Máy bay đưa nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh về nơi an nghỉ cuối cùng tại TPHCM
Thứ bảy - 04/05/2019 05:33
(Dân trí) - Trên hành trình cuối cùng trước khi rời Hà Nội, linh xa đưa Đại tướng Lê Đức Anh qua ngôi nhà 5A phố Hoàng Diệu, nơi sinh sống trong rất nhiều năm qua của vị tướng một thời trận mạc, trước khi ra sân bay Nội Bài. Lễ an táng Đại tướng sẽ diễn ra lúc 17h cùng ngày tại TPHCM. >>
Linh cữu Đại tướng Lê Đức Anh được đưa lên máy bay, bắt đầu hành trình vào TPHCM. Dự kiến máy bay sẽ hạ cánh tại Tân Sơn Nhất vào khoảng 15h. Sau khi đến sân bay, linh cữu sẽ được di chuyển từ sân bay Tân Sơn Nhất qua các địa điểm quan trọng như Quân khu 7 (nơi Đại tướng Lê Đức Anh từng là Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu), nhà riêng của ông tại 240 Pasteur… Sau đó, linh cữu sẽ được đưa về Nghĩa trang TPHCM, nơi có nhiều đồng chí, đồng đội của ông đang an nghỉ.
12h35, đoàn xe chở linh cữu nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đến sân bay Nội Bài.
Thời điểm này tại sân bay Nội Bài, trong sảnh Vip A, Đoàn quân nhạc đã chuẩn bị sẵn sàng đón đoàn xe chở linh cữu nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, dự kiến sẽ có mặt tại sân bay trong ít phút nữa.
Đây là lần thứ 2 sau lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sân bay quốc tế Nội Bài, tham gia phục vụ Quốc tang.
11h30, cỗ linh xa đưa linh cữu Đại tướng Lê Đức Anh tiến ra đường Trần Thánh Tông. Đoàn xe sẽ di chuyển theo lộ trình qua quảng trường cách mạng tháng Tám, Hàng Khay, Tràng Thi, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Nghi Tàm, Âu Cơ, hướng ra cầu Nhật Tân, di chuyển lên sân bay Nội Bài.
11h24, Cỗ linh xa chầm chậm lăn bánh rời Nhà Tang lễ Quốc gia. Đi trước cỗ linh xa có 2 sỹ quan mang di ảnh, 1 sỹ quan mang gối huân chương. Phía sau cỗ linh xa, gia quyến của Đại tướng Lê Đức Anh, các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng bào, đồng chí đang cũng chậm bước đưa tiễn Đại tướng Lê Đức Anh về nơi an nghỉ.
11h19, linh cữu Đại tướng Lê Đức Anh được đưa lên cỗ linh xa. Linh cữu Đại tướng sẽ được đặt trong lồng kính, trên cỗ linh xa có gắn đại bác phía sau.
Theo từng khẩu lệnh trang trọng được hô, đội tiêu binh tiến hành từng thao tác theo đúng nghi thức Quốc tang, đặt linh cữu Đại tướng Lê Đức Anh lên xe, phủ lại lá quốc kỳ.
Trên hành trình cuối cùng trước khi rời Hà Nội, cỗ linh xa sẽ đưa Đại tướng Lê Đức Anh dừng lại trước số nhà 5A phố Hoàng Diệu, nơi sinh sống trong rất nhiều năm qua của vị tướng một thời trận mạc.
11h09, lễ di quan bắt đầu. Đội tiêu binh nhận lệnh bước vào khán đài chuyển hoa, chuyển bàn thờ Đại tướng Lê Đức Anh.
Đội gấp cờ, mang di ảnh, huân huy chương vào vị trí. Di ảnh Đại tướng Lê Đức Anh trên hương án được cẩn trọng đỡ xuống, cùng với gối huân chương, được các tiêu binh kính cẩn rước đi trước. Hai tiêu binh cùng thực hiện nghi thức gấp quốc kỳ.
Linh cữu Đại tướng Lê Đức Anh sẽ được đưa lên linh xa, di chuyển ra sân bay Nội Bài, bay vào TPHCM để thực hiện lễ an táng tại nghĩa trang TPHCM.
Các sỹ quan quân đội trong lễ phục trắng tiến về phía trước linh cữu, 10 sỹ quan mỗi bên cùng nâng linh cữu Đại tướng Lê Đức Anh. Đi sau linh cữu là đoàn gia quyến bê lư hương, hương án. Cùng nâng linh cữu Đại tướng Lê Đức Anh có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Gia quyến của Đại tướng Lê Đức Anh cũng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng chầm chậm đi theo linh cữu ra cỗ linh xa. Giờ phút tiễn biệt nghẹn ngào xúc động trong tiếng nhạc trầm buồn.
Cùng thời điểm này, tại nhà Đại tướng Lê Đức Anh ở 5A Hoàng Diệu (Hà Nội), rất đông người dân chờ đợi để được tiễn biệt Đại tướng lần cuối.
Tại Hội trường Thống Nhất (TPHCM), các đoàn lãnh đạo TPHCM, các cơ quan trung ương tại TPHCM, các tỉnh thành phía nam, các đoàn thể, doanh nghiệp và cá nhân cùng kính cẩn nghiêng mình truy điệu nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh.
11h07, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và gia quyến đi một vòng lần cuối quanh linh cữu Đại tướng Lê Đức Anh để chào tiễn biệt vị lãnh đạo lão thành cách mạng tiền nhiệm trước khi tổ chức lễ di quan, đưa tiễn ông về nơi an nghỉ cuối cùng.
11h04, đại diện gia đình Đại tướng Lê Đức Anh, ông Lê Mạnh Hà – con trai Đại tướng - lên phát biểu cảm ơn. Ông cảm ơn các vị lãnh đạo, bạn bè, người thân đã luôn ở bên cha mình trong suốt thời gian qua, cảm ơn các thầy thuốc chăm sóc sức khoẻ Đại tướng Lê Đức Anh trong nhiều năm.
"Ba tôi đã sống cuộc sống kiên cường của người chiến sĩ và bình dị như bao người dân khác. Vượt qua các cuộc kháng chiến và ba cơn bạo bệnh, ba đã sống đến 100 tuổi. Yêu thương, nghị lực, may mắn và sức sống phi thường đã giúp ba sống thật lâu và thật sự có ích cho đời. Thế nhưng quy luật của muôn đời đã đưa ba đi mãi mãi" - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói.
Ông Hà dành những lời cuối cùng như tâm sự với cha mình: "Gia tài của ba để lại cho con cháu thật là đồ sộ và quý giá. Đó là trái tim nhân hậu của con người dũng cảm, yêu thương để vị tha, nhân hậu để vị tha. Chúng con thật vinh dự và tự hào được nhận món quà quý giá đó. Cảm ơn ba. Chúng con chào ba, ba về bên mẹ, và những người đồng đội đã cùng chiến đấu một thời khói lửa. Vĩnh biệt ba".
11h03, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tuyên bố phút mặc niệm sau cùng kết lại lễ truy điệu Đại tướng Lê Đức Anh.
10h50, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên đọc lời điếu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại, trong niềm xúc động và tiếc thương vô hạn, Ban chấp hành TƯ Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, UB TƯ MTTQ Việt Nam cùng toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước tổ chức lễ tang, đưa tiễn Đại tướng – nguyên Chủ tịch nước, nguyên Cố vấn Ban chấp hành TƯ về nơi an nghỉ cuối cùng.
Thủ tướng khẳng định, Đại tướng Lê Đức Anh là một nhà lãnh đạo lớn, xuất sắc, uy tín của Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Đại tướng mất đi là một tổn thất to lớn với Đảng, Nhà nước, nhân dân và gia quyến, để lại niềm tiếc thương vô hạn.
Thủ tướng điểm lại quá trình hoạt động cách mạng của Đại tướng Lê Đức Anh, từ những ngày mới 17 tuổi, tham gia phong trào cách mạng tại huyện Phú Vang, Thừa Thiên – Huế. “Đồng chí luôn có mặt ở những địa bàn trọng yếu trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Đồng chí đã đảm nhiệm những vị trí. Trong hoàn cảnh nào, đồng chí cũng bộc lộ những phẩm chất cao đẹp của bộ đội cụ Hồ, của người chỉ huy tài năng. Đồng chí đã trực tiếp tham gia và chỉ đạo nhiều trận đánh lớn, chủ động tấn công, lăn lộn ở chiến trường để tìm ra cách chiến đấu hiệu quả, giảm thiệt hại, thương vong của quân đội, của người dân”.
“Đồng chí là một chỉ huy chiến lược tài năng, là một trong 1 tướng lĩnh quân đội Việt Nam nhiều lần được phong hàm vượt cấp, từ Đại tá lên Trung tướng, rồi lên Thượng tướng, Đại tướng. Đồng chí cũng là người thực tế chỉ đạo xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong thời bình, Đại tướng Lê Đức Anh vẫn tiếp tục cống hiến hết mình trên những cương vị lãnh đạo quan trọng nhất của đất nước. Ở bất cứ cương vị nào, Đại tướng cũng luôn trăn trở, có nhiều giải pháp quan trọng để cùng phá vỡ thế khó khăn, bị bao vây, cấm vận của đất nước, mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Chốt lại bài điếu văn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, là một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng, dù ở cương vị nào, Đại tướng Lê Đức Anh cũng đóng góp tích cực cho đất nước, nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiêm cẩn lối sống “cần, kiệm, liêm, chính”, là tấm gương lớn cho cán bộ, đồng bào và chiến sĩ. Đại tướng cũng đã thực hiện rất tốt chính sách hậu phương quân đội, luôn gắn bó, hướng tình thân thiết về quê hương.
Với 99 năm tuổi đời, hơn 80 tuổi hoạt động cách mạng, đồng chí đã cống hiến cả đời, được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận, tặng thưởng nhiều phần thưởng, huy chương cao quý.
“Trong giờ phút đau thương tiễn biệt, chúng tôi nguyện đoàn kết một lòng noi gương đồng chí, cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đi theo con đường Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn, kiên định con đường CNXH, Chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Xin kính cẩn nghiêng mình tiễn biệt Đại tướng Lê Đức Anh, anh Sáu Nam kính mến của chúng ta!” – Thủ tướng trầm giọng.
10h45’, các lãnh đạo Đảng, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng gia quyến được mời vào vị trí để tiến hành lễ truy điệu Đại tướng Lê Đức Anh. Gia đình đứng bên trái phòng tang. Các lãnh đạo Đảng, nhà nước đứng bên phải phòng tang. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tuyên bố bắt đầu lễ truy điệu.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tuyên bố bắt đầu lễ truy điệu. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, để tỏ lòng thương nhớ Đại tướng Lê Đức Anh – nguyên Chủ tịch nước, trong sáng 3/5, đã có hơn 1.000 đoàn đại diện các cơ quan, đoàn thể, các cá nhân và gia đình đến viếng Đại tướng tại Nhà tang lễ Quốc gia, Hội trường Thống nhất TPHCM, hội trường UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế.
“Trong niềm tiếc thương vô hạn, trong thời khắc đau thương này, chúng ta tập trung tại đây để tiễn đưa Đại tướng Lê Đức Anh về nơi an nghỉ cuối cùng” – Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tuyên bố bắt đầu phút mặc niệm.
Quốc ca được cử hành trong phòng tang lễ. Những người có mặt trong phòng tang lễ lặng lẽ cúi đầu, nghiêm cẩn nghiêng mình trong phút tiễn biệt Đại tướng.