Công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự con người là nội dung nằm trong nhóm vấn đề sẽ chất vấn Bộ trưởng Tô Lâm.
Khái quát chung, Bộ trưởng nhấn mạnh, hoạt động của các băng, ổ nhóm tội phạm hình sự có dấu hiệu phức tạp trở lại, có sự đan xen, gắn kết chặt chẽ giữa các lĩnh vực hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường. Các băng nhóm tội phạm triệt để lợi dụng danh nghĩa các doanh nghiệp để hoạt động phạm tội, nhất là liên quan đến lĩnh vực cho vay tài chính, hoạt động “tín dụng đen”, kéo theo tình trạng siết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật... diễn ra rất phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước.
Tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án có chiều hướng gia tăng, nhiều vụ sử dụng vũ khí nóng gây án nghiêm trọng; tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản vẫn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm (68,5%), riêng tội phạm trộm cắp chiếm khoảng 45%, hình thành nhiều băng nhóm, đường dây trộm cắp với thủ đoạn tinh vi, hoạt động có tính lưu động cao nên việc đấu tranh gặp nhiều khó khăn.
Với nhóm tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người, Bộ trưởng cho biết nổi lên những vấn đề đáng lưu ý. Như, từ năm 2016 đến nay, trung bình 1 năm xảy ra gần 100 vụ giết người cướp tài sản; 1.000 vụ giết người do nguyên nhân tâm lý, xã hội (có 60-70% là do bột phát, nhất thời; khoảng 17% là các vụ người thân trong gia đình giết hại lẫn nhau; trên 10% các vụ giết người do mâu thuẫn trong khi sử dụng rượu bia, tham gia giao thông…)..
Đáng lưu ý, xảy ra nhiều vụ giết người với hành vi gây án dã man, tàn bạo (giết nhiều người, giết người vứt xác, chặt xác, đốt xác, giết phụ nữ và trẻ em...) gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân. Bên cạnh đó xuất hiện ngày càng nhiều các vụ giết người, cố ý gây thương tích do đối tượng bị bệnh tâm thần hoặc bị ảo giác do sử dụng ma túy tổng hợp ("ngáo đá") gây ra.
Tội phạm mua bán người, nhất là mua bán phụ nữ trẻ em diễn ra phức tạp. Trên 90% số vụ là mua bán người ra nước ngoài, trong đó 70% là mua bán sang Trung Quốc. Phạm vi địa bàn xảy ra tội phạm ở khắp 63 tỉnh, thành phố (nạn nhân bị mua bán có trên 85% là phụ nữ, trẻ em; 6,63% là học sinh, sinh viên).
Tội phạm hiếp dâm vẫn xảy ra nhiều, nhất là hiếp dâm trẻ em gây hậu quả nghiêm trọng. Trung bình 1 năm xảy ra 730 vụ, trong đó có 430 vụ hiếp dâm trẻ em.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Công tác tấn công trấn áp tội phạm được triển khai quyết liệt hơn, tỷ lệ điều tra khám phá án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90%; về cơ bản các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận đều được điều tra làm rõ.
Tội phạm hình sự theo Bộ trưởng là đã kiềm chế được sự gia tăng: 2016 số vụ phạm pháp hình sự giảm 4,23% so với năm 2015; năm 2017 giảm 3,02% so với năm 2016; 6 tháng đầu năm 2018 giảm 0,17% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tình hình đó, Bộ trưởng nhận định, công tác tấn công trấn áp tội phạm của các cơ quan bảo vệ pháp luật chưa đủ mạnh và còn nhiều bất cập, bố trí lực lượngđấu tranh phòng, chống tội phạm có một số điểm chưa hợp lý, nhất là các lực lượng trực tiếp chiến đấu ở địa bàn cơ sở chưa được tăng cường đủ mạnh, trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ, chiến sỹ chưa đáp ứng yêu cầu. Trang bị phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ chưa đáp ứng được tình hình thực tiễn; cơ sở vật chất và kinh phí phục vụ các mặt công tác, chiến đấu còn nhiều khó khăn...
Công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ còn mang tính hình thức, chưa có chiều sâu, hiệu quả chưa cao, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật còn nhiều bất cập, kỷ cương pháp luật chưa nghiêm; nhiều mâu thuẫn tích tụ trong nhân dân chưa được giải quyết kịp thời.
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn