Đại biểu Quốc hội quản lý tài liệu bí mật như thế nào?
Đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) khẳng định, bí mật nhà nước là một tài sản của quốc gia, nhằm để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo vệ bí mật nhà nước.
Chính vì thế ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo luật quy định cụ thể về trách nhiệm, điều kiện đối với những người được giao nhiệm vụ trực tiếp biên soạn dự thảo bí mật nhà nước, những người được tiếp cận bí mật nhà nước trong thời gian còn làm nhiệm vụ, khi thôi nhiệm vụ và khi đã nghỉ hưu; biện pháp xử lý đối với những hành vi vi phạm làm lộ, lọt bí mật nhà nước.
“Theo tôi, đối với thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước độ tuyệt mật trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh 30 năm là hơi ngắn, vì trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh những tài liệu, vật liệu mang độ tuyệt mật là những tài liệu, vật liệu có nội dung đặc biệt quan trọng, chỉ phổ biến cho những người có trách nhiệm, nếu bị lộ, lọt sẽ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đến chủ quyền an ninh quốc gia, lợi ích dân tộc. Vì vậy, tôi đề nghị cần nghiên cứu tăng thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước đối với lĩnh vực quốc phòng, an ninh”- ông Quân nêu quan điểm.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) dẫn ra báo cáo của Bộ Công an về tổng kết 15 năm thực hiện Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước, trong đó đánh giá tình hình lộ, lọt bí mật nhà nước trong những năm qua còn diễn biến nghiêm trọng, gia tăng cả về số vụ, số người, tính chất và mức độ vi phạm. Hình thức lộ, lọt qua nhiều hình thức như phương tiện thông tin đại chúng, qua báo chí xuất bản và qua hợp tác quốc tế... Qua đó, bà Phúc đề nghị bổ sung một khoản về hành vi cấm là lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người khác để thực hiện hành vi vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) đề nghị bổ sung các quy định cụ thể về bảo vệ bí mật nhà nước khi tổ chức, cá nhân sử dụng, quản lý hoặc được cung cấp hoặc được tiếp cận với các bí mật nhà nước.
“Ví dụ, đại biểu Quốc hội được cấp tài liệu chứa đựng bí mật nhà nước thì quản lý như thế nào, sử dụng thế nào, có phải theo các quy định trong luật là phải có kho, có khóa, phải chuyển, quy trình xử lý, giải mật của tài liệu được thực hiện ra sao?.
Hiện nay rất nhiều đại biểu Quốc hội được cung cấp các tài liệu, thậm chí tài liệu tuyệt mật, tối mật, tuy nhiên không có quy định nào về việc quản lý, sử dụng, bảo quản, thu hồi và khai thác như thế nào cũng chưa có quy định”- ông Sinh nêu thực tế.
Không có thông tin mật vẫn đóng dấu mật
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga (đại biểu tỉnh Thái Nguyên) phân tích, giữa bảo vệ bí mật và công khai, minh bạch, giữa quyền tiếp cận thông tin với nhu cầu phải đảm bảo bí mật, trong một chừng mực nào đó có ranh giới rất khó và phải làm một cách rõ ràng.
Theo bà Nga, bí mật nhà nước bị lộ, văn bản mật của những cơ quan quan trọng được chụp đưa lên mạng internet gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của nhà nước, quốc gia. Ngược lại, cũng có tình trạng lạm dụng mật, đóng dấu mật vào những văn bản không mật.
Danh mục mật thì chậm rà soát, sửa đổi và có những danh mục mật từ năm 2004 đến nay chúng ta vẫn dùng. Trong khi hệ thống luật công khai, minh bạch, sửa đổi rất nhiều, có cơ quan đóng mật vào cả danh sách vụ trưởng hiện hành.
“Vụ trưởng hiện hành thì có gì mật, có những Bộ đóng dấu mật cả vào chất vấn của đại biểu Quốc hội, mà không có thông tin mật nhưng vẫn đóng mật vào làm cho đại biểu Quốc hội không thể trả lời cử tri về thông tin mà mình chất vấn được”- bà Nga nêu thực tế.
Việc chậm công khai, công khai hình thức và lạm dụng bảo mật để không công khai ở nhiều cơ quan bộ, ngành vừa ảnh hưởng đến nhà nước, tổ chức, công dân, vừa ảnh hưởng đến phòng, chống tham nhũng rất lớn; đẩy người dân, một số hoạt động nghề nghiệp vào tình trạng dễ bị quy chụp.
“Chúng tôi cũng theo dõi các vụ án thấy một số cá nhân cũng rơi vào vòng lao lý trong những trường hợp các văn bản quy định không rõ ràng. Ví dụ, một số phóng viên báo chí và thậm chí cán bộ nhà nước cũng có thể bị. Trong một số trường hợp thực tế cũng đã có, vì bị quy là làm lộ tài liệu mật khi quy định về mật không rõ ràng”- bà Nga nói và đề nghị phải quy định thật rõ ràng.
Về việc bảo vệ làm sao cho đại biểu Quốc hội có điều kiện thuận lợi khi thảo luận các báo cáo, tiếp xúc cử tri và khi trả lời phỏng vấn báo chí, bà Nga khẳng định danh mục mật ở các ngành tư pháp rất chậm sửa đổi từ năm 2004 đến nay khiến đại biểu rất lúng túng.
Từ đó, vị đại biểu tỉnh Thái Nguyên đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra dự án luật rà soát lại để đảm bảo tính thống nhất của các quy định của luật này với các quy định có liên quan về công khai minh bạch, về quyền tiếp cận thông tin, về phòng, chống tham nhũng và các công khai trong hoạt động tố tụng.
“Rà soát lại và tạo điều kiện cho đại biểu Quốc hội và người dân có thể hoạt động đúng quy định của pháp luật”- bà Nga nói.
Có những bí mật cần phải giữ vĩnh viễn
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) phân tích, có những bí mật nước nhà cần phải giữ vĩnh viễn. “Ví dụ, Sở chỉ huy Bộ Quốc phòng chỉ có rất ít người được biết vì nó là công trình tuyệt mật, thì làm sao chúng ta bảo 30 năm, nếu Bộ Quốc phòng vẫn tồn tại ở đường Nguyễn Tri Phương thì không thể có chuyện 30 năm, sau đó thì giải mật. Tôi đề nghị thời hạn chúng ta cũng phải tính đến, là có sự kiện đương nhiên giải mật và có những bí mật là bí mật vĩnh viễn”- ông Bộ đề xuất.
Ông Bộ cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu để đồng bộ với quy định của Bộ luật Hình sự. Trong Bộ luật Hình sự hiện nay có hai nhóm tội liên quan đến đối tượng bí mật. Một là bí mật nhà nước, hai là bí mật công tác và trong bí mật công tác có phân loại bí mật công tác đối với các cơ quan dân sự và một nhóm bí mật công tác ở chương các tội xâm phạm nghĩa vụ trách nhiệm quân nhân. Trong hai đối tượng này cũng chỉ có hai tội: Cố ý làm lộ bí mật nhà nước hoặc tội cố ý làm lộ bí mật công tác.
Tác giả: Thế Kha
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn