Đây là một trong những ví dụ Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải dẫn ra trong báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri về chuyện trả lời cử tri kiểu “ông nói gà, bà nói vịt”. Báo cáo này được UB Thường vụ Quốc hội xem xét trong phiên họp sáng 15/5.
Trả lời như… không trả lời
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, mặc dù 59/59 đoàn đại biểu các tỉnh, thành phố đều đánh giá việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn 43/59 đoàn có nhận xét vẫn còn có hiện tượng một số bộ, ngành chưa thực sự nỗ lực, quyết tâm trong giải quyết một số vấn đề, cụ thể mà cử tri nêu.
Đối với một số kiến nghị rất cần các bộ, ngành nghiên cứu tìm các biện pháp tháo gỡ để giải quyết ngay các vướng mắc, hoặc xây dựng lộ trình để giải quyết dứt điểm vấn đề mà cử tri nêu thì chỉ được các bộ, ngành trả lời bằng việc cung cấp thông tin, chỉ dẫn một số văn bản hiện hành có liên quan đến vấn đề mà cử tri kiến nghị, hoặc trả lời “đang nghiên cứu,...”, “sẽ giải quyết,...” nên chưa đáp ứng đúng mong muốn của cử tri.
Đây là một hạn chế đã được UB Thường vụ Quốc hội nêu liên tục trong các báo cáo giám sát từ các kỳ họp Quốc hội khóa 13 đến nay, nhưng chưa được các bộ, ngành khắc phục triệt để. Nhiều văn bản trả lời cho cử tri còn rất chung chung, diễn giải nhiều, lòng vòng, khó hiểu, nhưng lại không đủ thông tin để giải đáp cho cử tri, báo cáo giám sát nêu rõ.
Việc nêu rõ địa chỉ nơi nào làm tốt, chưa tốt trong giải quyết kiến nghị của cử tri được các ý kiến thảo luận đánh giá rất cao.
Không ít ví dụ cụ thể được nêu tại báo cáo cho thấy cử tri một đằng thì câu trả lời một nẻo, hoặc trả lời mà như không trả lời, thậm chí trả lời không đúng thực tế.
Chẳng hạn, cử tri tỉnh Bắc Giang phản ánh “hiện đang có vướng mắc giữa thẩm quyền của thanh tra bộ và thanh tra tỉnh, thanh tra tỉnh và thanh tra các sở, khi tiến hành thanh tra các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn các tỉnh, thành phố”. Trả lời của Thanh tra Chính phủ như sau: “Hiện nay, Luật Thanh tra đã quy định rõ về thẩm quyền thanh tra đối với doanh nghiệp nhà nước, song trên thực tế khi ra quyết định thanh tra, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, Chánh thanh tra các cấp, các ngành vẫn gặp phải khó khăn trong việc ra quyết định thanh tra đối với doanh nghiệp”.
Ban Dân nguyện đánh giá, nội dung trả lời của Thanh tra Chính phủ lại nhắc lại nội dung kiến nghị mà cử tri nêu và đặc biệt không đưa ra bất kỳ một giải pháp nào để tháo gỡ những vướng mắc từ thực tiễn mà cử tri nêu, trả lời như vậy là chưa trả lời gì cả vì không có một thông tin gì giải đáp hoặc giải quyết vấn đề mà cử tri phản ánh.
Cử tri tỉnh Vĩnh Phúc phản ánh, kiến nghị với Bộ Giao thông vận tải: do có sự không thống nhất giữa hai bên (Bộ và địa phương) về việc xác định trách nhiệm giải quyết hậu quả trong việc thi công đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai nên một bộ phận người dân đang phải chịu khó khăn về đường giao thông phục vụ sản xuất, có đất nông nghiệp mà chưa thể canh tác được do bị ngập úng... Trả lời của Bộ khẳng định “đã chỉ đạo đơn vị quản lý, khai thác tiến hành ngay các biện pháp nạo vét, khơi thông cống thoát nước và mương thủy lợi để đảm bảo sản xuất và sinh hoạt cho người dân và đã bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng...”.
Tuy nhiên, theo phản ánh của đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc: "Thực tế, Bộ chưa thực hiện việc nạo vét hệ thống thoát nước, mương thủy lợi do vậy gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân…”.
Ban Dân nguyện kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng tăng cường công tác kiếm tra, đánh giá các bộ, ngành trong việc thực hiện trách nhiệm giải quyết các kiến nghị của cử tri. Lấy kết quả giải quyết các kiến nghị mà cử tri nêu làm một trong các căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với các bộ trưởng, trưởng ngành, có hình thức đánh giá, xử lý khi cá nhân, đơn vị thiếu trách nhiệm trong giải quyết trả lời kiến nghị của cử tri.
Cực chẳng đã người dân mới phải kéo về Hà Nội khiếu kiện!
Báo cáo giám sát cũng đề cập chuyện giải quyết kiến nghị không đảm bảo dẫn đến tình trạng khiếu kiện. Cụ thể, trong báo cáo, Ban Dân nguyện dẫn số liệu của Thanh tra Chính phủ, trong năm 2017, cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã tiếp 415.383 lượt công dân (tăng 14% so với năm 2016) với 310.633 vụ việc (tăng 66%); có 5.624 đoàn đông người (tăng 15%).
Theo báo cáo, tiếp công dân là việc đặc biệt quan trọng, nhưng kết quả truy cập vào cổng thông tin điện tử của các bộ ngành và 63 tỉnh thành phố ngày 25/4/2018 chỉ có 27 tỉnh thành công bố lịch tiếp công dân, 33 tỉnh không công bố, 3tỉnh không truy cập được. Trung ương có 9/22 bộ, cơ quan ngang bộ có công bố lịch tiếp công dân 14/ không công bố.
Cơ quan giám sát đặt vấn đề, chưa nói đến chất lượng và hiệu quả của việc tiếp công dân là như thế nào? Có giải quyết, tháo gỡ hay vướng mắc gì khó khăn của người dân hay không? Mà việc công bố công khai lịch tiếp công dân theo quy định của pháp luật là đơn giản nhất mà còn chưa thực hiện đầy đủ thì các vấn đề khác như chất lượng tiếp, hiệu quả tiếp sẽ như thế nào?
Góp ý về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng lưu ý, qua giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri cần có những kiến nghị để bàn giải pháp để bà con không phải về Hà Nội khiếu kiện.
“Ngoại trừ các vụ việc bị kích động, còn lại, “cực chẳng đã” thì bà con cô bác ở địa phương, trong đó có cả người già và trẻ em mới phải lên Hà Nội khiếu kiện, vất vả lắm. Tôi thương bà con cô bác. Làm thế nào để bà con không phải về Hà Nội khiếu kiện” - Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng yêu cầu.
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn