Thảo luận về một số vấn đề lớn của dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giám định tư pháp là nội dung UB Thường vụ Quốc hội xem xét trong phiên họp ngày hôm nay, 10/1. Trong đó, việc bổ sung chức năng giám định tư pháp cho VKSND tối cao là một vấn đề nhận nhiều tranh luận.
Báo cáo về nội dung này, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, có ý kiến tán thành dự thảo luật do Chính phủ trình, bổ sung chức năng giám định tư pháp cho VKSND tối cao là cần thiết nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu ngày càng tăng trong việc giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử, đặc biệt từ ngày 1/1/2020 các cơ quan tố tụng sẽ thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên toàn quốc.
Tuy nhiên, các ý kiến không đồng tình cho rằng, viện kiểm sát vừa thực hiện quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, vừa trực tiếp thực hiện giám định sẽ không đảm bảo tính khách quan và sẽ làm phát sinh bộ máy, biên chế.
Nhiều ý kiến trong Thường trực UB Tư pháp và các cơ quan hữu quan, trong đó có Bộ Công an cũng cho rằng, đây là vấn đề mới, đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ chuyên sâu, phải đầu tư khoản kinh phí lớn và đồng bộ về trang - thiết bị do đó, cần được Chính phủ đánh giá kỹ tác động.
Ngược lại, nhóm ý kiến khác trong thường trực UB Tư pháp và các cơ quan như Bộ Tư pháp, VKSND tối cao tán thành với quy định của dự thảo luật, đồng thời Chính phủ chưa có ý kiến khác với quan điểm khi trình Quốc hội. Những người ủng hộ quan điểm này lập luận, cần bổ sung Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao để tăng cường năng lực cho cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong điều tra, phòng, chống tham nhũng trong hoạt động tư pháp.
Nêu ý kiến tại phiên họp, Phó Viện trưởng VKSND tối cao Bùi Mạnh Cường phân tích, hiện nay VKSND tối cao đã có Phòng Kỹ thuật hình sự, nay chỉ bổ sung thêm nhiệm vụ giám định âm thanh, hình ảnh, không làm phát sinh thêm bộ máy, nhân sự. Chủ trương này đúng theo luật định.
Theo ông Cường, hiện nay, về nguyên tắc thì việc giám định âm thanh, hình ảnh có cơ quan giám định của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay Bộ Quốc phòng không làm nên thực tế chỉ có Bộ Công an đảm nhiệm phần việc này.
“Khi có những việc cơ quan giám định tư pháp của Bộ Công an bị khiếu nại, chúng tôi gửi yêu cầu giám định sang Bộ Quốc phòng thì không được đáp ứng. Viện Kiểm sát đã gửi công văn đề nghị Bộ Quốc phòng bổ sung nhiệm vụ này cho cơ quan giám định của Bộ Quốc phòng nhưng tới nay vẫn chưa bổ sung” - ông Cường nói.
Theo lãnh đạo VKSND tối cao, thực tế, một số lĩnh vực hiện nay chỉ có một cơ quan giám định duy nhất là Bộ Công an. Để đảm bảo tính khách quan trong nhiều trường hợp, việc bổ sung chức năng giám định tư pháp cho VKSND tối cao là đúng quy định của pháp luật và phù hợp với thực tiễn.
Nêu quan điểm ngược lại, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương khẳng định Bộ này không đồng tình với đề xuất bổ sung chức năng giám định tư pháp cho cơ quan công tố.
Lý do, theo Thượng tướng Lê Quý Vương, nội dung này mới phát sinh chứ chưa có trong dự thảo luật từ đầu, cần đánh giá thêm. Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, hiện tại không chỉ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cũng có cơ quan thực hiện chức năng giám định tư pháp.
Thứ trưởng Vương cung cấp thông tin, thực tế từ 2012 tới nay, Viện Khoa học hình sự tiếp nhận 42 vụ trưng cầu giám định âm thanh, 18 vụ giám định kỹ thuật số, điện tử. Hoạt động của Viện Khoa học hình sự về cơ bản đáp ứng yêu cầu và phục vụ chung cho công tác điều tra, chưa xảy ra vấn đề gì.
Đại diện cơ quan soạn thảo, trình dự án luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đồng ý với đề xuất của VKSND tối cao vì trong cơ cấu tổ chức của cơ quan này đã có Phòng Kỹ thuật hình sự, bổ sung chức năng giám định tư pháp chỉ là giao thêm việc.
Theo Bộ trưởng Tư pháp, phía VKSND tối cao cũng đã có văn bản chính thức về vấn đề này. Ngoài ra, việc bổ sung thêm chức năng giám định cho VKS cũng là góp phần có thêm tiếng nói khách quan cho hoạt động giám định tư pháp.
Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh, dù ngay từ đầu, Bộ Công an đã nêu quan điểm không đồng ý nhưng đó chỉ là ý kiến riêng của cơ quan này, còn Chính phủ nêu quan điểm trên nguyên tắc đa số nên vẫn ủng hộ hướng bổ sung chức năng giám định cho VKS như dự thảo trình ra Quốc hội.
Tuy nhiên, việc này cũng khiến các cơ quan của Quốc hội lúng túng vì Đảng ủy Công an Trung ương đã chính thức gửi văn bản nhấn mạnh quan điểm không đồng tình. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặt câu hỏi, Thủ tướng là lãnh đạo Chính phủ, cũng là thành viên Đảng ủy Công an Trung ương nhưng nay Chính phủ đồng ý mà Đảng ủy Công an Trung ương lại không đồng ý thì cần phải hiểu sao?
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có ý kiến chính thức về việc này đồng thời đề nghị ban soạn thảo đưa ra cả 2 phương án quy định về nội dung này để Quốc hội thảo luận.
Phương Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn