Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân, cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ thăm chính thức Nhật Bản và tham dự Hội nghị Tương lai Châu Á lần thứ 23, tại Tokyo, Nhật Bản từ ngày 4/6 - 8/6/2017.
Việt Nam - Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21/09/1973. Trong những năm gần đây, quan hệ Việt Nam và Nhật Bản phát triển nhanh chóng. Nhật Bản là nước đầu tiên trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đón Tổng Bí thư Việt Nam đi thăm (năm 1995), nước G7 đầu tiên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam (năm 2009), nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (năm 2011), nước G7 đầu tiên mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng (5/2016).
Một số mốc quan trọng trong quan hệ hai nước
Từ năm 2002 đến nay, quan hệ hai nước không ngừng được củng cố và phát triển. Năm 2002, nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Koizumi 4/2002, hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài.
Năm 2004 hai bên xác định vươn tới tầm cao mới của quan hệ đối tác bền vững. Năm 2006, nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe 11/2006, Thủ tướng hai nước ra Tuyên bố chung về Hướng tới đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á.
Đến năm 2007, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tháng 11/2007, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Thủ tướng Yasuo Fukuda đã ký Tuyên bố chung về việc Làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam và Nhật Bản và Chương trình hợp tác hướng tới quan hệ đối tác chiến lược.
Tháng 4/2009, nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Thủ tướng Aso Taro đã ký Tuyên bố chung về Quan hệ đối tác chiến lược vì hoà bình và phồn vinh ở Châu Á, nhất trí đưa quan hệ hai nước lên tầm đối tác chiến lược.
Năm 2010, nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan (tháng 10/2010), Thủ tướng hai nước ký Tuyên bố chung Việt Nam-Nhật Bản về phát triển toàn diện quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á.
Trong chuyến thăm Nhật Bản tháng 10/2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nhật Bản Noda đã ký Tuyên bố chung triển khai hành động trong khuôn khổ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Tháng 3/ 2014, trong chuyến thăm cấp nhà nước Nhật Bản, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã ký Tuyên bố chung Việt Nam-Nhật Bản về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á.
Năm 2015, trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản tháng 9/2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã ra Tuyên bố về tầm nhìn chung quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.
Về quan hệ chính trị, quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, có sự tin cậy cao. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.
Một số cơ chế đối thoại giữa hai nước, Ủy ban Hợp tác Việt-Nhật do hai Bộ trưởng Ngoại giao làm đồng Chủ tịch (từ năm 2007); Đối thoại Đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản về ngoại giao-an ninh-quốc phòng cấp Thứ trưởng ngoại giao (từ năm 2010); Đối thoại chính sách quốc phòng Việt-Nhật cấp Thứ trưởng (từ tháng 11/2012); Đối thoại An ninh cấp Thứ trưởng (từ tháng 11/2013).
Hai nước hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương. Việt Nam ủng hộ Nhật Bản vào Ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (2016-2017) và sẽ ủng hộ Nhật Bản làm Ủy viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc khi cơ quan này được mở rộng.
Về vấn đề Biển Đông, Nhật Bản khẳng định cần đảm bảo an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông; ủng hộ quan điểm các tranh chấp tại Biển Đông cần được giải quyết một cách hòa bình, không sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) phản đối các hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông.
Trong hợp tác kinh tế, Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (tháng 10/2011). Đến nay, Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, nhà đầu tư số 2 tại Việt Nam, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam (năm 2016).
Hai bên đã ký Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (tháng 12/2004), Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA) (tháng 10/2009)... tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho phát triển quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước.
Hiện tại, Nhật Bản đang tích cực hỗ trợ ta phát triển công nghiệp với 6 ngành được lựa chọn (ô tô và phụ tùng ô tô, máy nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông thủy sản, điện tử, công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng, đóng tàu) trong Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đến năm 2020 tầm nhìn 2030.
Về viện trợ phát triển chính thức ODA, Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng cam kết ODA của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam. Từ năm 1992 đến hết tài khóa 2015 (31/3/2016), Nhật Bản đã cam kết khoảng 29,5 tỷ USD ODA vốn vay cho Việt Nam.
Trong chuyến thăm của Thủ tướng Abe (tháng 1/2017), hai bên đã ký 2 công hàm trao đổi và 2 hiệp định vay cho một số dự án ODA vốn vay và không hoàn lại, Nhật Bản cam kết cung cấp thêm cho Việt Nam khoảng 120 tỷ Yên (gần 1,05 tỷ USD) ODA vốn vay năm tài khóa 2016 cho 4 dự án.
Tác giả: Châu Như Quỳnh
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn