em dễ bị tổn thương.
Nhằm mục tiêu giải quyết những vấn đề cùng quan tâm, Bộ NN&PTNT và UNICEF đã tổ chức Hội nghị Quốc gia về giảm nhẹ rủi ro thiên tai (GNRRTT) lấy trẻ em làm trung tâm đầu tiên ở Ninh Thuận vào tháng 12 năm 2016. Trong Hội nghị này, tầm nhìn và quan điểm chung về giảm nhẹ rủi ro thiên tai là lấy trẻ em làm trung tâm đã được thông qua".
"Tầm nhìn này được chiếu theo khung hành động Sendai về giảm nhẹ rủi ro thiên tai cũng như luật pháp và chính sách quốc gia, nhằm củng cố Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội quốc gia 2016-2020. Kế hoạch hành động Quốc gia về các mục tiêu phát triển bền vững của Chính phủ Việt Nam đến năm 2030", bà Mizuho Okimoto-Kaewtathip cho biết thêm.
Còn ông Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND Nghệ An chia sẻ: "Nghệ An là một trong những tỉnh nằm trong khu vực dễ bị tổn thương do luôn phải đối mặt với các nguy cơ thiên tai. Tình trạng này ngày càng trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu toàn cầu đòi hỏi chính quyền và nhân dân tỉnh nhà luôn phải tìm kiếm các giải pháp để ứng phó khẩn cấp với các rủi ro thiên tai.
Vì lý do đó, chúng tôi nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc hợp tác, liên kết, huy động nguồn lực từ bên ngoài phục vụ các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là công tác phòng, chống, ứng phó với thiên tai và các tình huống khẩn cấp.
Chúng tôi rất vui mừng khi các nhà khoa học, các tổ chức luôn quan tâm nghiên cứu để đưa ra các giải pháp công nghệ tiên tiến để dự báo, cảnh báo, ứng phó khẩn cấp và khôi phục hiệu quả, đưa ra các khuyến nghị giúp cho các nhà lãnh đạo các nền kinh tế vùng Châu Á - Thái Bình Dương thực hiện các cam kết trong việc giải quyết các thảm họa tự nhiên một cách hiệu quả.
Thông qua Hội nghị này, tỉnh Nghệ An cũng mong muốn có thêm cơ hội tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhằm nâng cao năng lực quản trị rủi ro thiên tai".
Cũng tại phiên bế mạc, nền kinh tế chủ nhà Việt Nam đã chuyển giao quyền đăng cai Hội nghị cho nền kinh tế APEC cho nước Papua New Guinea vào năm 2018.
Chủ trì phiên bế mạc có các ông: Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, Chống thiên tai trực thuộc Bộ NN-PTNT; ông Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An; đại diện các nền kinh tế Papua New Guinea và Nhật Bản.
Tác giả: Nguyễn Duy
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn