Hai tiểu đoàn cầm chân một sư đoàn
Vốn đã bận rộn với công việc bán chân gà nướng, những ngày đầu năm 2019, cựu chiến binh Hồ Tuấn (trú tại phường Sông Bằng, TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) còn tất bật hơn với công tác chuẩn bị cho cuộc gặp mặt của Trung đoàn bộ binh 567 (E567) ngày 17/2 tới.
Thời điểm diễn ra cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, ông Tuấn mới 23 tuổi, là chiến sĩ của E567 - đơn vị chiến đấu ngoan cường, chặn đứng bước tiến của quân Trung Quốc ở đèo Khau Chỉa, Phục Hòa, Cao Bằng.
Ông Hồ Tuấn là xạ thủ súng máy 14,5 ly thuộc Đại đội 16, E567. Tháng 3/1979, trong đợt tổng kết công tác chiến đấu, bản thân ông Tuấn được tập thể đơn vị công nhận tiêu diệt 120 tên địch, bắt sống 2 sỹ quan địch, thu gần 100 lựu đạn, 1 hòm đạn K56, súng B41, K54…
Ngót 40 năm sau cuộc giao tranh ấy, ông Hồ Tuấn bất ngờ có cuộc hội ngộ với những người lính ở bên kia chiến tuyến. Cuối tháng 12/2018, một đoàn khách du lịch là những cựu binh Trung Quốc từng tham chiến năm 1979 tại mặt trận Phục Hòa (Cao Bằng) sang Cao Bằng tham quan. Thông qua người phiên dịch, những người lính này bày tỏ mong muốn được gặp các chiến sĩ của ta đã chiến đấu trên cùng mặt trận đó.
“May mắn, anh phiên dịch tên Cường lại quen biết tôi nên gọi tôi đến gặp gỡ. Tôi và các cựu binh Trung Quốc ngồi trò chuyện khoảng nửa tiếng ở quán cà phê, chia sẻ với nhau về những ngày tháng đối đầu nhau trên trận địa.” - ông Tuấn cho hay.
“Tôi nói với họ: “Tôi với các ông cùng là con người, vốn không có thù oán gì nhau, vì các ông sang đánh chúng tôi, chúng tôi phải cầm súng chiến đấu.”. Những cựu binh Trung Quốc gật đầu tỏ ý đồng tình.” - ông Hồ Tuấn chia sẻ.
Hai bên hỏi thăm sức khỏe nhau, ngày tháng nhập ngũ, thời gian phục vụ trong quân đội, chế độ sau khi giải ngũ... Những cựu binh Trung Quốc cũng hỏi về trận địa Khau Chỉa, nơi họ từng bị bộ đội Việt Nam chặn đánh.
“Tại trận địa Khau Chỉa, họ vẫn đinh ninh rằng quân ta có đến một sư đoàn. Tôi bảo lúc đó tôi đang là chiến sĩ nên không được biết có bao nhiêu quân nhưng thực tế ở đó chúng ta chỉ có hai tiểu đoàn. Họ còn hỏi, giao thông hào ở Khau Chỉa có phải làm từ thời Pháp xâm lược Việt Nam không? Tôi nói, nếu giao thông hào làm từ thời đó thì các ông còn bị thiệt hại nặng nữa.” - ông Tuấn kể về buổi hội ngộ.
Trong câu chuyện ôn lại quá khứ, những cựu binh Trung Quốc tỏ ý thán phục bộ đội Việt Nam.
Cuộc hội ngộ kết thúc với những cái bắt tay và những bức hình kỷ niệm của những cựu binh từng ở hai đầu chiến tuyến.
12 ngày đêm khốc liệt
Cuối năm 1978, Trung đoàn 567 được lệnh chốt chặn tại thị trấn Phục Hòa (huyện Quảng Hòa, Cao Bằng). Theo lời kể của cựu chiến binh Hồ Tuấn, tháng 12 Âm lịch năm 1978, toàn Trung đoàn tổ chức ăn Tết sớm ngay trên chốt.
“Khoảng 5h45 sáng 17/2/1979, địch chia làm 3 mũi tấn công vào trận địa của Trung đoàn, có cả xe tăng và pháo binh yểm trợ, đánh vào Đồn Công an Tà Lùng, nhà máy đường Phục Hòa. Địch nhiều lần tiến công vào trận địa đều bị các chiến sĩ ta đánh trả quyết liệt, bẻ gẫy nhiều đợt tiến công. Đồng chí Nguyễn Chí Cương, Chính trị viên phó Đại đội 1, Tiểu đoàn 4 đã bắn cháy chiếc xe tăng địch đầu tiên trên toàn tuyến chiến đấu của Trung đoàn.” - ông Tuấn kể.
Chỉ trong 2 ngày 17 và 18/2, Trung đoàn đã làm mất sức chiến đấu 2 Trung đoàn thuộc Sư đoàn 125 của địch.
Ngày 18/2, Trung đoàn giao cho Tiểu đoàn 5 và 6 bằng mọi giá phải giữ vững đèo Khau Chỉa. Ngày 21/2, toàn đơn vị bước vào chiến đấu với Sư đoàn 125 của địch - sư đoàn hùng mạnh có xe tăng, pháo binh yểm trợ. Đại đội bộ binh 7, Tiểu đoàn 5 phục kích bắt 1 xe chỉ huy pháo binh, tiêu diệt 2 xe chở thám báo. Ngày 22/2, Sư đoàn 125 của địch đã bị mất sức chiến đấu, địch điều Sư đoàn 126 vào thay thế, chiến đấu với E567 ở Hạnh Phúc, Cốc Khuất, Lũng Cò…
Qua 12 ngày đêm chiến đấu, toàn Trung đoàn đã tiêu diệt 6.060 tên địch, bắt sống 9 tù binh, bắn cháy 34 xe tăng, 25 xe quân sự, thu nhiều vũ khí và đồ dùng quân sự, đánh thiệt hại 6 tiểu đoàn bộ binh địch, làm mất sức chiến đấu 2 Sư đoàn 125 và 126 của địch.
Chiến công này được ông Nguyễn Chí Cương, ông Hồ Tuấn và ông Lê Thanh Thiều thay mặt Trung đoàn báo cáo tại Đại hội Anh hùng bảo vệ Tổ quốc tổ chức ở Hà Nội năm 1979.
Trong 12 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, ông Tuấn không thể quên được hình ảnh những người đồng đội dù ngã xuống nhưng ý chí chiến đấu vẫn còn mãi.
Đó là tấm gương chiến sĩ Nguyễn Chí Phúc (quê Yên Bái), Tiểu đội trưởng Tiểu đội súng cao xạ. Ngày 26/2, địch tấn công điểm cao 300 nơi Tiểu đội đang chốt chặn. Giao tranh ròng rã từ 5h30 sáng đến 6h chiều, khi địch rút, đồng đội phát hiện ông Phúc đã hi sinh nhưng vẫn đứng ở giao thông hào, tay cầm súng hướng về phía địch như đang sẵn sàng chiến đấu.
Đó là hình ảnh xạ thủ Nguyễn Văn Mẫn (quê Yên Bái). Anh Mẫn bị thương khắp cơ thể, các y tá cuốn 32 cuộn băng mới thấm hết các vết thương.
“Anh ấy đau quá, cầu xin đồng đội bắn mình đi. Nhìn anh ấy mà rơi nước mắt. Mọi người cố gắng cứu chữa nhưng không được, hôm sau thì hi sinh.” - ông Tuấn kể.
Đó là hình ảnh chiến sĩ tên Chiêu. Bị địch bắn trọng thương, 3 tên địch từ xe tăng lao xuống định bắt sống thì anh Chiêu rút lựu đạn ra tự sát, diệt gọn cả 3 tên.
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Đại đội 1 và Đại đội 14 (Tiểu đoàn 4) được Nhà nước tuyên dương An hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND); Trung đoàn được tặng Huân chương Quân công hạng Nhì; đồng chí Nguyễn Chí Cương được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Tiến Nguyên
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn