Đại tướng Lê Đức Anh sinh ra và lớn lên tại Thừa Thiên - Huế, gia nhập Đảng Cộng sản từ năm 1938 nhưng cuộc đời binh nghiệp của ông bắt đầu từ khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra. Thời điểm đó, ông tổ chức lực lượng kéo xuống thị xã Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương hiện nay) tham gia tổng khởi nghĩa.
Sau đó, Đại tướng Lê Đức Anh đảm trách nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng của quân đội tại khu vực phía Nam như Tư lệnh Quân khu 9, Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam, Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh cánh quân Tây Nam đánh vào Sài Gòn, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, Chỉ huy trưởng cơ quan tiền phương Bộ Quốc phòng ở mặt trận Tây-Nam… Có thể nói, dấu chân ông in khắp các chiến trường miền Nam.
Do đó, sáng 3/5, khi lễ viếng và lễ truy điệu nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất (TPHCM), rất nhiều tướng lĩnh, lãnh đạo quân đội khu vực phía Nam và các tướng lĩnh từng công tác tại khu vực phía Nam đã về đây để viếng ông. Trong sổ tang, các tướng lĩnh thể hiện nhiều tình cảm trân trọng, tiếc thương đối với Đại tướng Lê Đức Anh.
Trung tướng Võ Minh Lương, Tư lệnh Quân khu 7 viết về Đại tướng: "Một nhà chính trị lớn, nhà quân sự tài ba, luôn nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, có tư duy sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; một chiến sĩ cách mạng tài trí, kiên cường, một vị tướng, vị tư lệnh – chính ủy đức độ, tài năng, suốt đời gắn với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc, với quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam và lực lượng vũ trang Quân khu 7”.
“Vĩnh biệt Đại tướng Lê Đức Anh – Vĩnh biệt bác Sáu Nam kính mến! Cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang Quân khu 7 nguyện trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, kiên định vững vàng, chủ động sáng tạo, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, lực lượng vũ trang quân khu vững mạnh toàn diện, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Thiếu tướng Bùi Thanh Hà, Phó Chánh văn phòng Bộ Công An viết về nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh trong sổ tang: “Một vị Chủ tịch nước đầy tâm huyết, trách nhiệm với đức tính cách mạng vô tư, trong sáng, mạnh mẽ, quyết liệt nhưng vô cùng gần gũi với nhân dân và cuộc đời đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc”.
Còn Thiếu tướng Vũ Đức Long - Phó Chính ủy trường Sỹ quan Lục quân 2, bày tỏ sự ngưỡng mộ về sự nghiệp quân sự của Đại tướng Lê Đức Anh: “Vị Đại tướng luôn quan tâm, gần gũi cán bộ chiến sỹ trong kháng chiến chống pháp, chống mỹ, làm nghĩa vụ quốc tế và bảo vệ biên giới phía bắc cũng như làm nhiệm vụ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Nơi nào cũng ghi dấu ấn sâu đậm hình ảnh của Đại tướng Lê Đức Anh, bác Sáu Nam”.
Thiếu tướng Trịnh Đình Thạch – Phó Chính ủy Quân khu 5, lại bày tỏ nỗi tiếc thương về sự ra đi của đại tướng Lê Đức Anh: “Một nhà chính trị lỗi lạc, nhà quân sự tài ba, đức độ đã ra đi. Vĩnh biệt người, quân khu 5 sẽ biến đau thương thành hành động cách mạng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương – Bộ Quốc phòng giao phó”.
Thiếu tướng Huỳnh Chiến Thắng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 9, ghi lời tiễn biệt: “Đồng chí là một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân ta. Đồng chí đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và sự phát triển, đổi mới của đất nước Việt Nam. Sự ra đi của đồng chí là một tổn thất vô cùng to lớn đối với Đảng, Nhà nước, quân đội, nhân dân và lực lượng vũ trang quân khu”.
Thiếu tướng Cao Long Hỷ, nguyên Cục trưởng cục bảo vệ An ninh Bộ Quốc Phòng, này đã 87 tuổi và đang mệt vì bệnh tật nhưng vẫn cố gắng đến dự lễ viếng và truy điệu nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh - người mà ông xem như là người anh, người thầy, cũng là người chỉ huy tài ba. Ông cũng là 1 trong 600 thiếu sinh quân đầu tiên ở miền Nam từng được Đại tướng Lê Đức Anh huấn giảng. 600 thiếu sinh quân cùng khóa cũng có hơn 100 liệt sĩ, những người còn sống theo con đường binh nghiệp thì nhiều người đã trở thành tướng tá như ông.
Ông chia sẻ: “Hôm nay, dù sức đã quá yếu đã nghỉ hưu nhiều năm nhưng tôi quyết đến viếng anh Sáu Nam, một vị tướng tài ba, đức độ trong lòng tôi!”.
Tùng Nguyên – Nguyễn Quang
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn