Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, trên địa bàn xã Duy Phú (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) xuất hiện tình trạng tiêu chết hàng loạt. Ban đầu lá cây tiêu vàng úa rụng từ trên xuống, sau đó khô héo.
Bà Nguyễn Thị Mười (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) cho biết tiêu được trồng ở địa phương từ năm 2002, riêng gia đình bà đã vay tiền trồng được khoảng 600 trụ tiêu trên diện tích 1.500 m2.
"Đến nay vườn tiêu còn được mấy chục trụ sống sót, nhưng chắc không qua khỏi", bà Mười nói.
Vườn tiêu của bà Nguyễn Thị Mười chết gần hết. Ảnh: Sơn Thủy. |
Người nông dân này cho biết thêm, một trụ tiêu từ ngày trồng đến lúc cho trái mất khoảng 3 năm, đầu tư hết gần 5 triệu đồng.
"Số tiêu này mỗi năm cho thu hoạch hơn 100 triệu đồng, nhưng giờ mất trắng, trong khi nợ chưa trả hết", bà Mười ngậm ngùi.
Những gốc tiêu của ông Phạm Ngọc A bị chết khô. Ảnh: Sơn Thủy. |
Về nguyên nhân tiêu chết, bà Mười cho hay, cách đây 3 năm người dân trong vùng ồ ạt đưa giống tiêu từ Tây Nguyên, Vĩnh Linh (Quảng Trị) về trồng, có thể đây là giống chứa mầm bệnh, sau đó lây lan sang cây tiêu bản địa.
"Lâu nay người dân trồng giống Tiên Phước không có vấn đề gì, bây giờ tiêu chết là do lây mầm bệnh từ bên ngoài", bà Mười nhận định.
Ông Phạm Ngọc A (xã Duy Phú) cũng trồng hơn 600 gốc tiêu, nay 550 cây bị chết. "Khi tiêu có hiện tượng chết, tôi dùng nhiều loại thuốc để chữa trị nhưng bất thành, giờ chờ nắng lên gom lại đốt sạch", ông A nói.
Theo UBND xã Duy Phú, trên địa bà xã có 65 hộ dân trồng tiêu, với số lượng 15.000 gốc, đến nay có gần 4.000 trụ tiêu bị chết.
Gần 4000 trụ tiêu ở xã Duy Phú bị bệnh chết nhanh. Ảnh: Sơn Thủy. |
Ông Văn Bá Năm, Trưởng phòng nông nghiệp phát triển nông thôn huyện Duy Xuyên, cho biết số tiêu chết ở xã Duy Phú do bệnh "chết nhanh" gây ra. “Chúng ta đã tiến hành kiểm tra và tập huấn cho bà con phòng bệnh. Số tiêu bị chết gom lại đốt, sau đó vệ sinh vườn để tiếp tục tái sản xuất”, ông nói.
Sơn Thủy
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn