Sau phần phát biểu báo cáo của Bộ trưởng GD-ĐT trước Quốc hội đầu buổi sáng 31/5, sau giờ nghỉ giải lao, đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) chia sẻ với phát biểu của Bộ trưởng Nhạ. Tuy nhiên, nhắc lại nhận định của Bộ trưởng về việc thi “2 chung” đã đạt được một số kết quả, ông Giang cho rằng, thực tế việc đó chưa thể hiện được hoàn toàn như nội dung phát ngôn của người đứng đầu Bộ GD-ĐT.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng xem xét, đánh giá lại việc thi 2 chung, nêu ý kiến cần giao quyền tuyển sinh cho các trường đại học, cao đẳng để họ tự lựa chọn sinh viên phù hợp.
Vấn đề khác theo đại biểu Giang là vấn đề cốt tử của ngành giáo dục nhưng chưa được Bộ trưởng Nhạ đề cập là bệnh thành tích. Ông Giang nhận định, căn bệnh thành tích là trầm kha và liên quan đến bệnh thành tích trong các lĩnh vực khác của xã hội chứ không chỉ của ngành giáo dục nhưng Bộ trưởng chưa nêu rõ.
Đại biểu Giang đề nghị Bộ trưởng Nhạ thẳng thắn trả lời câu hỏi: “Theo Bộ trưởng, bệnh thành tích của ngành có trầm trọng hơn không?”.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế Thái Bình tán thành với những phân tích của đại biểu Trường Giang. Bà Dung nghi ngờ, Bộ trưởng Giáo dục nói kỳ thi THPT còn nhiều bất cập và cần khắc phục dần nhưng thực tế từ khi tổ chức thi chung thì bất cập liên bộc lộ và ngày càng trầm trọng hơn, đến kỳ thi năm 2018 thì “bung bét”.
Đại biểu lập luận, kỳ thi ghép 2 mục đích khác nhau vào một nên bất ổn. Về mục tiêu xét tốt nghiệp trung học cho học sinh, theo đại biểu cũng khó đo đếm chính xác vì chỉ thi một số môn, tránh được điểm liệt là đủ đỗ rõ ràng không đủ để đánh giá cả quá trình 3 năm học PTTH của học sinh với rất nhiều môn khác nhau. Trong khi suốt quá trình mấy năm học đó, học sinh đều phải thi kết thúc các kỳ, năm học mà mỗi môn phải 5 điểm trở lên mới đạt.
Còn về mục đích tuyển sinh đại học, cao đẳng thì đại biểu cho rằng, việc tổ chức thi chung đi ngược với tinh thần tự chủ đại học đang được xây dựng, định hướng.
Đổi mới giáo dục, Bộ trưởng “xin” thêm thời gian để thấy kết quả
Trước đó, báo cáo trước Quốc hội về các vấn đề liên quan đến ngành giáo dục mà các đại biểu Quốc hội nêu ra trong hơn một ngày thảo luận tại hội trường, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói về vụ gian lận thi THPT quốc gia, về bạo lực học đường và đạo đức nhà giáo nhưng không đề cập tới “bệnh thành tích”.
Cụ thể, Bộ trưởng Nhạ thừa nhận thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc bạo lực học đường, vi phạm đạo đức nhà giáo với tính chất và mức độ phức tạp, nghiêm trọng, gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội. Cá nhân tôi cũng rất bức xúc, lo lắng và thấy rõ trách nhiệm của mình.
Ngay khi xảy ra một số vụ việc này, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ GDĐT phối hợp với các địa phương khẩn trương kiểm tra, xử lý, trong đó yêu cầu xử lý nghiêm Ban giám hiệu, Giáo viên để xảy ra bạo lực học đường, vi phạm đạo đức nhà giáo.
Bộ GD-ĐT đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng ban hành các Nghị định, Đề án về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường và xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học. Bộ cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện Nghị định, Đề án này trong toàn ngành và nhiều văn bản, hướng dẫn triển khai thực hiện các nhiệm vụ phòng chống bạo lực học đường.
Tới đây, Bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, cộng đồng về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện phòng, chống bạo lực học đường.
“Chúng tôi nhận trách nhiệm chính trong việc để xảy ra bạo lực học đường. Tuy nhiên, để khắc phục tối đa tình trạng bạo lực học đường, rất cần sự quan tâm của gia đình, chăm lo của toàn xã hội, các cấp các ngành, đoàn thể ở trung ương và địa phương” – lần thứ 2 trong bài phát biểu Bộ trưởng Nhạ nhận trách nhiệm.
Về đạo đức giáo viên, ông Nhạ khẳng định, với đội ngũ gần 1,5 triệu thầy cô, cán bộ quản lý, đa phần các cán bộ tâm huyết, yêu nghề, cống hiến cho sự nghiệp đổi mới giáo dục, thực hiện tốt các qui định về đạo đức nhà giáo. Tuy nhiên, có một bộ phận sa sút đạo đức.
Quan điểm của Bộ là xử lý nghiêm minh các vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo. Bộ GD-ĐT đã đề nghị các địa phương không bố trí đứng lớp các giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, kiên quyết đưa ra khỏi ngành những trường hợp vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo theo quy định của pháp luật. Chúng tôi cũng đã chỉ các cơ sở đào tạo giáo viên đổi mới chương trình đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra cho sinh viên gắn với chuẩn nghề nghiệp giáo viên, trong đó chú trọng tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng ứng xử sư phạm, tư vấn tâm lý học đường.
Khái quát lại, Bộ trưởng Nhạ vẫn khẳng định, sau 5 năm thực hiện việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, ngành đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, ông Nhạ cũng thừa nhận, ngành giáo dục bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém gây bức xúc dự luận, hoài nghi về kết quả đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
“ Sự nghiệp đổi mới giáo dục cần có thời gian mới thấy được kết quả rõ rệt. Đổi mới giáo dục lần này rất căn bản, toàn diện - chuyển từ nền giáo dục từ tiếp cập kiến thức sang phát triển phẩm chất năng lực. Phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, trong đó có những nhiệm vụ rất mới nên bước đầu không tránh khỏi lúng túng và sai sót” – ông Nhạ hứa chỉ đạo quyết liệt, sớm khắc phục được các hạn chế, yếu kém của ngành, củng cố niềm tin của xã hội.
P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn