Sáng ngày 23/10, tại hội trường, đại biểu Quốc hội cho ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Phát biểu đây, các đại biểu tập trung cho ý kiến về việc tăng tuổi nghỉ hưu và cho ý kiến thêm một ngày nghỉ lễ trong năm.
Cân nhắc ngành nghề điều chỉnh tuổi hưu
Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (đoàn Hưng Yên) đồng tình với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi. Theo bà Mai, điều này phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 28 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Theo đó, từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu.
Theo đại biểu, cùng với sự phát triển của đất nước, có thể thấy rằng sức khỏe của người dân ngày càng được chăm lo tốt hơn, tuổi thọ cũng được nâng lên. Đại biểu đoàn Hưng Yên cho rằng, với các lao động trí thức, lao động làm việc trong văn phòng, lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy, tài chính, y tế… có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu, vì họ vẫn còn sức khỏe, kinh nghiệm, độ chín nghề nghiệp để làm việc.
Tuy nhiên đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai cũng đưa ra thực tế công nhân lao động trực tiếp trong những ngành nghề thông dụng như dệt may, da giày, chế biến thủy hải sản hoặc môi trường nặng nhọc, độc hại… thường có sự suy giảm sớm về sức khỏe lao động. Đại biểu cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ không bảo đảm an toàn lao động cho họ; do vậy cần cân nhắc việc kéo dài tuổi nghỉ hưu với các đối tượng này.
“Tôi cho rằng việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình phù hợp với tính chất, loại hình lao động, đặc thù của mỗi ngành nghề”, đại biểu Mai nói và đề nghị quy định lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động kể từ ngày 1/1/2021, căn cứ theo ngành nghề, tính chất công việc, môi trường và điều kiện lao động... ngay trong dự thảo.
Cùng vấn đề trên, đại biểu Hoàng Văn Hùng (đoàn Thái Nguyên) thống nhất cao với phương án 1 như trong dự thảo luật. Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028, và 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035.
Theo đại biểu đoàn Thái Nguyên, với những ngành nghề công việc nặng nhọc, nguy hiểm, nơi có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn cần được đánh giá phân loại danh mục chi tiết. Từ đó, đưa ra quy định giảm tuổi nghỉ hưu đối với người lao động cho phù hợp với thực tiễn sức khỏe của người lao động mà không giảm lương hưu.
Tại hội trường, đại biểu cũng cho ý kiến về quy định người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định.
“Theo tôi không nên quy định “có thể nghỉ hưu” ở tuổi cao hơn như dự thảo luật. Việc quy định “tùy nghi” như vậy sẽ khó thực hiện cho người sử dụng lao động và người lao động”, đại biểu Hùng nêu băn khoăn.
Để đảm bảo hài hòa mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động trong việc lựa chọn trường hợp kéo dài tuổi nghỉ hưu phù hợp với thực tiễn, đại biểu Hùng đề nghị sửa theo hướng người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu không quá 5 năm với điều kiện người lao động có nguyện vọng và được người sử dụng lao động đồng ý.
Đại biểu muốn tăng thêm 3 ngày nghỉ lễ trong năm
Cho ý kiến hoàn thiện dự án luật, đại biểu Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam) tán thành với việc bổ sung thêm một ngày nghỉ lễ trong khoảng thời gian từ ngày 2/5 đến ngày 1/9. “Vì số ngày nghỉ lễ trong năm ở nước ta vẫn còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Tôi cho rằng nếu được Quốc hội đồng thuận thông qua thì đây là một trong những điểm tiến bộ của luật sửa đổi lần này”, đại biểu Hiền nêu quan điểm.
Để đảm bảo ý nghĩa thực sự của ngày nghỉ lễ trong năm và phù hợp với mọi tầng lớp nhân dân, đại biểu Hiền thống nhất lấy ngày 28/6 (Ngày Gia đình Việt Nam) là ngày nghỉ lễ. Đại biểu nêu lý do đề xuất lấy ngày 28/6 là ngày nghỉ lễ trong năm để tôn vinh Ngày Gia đình Việt Nam, từ đó hướng đến các giá trị tốt đẹp của xã hội. Đây cũng là việc làm thiết thực khi ngày càng nhiều yếu tố tiêu cực tác động đến sự gắn bó bền vững của gia đình.
Theo đại biểu đoàn Hà Nam, ngày 28/6 cũng là khoảng thời gian giữa giai đoạn kéo dài gần 4 tháng không có ngày nghỉ lễ giữa mùa hè. “Phương án này không chỉ là lựa chọn tốt nhất về thời điểm mà còn thuận lợi để người lao động kết hợp để đi nghỉ trong năm. Ngoài ra, với phương án này chúng ta cũng có thể tính thêm với những năm có ngày nghỉ Tết Nguyên đán trùng với ngày cuối tuần thì hoán đổi nghỉ bù vào thời điểm ngày 28/6. Như vậy có thể tạo ra kỳ nghỉ mùa hè cho người lao động”, bà Hiền nêu quan điểm.
Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) cho biết, tại kỳ họp thứ 7, các đại biểu cũng thống nhất đề nghị Chính phủ tăng thêm 3 ngày nghỉ trong năm. Theo bà Thủy điều này phù hợp với điều kiện quốc tế vì thực tế trong năm Việt Nam vẫn còn có ít ngày nghỉ so với các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, qua dự thảo luật lần này, đại biểu Thủy còn cảm thấy đáng tiếc bởi với phương án 2 Chính phủ trình chỉ thêm 1 ngày nghỉ trong năm. Theo đại biểu Hậu Giang, nếu được thì nên tăng thêm 3 ngày nghỉ vào Ngày Gia đình Việt Nam, Ngày Toàn dân đưa trẻ đến trường và thêm ngày nghỉ cho Tết Dương lịch.
Nếu như không tăng thêm 3 ngày nghỉ, bà Nguyễn Thanh Thủy đề xuất thêm 2 ngày nghỉ là ngày Toàn Dân đưa trẻ đến trường và ngày nghỉ Tết Dương lịch. “Hiện Tết Dương lịch chúng ta mới chỉ nghỉ 1 ngày. Nếu chúng ta tăng thêm một ngày nữa thì tạo điều kiện cho nhân dân sum họp gia đình sau một năm lao động vất vả”, bà Thủy đề xuất.
Quang Phong
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn