Đề xuất cơ chế đặc thù, giao cho Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng được quyền điều chỉnh quy hoạch thành phố là một nội dung được nêu và nhận nhiều ý kiến trái chiều trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng. Sáng 23/5, Quốc hội có phiên thảo luận toàn thể về dự thảo Nghị quyết này.
Thẩm tra nội dung này, UB Pháp luật phân tích, các luật về quy hoạch hiện hành quy định rất chặt chẽ thẩm quyền, trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác lập, quản lý, điều chỉnh quy hoạch thời gian qua.
Việc dự thảo Nghị quyết đề nghị thí điểm giao thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch thành phố cho chính quyền thành phố mà không kèm theo cơ chế kiểm soát có hiệu quả có thể dẫn đến không đạt được các yêu cầu, mục tiêu mà luật Quy hoạch đã đề ra.
Vì vậy, UB Pháp luật đề nghị không thí điểm việc giao chính quyền thành phố (đại diện là Chủ tịch UBND thành phố) thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thành phố mà chỉ giao quyền điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị.
Thảo luận về nội dung này, đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) lập luận, tốc độ tăng trưởng của thành phố năng động nhất khu vực miền Trung vừa qua có dấu hiệu chững lại, không giữ được phong độ như giai đoạn trước. Vậy nên Bộ Chính trị mới thống nhất ban hành nghị quyết số 43, đồng ý chủ trương xây dựng mô hình mới nhằm tạo nên động lực thúc đẩy tăng trưởng cho Đà Nẵng.
Về quy hoạch và quản lý quy hoạch, thực tế, thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch cục bộ thành phố của Đà Nẵng đã được xác định trong nghị quyết này nên tiếp tục duy trì nội dung này, giao thêm thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch thành phố để đảm bảo tính linh hoạt, năng động.
Ngược lại, đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) lại tán thành phân tích của UB Pháp luật, không đồng ý giao người đại diện chính quyền Đà Nẵng được điều chỉnh quy hoạch thành phố.
Đại biểu Nguyễn Văn Luật (Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội) nhấn mạnh, vừa qua, Quốc hội đã phải rất vất vả, mất 3 kỳ họp mới làm được luật Quy hoạch. Mục đích của luật là để nâng cao chất lượng quy hoạch, ngăn ngừa tình trạng điều chỉnh quy hoạch bừa bãi, dấn đến nhiều hệ lụy. Vậy nên, thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đã được thống nhất giao cho Thủ tướng Chính phủ.
“Nhưng dự thảo Nghị quyết này lại giao quyền cho Chủ tịch Đà nẵng điều chỉnh quy hoạch thành phố thì đó chính là “tự cãi” lại quan điểm của chính mình. Quan điểm của UB Pháp luật là không nên đưa vào dự thảo điều khoản quy định để điều chỉnh thẩm quyền của Thủ tướng. Nếu cần, việc này vẫn có thể thực hiện khi Thủ tướng có văn bản ủy quyền cho Chủ tịch Đà Nẵng thực hiện quyền này” – ông Luật gợi ý.
Giải trình thêm, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng xác nhận, quy hoạch của thành phố là nội dung rất quan trọng, cần quản lý chặt chẽ để đảm bảo không phá vỡ quy hoạch vùng, quy hoạch chung quốc gia. Ghi nhận các ý kiến phản biện là đúng đắn, Bộ trưởng thống nhất “rút” quy định về việc này, chỉ đề nghị giữ quy định giao quyền điều chỉnh quy hoạch cục bộ thì vây là quy hoạch cấp dưới, lại thường xuyên thay đổi, có thể linh hoạt giao quyền để thành phố năng động, chủ động thực hiện các nhiệm vụ, với điều kiện chặt chẽ là việc này cần xin ý kiến bộ Xây dựng và đảm bảo không phá vỡ quy hoạch của cấp trên.
Đề xuất người dân bầu trực tiếp Chủ tịch thành phố
Vấn đề mô hình tổ chức chỉ giữ một cấp chính quyền duy nhất có đủ HĐND và UBND ở cấp thành phố, cấp quận, phường chỉ tổ chức cơ quan hành chính là UBND gọn nhẹ theo cơ chế thủ trưởng nhận được nhiều ý kiến tán đồng của các đại biểu.
Các đại biểu tập trung phân tích cơ chế kiểm soát quyền lực khi tại quận, phường không còn cơ quan dân cử để giám sát hoạt động của UBND. Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) gợi ý tăng thêm số đại biểu HĐND thành phố, nhất là đại biểu chuyên trách để đảm bảo mỗi quận, phường của thành phố đều có đại diện trong cơ quan dân cử, thực hiện quyền giám sát, kiểm soát quyền lực.
Đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương), Nguyễn Việt Thắng (Bến Tre) cùng đề xuất việc người dân Đà Nẵng được trực tiếp bầu Chủ tịch UBND thành phố theo chế độ phổ thông đầu phiếu để đảm bảo chọn được đúng người người dân cần cho thành phố của mình.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng xác nhận, với mô hình tổ chức chính quyền được đề xuất, Đà Nẵng phải nâng cao năng lực cán bộ, nâng cao khả năng giám sát của các cơ quan. Chính phủ sẽ tiếp tục tục rà soát các nội dung của dự thảo Nghị quyết cho chặt chẽ, đảm bảo quyền làm chủ nhân dân.
Phương Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn