Nghệ An có đường biên giới chung với 3 tỉnh của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, gồm Xiêng Khoảng, Hủa Phăn và Bô Ly Khăm Xay. Nhiều năm nay, việc thông thương đi lại giữa 3 tỉnh của nước bạn và nhân dân tỉnh Nghệ An được thực hiện nhằm tạo điều kiện cho nhân dân 2 nước qua lại giao lưu, buôn bán… Tuy nhiên, lợi dụng địa bàn biên giới rộng, hiểm trở, đi lại khó khăn, nhiều người Việt Nam sau khi làm thủ tục xuất cảnh sang Lào ở lại sinh sống, xây dựng gia đình, gây không ít khó khăn cho công tác quản lý, đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới.
Theo thống kê, hiện nay có tổng cộng 198 người Lào di cư và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới tỉnh Nghệ An. Số liệu người Việt Nam di cư tự do và kết hôn không giá thú với người bản địa tại các tỉnh Xiêng Khoảng, Hủa Phăn và Bô Ly Khăm Xay hiện vẫn chưa có thống kê chính xác do chưa có điều tra song phương giữa hai tỉnh hai bên biên giới. Tuy nhiên, ước tính cũng lên tới hơn 4.000 người.
Chỉ tính trong thời gian từ năm 2016 đến đầu năm 2017 có 38 hộ dân với 234 nhân khẩu thuộc các huyện miền núi như Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Thanh Chương, Quế Phong di cư sang Lào. Trong đó tập trung chủ yếu vẫn là 3 huyện biên giới Kỳ Sơn, Tương Dương và Quế Phong.
Việc phối hợp giải quyết tình trạng người dân di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam – Lào giữa 4 tỉnh đã được triển khai từ năm 2013. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn khiến tiến độ chưa đạt như kế hoạch đề ra.
“Theo quy chế hợp tác thỏa thuận giữa 2 nước, 2 tỉnh hai bên biên giới thì những người dân di cư và sinh sống ở Lào từ trước thời điểm năm 1985 sẽ được phép ở lại đây sinh sống nếu không vi phạm pháp luật của hai nước. Di cư sang Lào trong khoảng thời gian từ năm 1986 đến ngày 8/7/2013 (ngày hai nước ký kết hợp tác phối hợp giải quyết tình trạng di cư tự do và sinh sống bất hợp pháp ở khu vực biên giới Việt Nam – Lào) thì phải xem xét từng trường hợp cụ thể.
Nếu công dân đang cư trú ổn định, chấp hành tốt pháp luật, quy định của chính quyền sở tại, có nguyện vọng ở lại thì hai tỉnh, hai nhà nước có thể xem xét, tạo điều kiện cho người dân, không làm xáo trộn cuộc sống của họ. Những người di cư từ ngày 9/7/2013 trở lại đây thì bắt buộc phải trả về nước gốc. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện này là 2 tỉnh, hai nhà nước chưa thống kê đầy đủ và phân loại được người dân di cư theo mốc thời gian nào để tổ chức hồi cư”, Đại úy Trần Quốc Chung – trợ lý quản lí biên giới, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng Nghệ An cho biết.
Việc xác minh thông tin gặp khó khăn do người dân sau khi di cư, kết hôn với người bản địa thì thay đổi họ tên; di cư sang tỉnh thứ 3 hoặc vào sâu hơn trong khu vực nội địa của mỗi nước, trong khi đó, thỏa thuận hồi cư chỉ được ký kết giữa 4 tỉnh có chung đường biên giới của hai nước. Mặt khác, địa hình hiểm trở, người dân sinh sống phân tán tại các khu vực hẻo lánh… cũng gây không ít khó khăn cho việc điều tra.
Theo quy chế hợp tác giữa hai nước, việc hồi cư người dân hai nước sinh sống bất hợp pháp ở nước bạn sẽ hoàn thành vào ngày 14/11/2016. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc điều tra số liệu, phân loại đối tượng chưa thực hiện xong. Giữa 2 nước chưa thực hiện được lần trao trả công dân nào.
Một khó khăn nữa được nhắc tới là lực lượng tham gia phân tán, không tập trung, không làm việc xuyên suốt và bị ngắt quãng theo từng đợt; một số thành viên trong tổ chuyên viên của bạn và ta chưa hiểu rõ tinh thần, nội dung, cơ chế phối hợp, trình tự điều tra…
“Quan trọng nhất là điều kiện về kinh phí. Bạn yêu cầu hỗ trợ kinh phí hồi cư cho 1 người Việt Nam là 100 USD, trong khi đó ngân sách của Chính phủ Việt Nam chưa thể đáp ứng được. Hiện tại Chính phủ vẫn chưa cấp kinh phí triển khai chương trình này cho tỉnh Nghệ An. Nghệ An đang dùng nguồn kinh phí dự phòng và các nguồn hợp pháp khác để triển khai”, Đại úy Trần Quốc Chung thông tin.
Vào trung tuần tháng 4 vừa qua, tổ chuyên viên liên hợp tỉnh Nghệ An và tổ chuyên viên liên hợp tỉnh Xiêng Khoảng, Hủa Phăn và Bô Ly Khăm Xay phối hợp tổ chức Hội nghị về việc giải quyết người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam và Lào.
Tại hội nghị này, các bên đã thống nhất phương hướng triển khai chương trình trong thời gian tới nhằm hoàn chỉnh công tác công tác điều tra, xác minh, phân loại và lập danh sách người di cư tự do và kết hôn không giá thú tại mỗi nước vào tháng 5/2018 để đến tháng 11/2019, chương trình sẽ được hoàn thành. Tuy nhiên, theo đánh giá của Đại úy Chung thì thời hạn này cũng khó có thể đáp ứng được nếu các vướng mắc trên không được tháo gỡ.
Tác giả: Hoàng Lam
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn