PGS.TS. Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương - nêu vấn đề tại hội thảo về việc sửa đổi Quy định 263 năm 2014 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm tổ chức sáng nay, 15/5 tại Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia.
Tổ chức đảng giới thiệu cán bộ sai sẽ bị kỷ luật
Trình bày báo cáo đề dẫn về việc sửa đổi Quy định 263 năm 2014 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm, ông Phạm Đức Tiến – Vụ trưởng Vụ nghiên cứu, UB Kiểm tra Trung ương khái quát, sau hơn 3 năm thực hiện, Quy định đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như chưa có quy định về thời hiệu kỷ luật nên một số vi phạm xảy ra quá lâu, việc xử lý kỷ luật đối với tổ chức đảng không còn nhiều tác dụng. Quy định cũng chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý kỷ luật đối với tổ chức đảng có hành vi bao che cho tham nhũng hoặc liên quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các vụ việc, vụ án tham nhũng mà cơ quan thanh tra, kiểm toán, cơ quan tiến hành tố tụng đang xử lý hoặc đã kết thúc xử lý.
Sửa Quy định 263, ông Tiến trình bày, trước hết là quy định giới hạn hiệu lực của quyết định kỷ luật đối với tổ chức đảng là 1 năm kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật (Điều 3).
Về thời hiệu xử lý kỷ luật (Điều 5), UB Kiểm tra Trung ương đề xuất quy định 5 năm đối với vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách, 10 năm đối với những vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.
Về nội dung vi phạm và hình thức kỷ luật, UB Kiểm tra Trung ương dự kiến sửa đổi, bổ sung quy định, vi phạm trong công tác tổ chức, cán bộ, vi phạm các quy định về bầu cử được quy định để xử lý kỷ luật đối với tổ chức đảng giới thiệu cán bộ sai, vi phạm công tác bầu cử trong thời gian vừa qua. Vi phạm về thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán cũng được quy định để ngăn chặn và xử lý hành vi như chỉ đạo che giấu hồ sơ, tài liệu, không cung cấp cho các đoàn, kiểm tra khi có yêu cầu. UB Kiểm tra Trung ương cũng muốn bổ sung quy định vi phạm về phòng chống tham nhũng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; xử lý các vi phạm về kê khai tài sản…
Nửa đầu nhiệm kỳ, đã 5-6 đại biểu Quốc hội “rụng”
PGS.TS. Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương - nhận định, cơ quan chủ trì việc sửa đổi Quy định 263 đã đưa được "hồn" của Nghị quyết tư 4 vào bản dự thảo. Ông Phúc cho rằng, các quy định đưa ra thể hiện rõ việc áp trách nhiệm với tổ chức, người đứng đầu tổ chức đảng để cán bộ, đảng viên vi phạm.
Đối chiếu nội dung này với trường hợp sai phạm thực tế đã xảy ra trong công tác cán bộ, ông Phúc cho rằng, tổ chức đảng nào đó giới thiệu Trịnh Xuân Thanh ứng cử đại biểu Quốc hội để người này lọt qua 3 vòng hiệp thương, được đưa bầu và rồi “trúng cử”, suýt trở thành đại biểu Quốc hội chính thức giờ cần phải chịu trách nhiệm, bị kỷ luật. Tương tự, vụ việc của bà Phan Thị Mỹ Thanh – nguyên Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, theo ông Phúc, đến lúc này, tổ chức đảng giới thiệu bà Thanh cần phải bị xem xét kỷ luật vì đánh giá cán bộ của mình không đúng.
Ông Phúc than: “Từ đầu nhiệm kỳ cả nước đã xác định con số 500 đại biểu Quốc hội để đại diện cho hơn 93 triệu đân vậy mà mới đi được nửa nhiệm kỳ đã 5-6 đại biểu “rụng” vì phải miễn nhiệm, bãi nhiệm khi dính sai phạm, không xứng đáng. Đầu tiên là Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Thị Nguyệt Hường, rồi tới Võ Kim Cự, giờ tới ông Đinh La Thăng, bà Phan Thị Mỹ Thanh… Quy trình giới thiệu, xem xét cán bộ thế nào chứ hay chỉ làm kiểu hiệp thương ào ào đi”.
“Cán bộ là cái gốc của mọi vấn đề. Hội nghị Trung ương 7 vừa xong cũng nêu cao vấn đề này. Vậy nên đưa vào quy định buộc trách nhiệm với tổ chức đảng trong việc tham mưu về công tác cán bộ, giới thiệu cán bộ đảng viên ứng cử mà người được giới thiệu lại vi phạm pháp luật là rất đúng. Tuy nhiên, mức đề xuất kỷ luật đưa ra chỉ là “khiển trách” thì hơi nhẹ. Phải quy định hình thức kỷ luật cao hơn thì Bí thư cáp ủy đơn vị mới có trách nhiệm đến nơi đến chốn với việc này” – ông Phúc nhận xét.
Băn khoăn về việc này, đại diện cơ quan Đảng uỷ Công an Trung ương đặt giả thiết, việc giới thiệu cán bộ từ các cấp dưới có thể diễn ra từ hàng chục năm trước mà xem xét trách nhiệm của tổ chức đảng liên quan đến việc quản lý đảng viên từ khi đó thì quá khó. Lãnh đạo Đảng ủy Công an Trung ương cho rằng chỉ nên xem xét với những cán bộ bị tố cáo trong giai đoạn này mà vẫn “lọt” cửa.
Đại diện cơ quan Đảng uỷ Công an Trung ương cũng góp ý về đề xuất quy định thời hiệu trong việc xử lý kỷ luật với các tổ chức đảng vi phạm là 5 năm hay 10 năm, tùy theo mức độ hành vi vi phạm. Cán bộ này đặt vấn đề, quy định như vậy thì vấn đề tư duy nhiệm kỳ, suy nghĩ “hạ cánh an toàn” có chặn được không?
“Hầu hết các vi phạm chúng ta phát hiện trước nay đều là từ nhiệm kỳ cũ chứ ở nhiệm kỳ mới, cơ quan mới, vị trí công tác mới thì có sai phạm cũng chưa phát hiện được ngay đâu. Vậy nên nếu quy định thời hiệu xử lý kỷ luật như thế này là để đất cho tư duy nhiệm kỳ, cho tính toán kiểu hạ cánh an toàn tồn tại” – người đại diện đến từ Đảng ủy Công an Trung ương nói.
Cách chức cả cán bộ hưu để giữ uy tín Đảng
Kết luận hội thảo, Phó Chủ nhiệm UB Kiểm tra Trung ương Tô Quang Thu nhận định, vi phạm của tố chức đảng từ trước tới nay, số vụ việc phải kỷ luật không nhiều. Tuy nhiên, mới nửa đầu của nhiệm kỳ này, Trung ương Đảng đã xử lý 2 Ban thường vụ tỉnh uỷ/thành uỷ là Thành ủy Đà Nẵng và tỉnh ủy Vĩnh Phúc với hình thức khiển trách và cảnh cáo. Quyết định kỷ luật là của cấp uỷ cấp trên chứ không phải do UB Kiểm tra Trung ương đưa ra.
“Như Bác Hồ đã nói, 9/10 khuyết điểm của chúng ta là do công tác kiểm tra. Càng thực hiện các quy định về kiểm tra đảng thì càng thấy khẳng định đó càng chân lý, rõ ràng, rành mạch. Vậy nên, việc sửa Quy định 263 là yêu cầu do thực tiễn đặt ra để định lượng rõ ràng, lượng hóa cụ thể, chặt chẽ các tình huống phát sinh” – ông Thu xác nhận, có nhiều khó khăn trong việc này vì sự đan xen của các hành vi. Việc “bật mực, kẻ chỉ” phụ thuộc nhiều vào bản lĩnh, kinh nghiệm của các uỷ viên UB Kiểm tra đảng.
Phó Chủ nhiệm UB Kiểm tra Trung ương cũng giải đáp băn khoăn về thời hiệu giải quyết việc xử lý kỷ luật. Theo ông Thu, việc xử lý kỷ luật có tính quá khứ và hiện tại tiếp nối nhau. Nhiều trường hợp xử lý cán bộ vừa qua gây băn khoăn như việc người đó nghỉ rồi, “có chức đâu mà cách”. Nhưng với Đảng, hình ảnh, tính biểu tượng, biểu trưng, uy tín là những vấn đề quan trọng, không phụ thuộc vào thời điểm hiện tại hay quá khứ. Đó là những thứ phải giữ gìn.
“Vậy nên việc cách chức Đảng viên với những chức vụ đã đảm nhận cách đây thậm chí cả 10 năm vẫn có tác dụng lớn với việc nhắc nhở, răn đe, giáo dục, củng cố uy tín. Nhiều người từng “dính” kỷ luật như thế cũng ngán lắm, sợ lắm chứ, không hề đơn giản” – ông Thu phân tích ý nghĩa của biện pháp kỷ luật với cả những sai phạm trong quá khứ của cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng.
Về băn khoăn với việc xác định trách nhiệm tập thể hay cá nhân khi xử lý kỷ luật một tổ chức đảng, ông Thu khẳng định, UB Kiểm tra Trung ương đã xây dựng hướng dẫn cụ thể để cá thể hoá trách nhiệm, để quy trách nhiệm với Bí thư, Phó Bí thư thường trực… cấp ủy nếu để xảy ra sai phạm ở đơn vị mình.
Tác giả: Thái Anh
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn