Tiếp tục phiên thảo luận về dự thảo luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi tại Quốc hội ngày 21/11, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) dẫn số liệu cho thấy hệ thống cơ quan phòng, chống tham nhũng hiện nay cồng kềnh và chưa hiệu quả.
Ngành thanh tra có đến 58 tổ chức, đơn vị chuyên trách về phòng, chống tham nhũng. Ngành công an có 27 tổ chức thuộc cấp tỉnh, 140 tổ chức thuộc cấp huyện… Cộng cả 63 Văn phòng Ban chỉ dạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh, tổng cộng cả nước có tới 478 đầu mối các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng, nhưng công tác phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng vẫn còn hạn chế, yếu kém. Hiệu quả phát hiện vụ việc tham nhũng qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn chưa cao.
Các cơ quan chức năng vào cuộc chưa quyết liệt, thẩm quyền của các cơ quan này còn hạn chế, không đủ để làm rõ hành vi tham nhũng. Trong trường hợp đã phát hiện dấu hiệu tiêu cực tham nhũng, các vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý chủ yếu ở cấp cơ sở, nhiều vụ việc, vụ án có quy mô lớn, chậm được phát hiện, khi phát hiện thì chậm được làm rõ kết luận và xử lý.
Trong 10 năm qua, số thiệt hại vật chất do tham nhũng thống kê được là gần 60.000 tỷ đồng nhưng số tiền thu hồi cho nhà nước chỉ 4.600 tỷ, chưa bằng 8% thiệt hại. Tài sản tham nhũng trong một số vụ án bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các cơ quan chức năng chưa quyết liệt triệt để trong việc kê biên tài sản do phạm tội tham nhũng.
Ông Hà đề nghị bổ sung thêm vào luật các quy định xác định rõ cơ quan chịu trách nhiệm chính trong hệ thống cơ quan phòng, chống tham nhũng và giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra, nhất là trong việc kiểm soát biến động về tài sản thu nhập, việc xử lý người kê khai không trung thực hoặc không giải trình được một cách hợp lý về biến động tài sản thu nhập.
Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) muốn xây dựng luật gắn được trách nhiệm giữa thanh tra nhà nước, kiểm toán nhà nước trong phòng, chống tham nhũng.
Đại biểu dẫn báo cáo của Chính phủ đánh giá, tình hình tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi và cũng chỉ ra các quy định về cơ chế phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động của kiểm toán nhà nước, thanh tra nhà nước chưa phù hợp và chưa phát huy được vai trò của mỗi cơ quan. UB Tư pháp của Quốc hội cũng nhấn mạnh việc tự phát hiện tham nhũng vẫn là khâu rất yếu, số vụ tham nhũng phát hiện qua thanh tra kiểm toán, điều tra còn ít, chưa tương xứng với tình hình tham nhũng.
Vì vậy, theo ông Hàm, bổ sung các quy định vào luật để đảm bảo hiệu quả hoạt động của thanh tra, kiểm toán trong phòng, chống tham nhũng hết sức cần thiết. Ông cũng nhất trí với việc các cơ quan thanh, kiểm tra phải chịu trách nhiệm khi đã thanh tra kiểm toán nhưng vẫn bỏ lọt hành vi tham nhũng.
“Việc thanh tra kiểm toán nhiều, diễn ra thường xuyên nhưng vẫn bỏ lọt tham nhũng và không phải chịu trách nhiệm gì khi thanh tra kiểm toán, nhưng sau đó cơ quan có thẩm quyền phát hiện ra tham nhũng” – tuy vậy, đại biểu cho rằng dù “không tạo ra vùng cấm trách nhiệm” nhưng quy định áp trách nhiệm khi bỏ lọt tham nhũng cũng phải cụ thể từng trường hợp cho phù hợp. Đó là, cơ quan thanh tra, kiểm toán sẽ phải chịu trách nhiệm trong trường hợp không tuân thủ quy trình chuẩn mực, thủ tục thanh tra kiểm toán dẫn đến bỏ lọt hành vi tham nhũng.
Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) lập luận, thời gian qua, có rất nhiều vụ việc thanh tra, kiểm toán vô tham gia kiểm toán rồi không phát hiện sai phạm, tham nhũng nhưng sau đó chính báo chí, dư luận lại nêu ra được những vấn đề bất thường. Có trường hợp, kết luận thanh tra, kiểm toán thậm chí còn làm “nhẹ nhàng” hơn cho đối tượng thanh tra để không bị rơi vào diện vi phạm pháp luật.
Ông Hoà tán thành quy định xử lý trách nhiệm của những người kiểm toán, thanh tra, sau khi thanh tra, kiểm toán những đơn vị không phát hiện tham nhũng mà sau đó các lực lượng khác lại phát hiện.
Tiền nhà nước lọt ra qua đường “chạy” dự án
Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng phải xác định xem đường đi của tài sản nhà nước bị tham nhũng đi ra đường nào. Ông Phương phân tích, trong phạm vi chi tiêu hành chính của một cơ quan, ngoài chi lương và các chế độ theo lương, còn một số khoản chi cho chế độ hội nghị, điện thoại, xăng xe… cũng không có tham nhũng gì được, có chăng chỉ vài bữa ăn thịnh soạn hơn thường lệ.
“Tiền nhà nước đang lọt ra chủ yếu thông qua các dự án đầu tư, vấn đề tính thuế, vấn đề giao rừng, khai thác tài nguyên khoáng sản, cấp quyền. Tiền lọt ra ở đây bằng cách, các doanh nghiệp khi “chạy” dự án mất đủ mọi loại chi phí ở nhiều vị trí. Sau khi mất rồi, họ phải thu lại, thậm chí có những thứ chi phí phải tính bằng tỷ lệ mà không đúng tỷ lệ là không xong. Cấn quan tâm phòng, chống là ở những chỗ này” – ông Phương nói.
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn