Câu chuyện phá vòng vây, mở đường máu trên “pháo đài” Pha Long

Thứ bảy - 16/02/2019 06:08
(Dân trí) - Tình hình tại Pha Long ngày càng trở nên căng thẳng, đạn dược dần cạn kiệt, nhiều chiến sĩ bị thương. Tối ngày 20/2/1979, Chi bộ Đồn Pha Long họp bàn kế hoạch phá vòng vây rút ra ngoài. Đồn phó Trần Ngọc lệnh hủy tài liệu cơ yếu, đập máy liên lạc; lệnh cho ông Xuân đi tìm đường thoát...

Đó là thời khắc đầy gian khổ, ác liệt nhưng cũng rất hào hùng và khó quên với Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Khắc Xuân (SN 1953), quê ở thôn 1, xã Thiệu Vận, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

 

Câu chuyện phá vòng vây, mở đường máu trên “pháo đài” Pha Long
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Khắc Xuân.

 

Từ những năm đầu 1970 - 1974, ông Xuân là công nhân Công ty cầu đường Thanh Hóa. Tháng 2/1975, ông nhập ngũ vào Trung đoàn 14 và tham gia huấn luyện tại Thanh Hóa. Sau đó, ông tình nguyện lên biên giới phía Bắc tham gia vào lực lượng Công an vũ trang (CAVT) Lào Cai. Tháng 4/1975, ông được biên chế vào Đồn 133 Pha Long (Đồn Pha Long), huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai.

Câu chuyện phá vòng vây, mở đường máu trên “pháo đài” Pha Long - Ảnh minh hoạ 2
Vợ chồng ông Xuân bồi hồi khi nhớ lại giai đoạn lịch sử nhiều khó khăn nhưng rất hào hùng của dân tộc.

Thời điểm này, ông là Binh nhì, được huấn luyện nghiệp vụ CAVT và cùng đơn vị lập nhiều thành tích trong công tác vận động nhân dân xây dựng thế trận mới bảo vệ Tổ quốc.

Trong ký ức của cựu binh Lê Khắc Xuân vẫn còn nhớ như in, thời điểm năm 1977, tình hình khu vực biên giới phía Bắc bắt đầu căng thẳng khi Trung Quốc liên tục cho người sang gây sự, quấy nhiễu, cài cắm cơ sở ngầm.

Ông Xuân còn nhớ rất kỹ, trong khu vực phạm vi quản lý của Đồn Pha Long có một bãi bồi bên bờ sông Xanh với diện tích khoảng 2.000m2, Trung Quốc cho người dân sang lấn chiếm canh tác, có lực lượng trang bị vũ trang yểm trợ phía sau.

Đồn Pha Long phụ trách 6 xã, với 38 thôn, nhiều dân tộc anh em sinh sống, trải dài trên 40km đường biên giới.

 

Câu chuyện phá vòng vây, mở đường máu trên “pháo đài” Pha Long - Ảnh minh hoạ 3

Ông Lê Khắc Xuân được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 19/12/1979.

 

Những chiến binh trên “pháo đài” Pha Long

Khoảng 5h sáng ngày 17/2/1979, khi trời còn tối đen, Trung Quốc đã huy động quân, nổ súng bao vây đồn Pha Long và các điểm chốt xung quanh.

“Sau này chúng tôi mới biết là Trung Quốc đã huy động hai trung đoàn bao vây Pha Long. Thời điểm đó, Đồn trưởng Mai Khánh Thát đi công tác chưa kịp trở về đơn vị thì Trung Quốc đã đánh sang. Ở Đồn chỉ có Thượng úy Trần Ngọc - Chính trị viên cùng một số đồng chí khác chỉ huy anh em chiến đấu”, ông Xuân nhớ lại.

Câu chuyện phá vòng vây, mở đường máu trên “pháo đài” Pha Long - Ảnh minh hoạ 4

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Khắc Xuân trong một lần được gặp các lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Khi tiếng súng của quân Trung Quốc vang lên, lúc bấy giờ các chiến sĩ Đồn Pha Long nhanh chóng triển khai quân chiến đấu ngay tại các điểm chốt. Đồn Pha Long thời điểm đó chỉ có gần 80 người với 4 chốt và đồn chính là 5 vị trí đóng quân chiến đấu.

Trung Quốc với chiến thuật “lấy thịt đè người” khiến cho ngày 17/2/1979 tại Pha Long rất căng thẳng. Mỗi chiến sĩ của ta phải chiến đấu chống lại hàng chục tên giặc được trang bị vũ khí hiện đại.

“Ngay trong ngày 17/2, Trung Quốc đánh cấp tập, dồn dập, cùng với hỏa lực mạnh từ pháo tầm xa bắn xối xả khiến các chốt kiểm soát của Đồn Pha Long phải rút về đồn chính. Thời điểm đó, Đại đội 3 Công an vũ trang tỉnh Lào Cai chi viện cho Đồn Pha Long 10 chiến sĩ”, ông Xuân kể tiếp.

Bước sang ngày 18/2/1979, các chiến sĩ tập trung chiến đấu chống lại các đợt tấn công của địch tại đồn. Cùng với sự hỗ trợ của lực lượng lâm trường, mỗi khi địch đánh lên đều bị ta đánh bật ra.

“Một ngày, từ bốn phía, Trung Quốc đánh dồn dập hàng chục đợt. Có những thời điểm, quân giặc lên đến sát đồn đều bị quân ta đánh bật ra. Lúc đó, tôi được giao nhiệm vụ bằng mọi giá phải bảo vệ cổng đồn. Có lúc tôi cùng anh em đánh giáp lá cà với địch, diệt địch, thu vũ khí”, ông Xuân quả quyết.

Giọng trầm xuống như để tri ân đồng đội của mình đã ngã xuống, ông Xuân kể: “Khoảng 7 - 8 chiến sĩ kiên cường bám trụ, bảo vệ cổng Đồn Pha Long. Những trận chiến diễn ra ác liệt ngay gần khu vực đồn, đồng chí đồn phó Nguyễn Anh Đức cũng như nhiều chiến sĩ của ta đã anh dũng hi sinh”.

Câu chuyện phá vòng vây, mở đường máu trên “pháo đài” Pha Long - Ảnh minh hoạ 5

Các chiến sĩ kiên cường chiến đấu chống quân xâm lực Trung Quốc, bảo vệ biên cương của tổ quốc.

Cuộc chiến ngày càng ác liệt, các chiến sĩ liên tục chống trả những đợt tấn công của địch, trong khi nước, đồ ăn thiếu thốn. “Anh em gần như không biết đói là gì, lúc đó ai cũng đang thời trai trẻ, phần lớn thời gian chỉ lo chiến đấu”, ông Xuân nhớ lại thời khắc gian khổ mà hào hùng.

Có thời điểm, lính Trung Quốc tấn công lên tận sân đồn, cột cờ, nhưng các chiến sĩ Đồn Pha Long đã mưu trí, diệt được quân địch, lấy vũ khí, đạn của chúng mang theo để tiếp tục chiến đấu khi các nguồn tiếp tế chưa kịp lên.

Từ ngày 17 - 20/2, các chiến sĩ Đồn Pha Long đã kiên cường chống trả, đánh bật hàng loạt đợt tấn công của giặc. Thậm chí, ban đêm, địch không dám tấn công mà co cụm lại, lợi dụng thời cơ này, các chiến sĩ còn đột kích ra ngoài thu vũ khí của giặc.

Sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc

Tình hình tại pháo đài Pha Long ngày càng trở nên căng thẳng hơn, đạn dược đã dần cạn kiệt, nhiều chiến sĩ bị thương.

Tối ngày 20/2, sau khi đẩy lùi đợt tấn công của địch, Chi bộ Đồn Pha Long tổ chức cuộc họp bàn kế hoạch phá vòng vây rút ra ngoài.

Câu chuyện phá vòng vây, mở đường máu trên “pháo đài” Pha Long - Ảnh minh hoạ 6
Ông Lê Khắc Xuân đã từng sẵn sàng lựu đạn trong tay để tử chiến với giặc.

Theo cựu binh Lê Khắc Xuân, tại cuộc họp chớp nhoáng này, Thượng úy Trần Ngọc gửi bức điện với đại ý như lời chào vĩnh biệt Ban chỉ huy CAVT Lào Cai và Bộ Tư lệnh: "Lúc đó, anh em với tinh thần sẵn sàng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Bản thân tôi cũng đã sẵn sàng lựu đạn trong người để phòng trường hợp cấp bách sẽ liều mình với giặc".

Tiếp đó, Đồn phó Trần Ngọc lệnh hủy tài liệu cơ yếu và đập máy liên lạc; đồng thời lệnh cho ông Xuân đi tìm đường thoát ra ngoài vòng vây của giặc.

Nhận lệnh, ông Xuân đi trong đêm tìm đường để mở đường máu cho lực lượng và các thương binh của ta rút ra ngoài. Đêm ngày 20/2/1979, đơn vị bắt đầu rút ra hậu cứ để tiếp tục chiến đấu với địch.

Sau thời gian rút ra hậu cứ, đơn vị tiếp tục quần thảo với giặc trong khu vực đồn phụ trách. Cùng với sự giúp đỡ, bảo vệ của nhân dân địa phương, các chiến sĩ kiên cường chiến đấu, đẩy lùi các cuộc tiến công của địch, giữ vững chủ quyền an ninh quốc gia.

Trong quá trình chiến đấu, các chiến sĩ Đồn Pha Long đã lập nhiều chiến công, tiêu diệt khoảng 800 tên địch, thu nhiều vũ khí, đạn dược. Cùng với quân dân các tỉnh biên giới phía Bắc đã đập tan âm mưu xâm lược, buộc Trung Quốc phải rút quân về nước vào tháng 3/1979.

Ngày 19/12/1979, ông Lê Khắc Xuân được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Thời điểm này, ông là Chuẩn úy, Chính trị viên phó và Bí thư Chi đoàn Đồn Pha Long, CAVT tỉnh Lào Cai, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông Xuân lập gia đình năm 1973, vợ chồng ông có 3 người con 2 gái, 1 trai đã trưởng thành, lập gia đình ra ở riêng. Hiện ông sống với người vợ ở quê nhà.

Duy Tuyên

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây