Gian lận điểm thi là hậu quả của nền giáo dục quản lý lỏng lẻo

Thứ năm - 31/10/2019 02:48
(Dân trí) - Đại biểu Thu đánh giá, gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT 2018, ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang là hậu quả của một nền giáo dục quản lý lỏng lẻo, cải tiến giáo dục không đi đôi với đổi mới cơ chế quản lý giáo dục. >> >>

Giáo viên đánh học sinh nhiều đến mức phụ huynh phải lén đặt camera

Thảo luận tại hội trường về vấn đề kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu (đoàn Khánh Hòa) cho biết, cử tri rất băn khoăn chất lượng giáo dục và vấn đề bạo hành trẻ em, đặc biệt là việc bỏ quên trẻ trong xe đưa đón dẫn đến chết người.

Ngoài ra, việc quản lý các cơ sở giáo dục được gọi là chất lượng cao cho thấy có nhiều lỗ hổng về quản lý khiến cho cha mẹ học sinh hết sức bất an.

“Việc cô giáo chấm bài xong vứt xuống đất để các em học sinh tiểu học tự nhặt về; việc giáo viên đánh học sinh thường xuyên đến mức cha mẹ phải lén đặt camera giám sát… cho thấy sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận giáo viên”, đại biểu đoàn Khánh Hòa bức xúc.

Theo đại biểu, vấn nạn dạy thêm, học thêm, mua điểm, gian lận thi cử đang rất nhức nhối.

Đại biểu Thu đánh giá, gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT 2018, ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang là hậu quả của một nền giáo dục quản lý lỏng lẻo, cải tiến giáo dục không đi đôi với đổi mới cơ chế quản lý giáo dục.

Bà Thu cho rằng, dù vừa qua các tỉnh thành đầu tư cơ sở vật chất cho ngành giáo dục rất lớn, nhưng học sinh vẫn không tiếp thu được nhiều kiến thức, vẫn học giả nhưng bằng tốt nghiệp thì xuất sắc.

“Nhiều sinh viên trong số này ra trường vẫn tìm được chỗ làm tốt, nhờ cơ chế mua bán, xin cho. Điều đó tác động rất lớn đến tâm lý học sinh, sinh viên và gia đình”, bà Thu nói.

Bảo vệ tốt hơn nhóm trẻ em từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi

Gian lận điểm thi là hậu quả của nền giáo dục quản lý lỏng lẻo
Đại biểu Ngô Thị Minh, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận.

Phát biểu trong phiên thảo luận sáng nay, 31/10, đại biểu Ngô Thị Minh (đoàn Quảng Ninh) đề nghị Chính phủ, các Bộ ngành sớm có giải pháp khắc phục khoảng trống những hạn chế trong việc bảo vệ quyền trẻ em, bảo đảm nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em.

Đại biểu đề nghị Quốc hội điều chỉnh tuổi trẻ em trong Luật trẻ em cho phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã phê chuẩn nhằm bảo vệ tốt hơn nhóm trẻ em từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi bảo đảm tương thích với chính sách của các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vì hầu hết các nước đều coi nhóm người này vừa là trẻ em vừa là thanh niên. Theo đại biểu, vấn đề trên đã được Chính phủ đã trình khi xem xét về Luật trẻ em năm 2016.

Đại biểu biểu đoàn Quảng Ninh cũng đề nghị các cơ quan tư pháp sớm ban hành hướng dẫn về công tác điều tra, giám định pháp y về việc nhận diện những vấn đề mới về trẻ em. Đồng thời cần sớm hoàn thiện dự án luật về tư pháp cho người chưa thành niên để bảo vệ tốt nhất trẻ em là nạn nhân, nhân chứng, quy định cụ thể về các vấn đề điều tra, truy tố, xét xử thân thiện.

Quang Phong

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây