Chưa thôn nào trùng chương trình đầu tư của 2 Bộ
Phiên chất vấn Bộ trưởng – Chủ nhiệm UB Dân tộc Đỗ Văn Chiến tại UB Thường vụ Quốc hội sáng 13/8 bắt đầu với câu hỏi của đại biểu Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội.
Ông Lợi nêu vấn đề, giảm nghèo bền vững là một trong những mục tiêu để đảm bảo sự phát triển bền vững và an sinh xã hội. Hiện tỷ lệ nghèo đói của vùng dân tộc thiểu số rất cao, cứ 3 hộ nghèo thì có 1 hộ dân tộc thiểu số. Thu nhập bình quân đầu người của vùng dân tộc thiểu số rất thấp so với mức thu nhập trung bình cả nước. Giải pháp nào khắc phục tình trạng này?
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến nhận xét, đây là câu hỏi chiến lược làm day dứt nhiều cấp lãnh đạo cũng như bản thân ông – người trực tiếp công tác trong lĩnh vực dân tộc thiểu số.
Bộ trưởng Chiến nêu những con số khái quát, hiện cả nước 1,46 triệu người nghèo thì hộ nghèo chiếm 52,66% (trên 800.000 hộ), thu nhập bình quân chỉ 7-8 triệu đồng/người/năm, so với mức 37 triệu đồng bình quân cả nước thì chỉ bằng 1/5.
Ông Chiến khẳng định, bản thân ông nắm vững tình hình này vì đã từng công tác tại 2 tỉnh miền núi. Ngay sau khi nhậm chức tháng 4/2016 ông đã tích cực tham mưu Thủ tướng để ban hành được chính sách đặc thù về đồng bào dân tộc miền núi để giải quyết 4 vấn đề: hỗ trợ đồng bào về đất ở, đất sản xuất, nước sạch và công cụ sản xuất.
Tuy vậy, Chủ nhiệm UB Dân tộc thừa nhận, hiệu quả cả các giải pháp vẫn chưa đạt được.
Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị - ông Chiến nhận định, trách nhiệm của UB Dân tộc là chính nên cần tiếp tục tham mưu và tháo gỡ.
Theo đó, ông đề ra 6 giải pháp: thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông giữa vùng núi, vùng dân tộc thiểu số với vùng phát triển; phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số và miền núi; tạo sinh kế cho đồng bào; ổn định dân cư (theo số liệu nắm được, riêng khu vực Tây Nguyên đã có gần 19.000 hộ cần ổn định, định cư); hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sạch; hỗ trợ khởi nghiệp, kết nối được thị trường sản xuất cho bà con; vận động thuyết phục bà con nỗ lực tự vươn lên.
Vấn đề lớn nhất, theo ông Chiến, đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần nhất là tích hợp các chính sách lại để làm thành một chương trình mục tiêu quốc gia về thúc đẩy giảm nghèo bền vững. Việc này giống như người bệnh cần uống kháng sinh, uống lẻ một vài viên thì không đủ liều, cần tổng lực hơn.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, thời gian qua Đảng, Chính phủ, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách về vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực tế những chính sách đó còn gì thiếu sót cần khắc phục, hoàn thiện?
Nói về vấn đề này, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến đề cập, có tình trạng đồng bào dựa dẫm và không muốn ra khỏi diện hộ nghèo. Các đại biểu đi tiếp xúc cử tri có thể thấy rõ việc này.
Các giải pháp được đề ra, theo ông Chiến, trước hết là cần nghiên cứu tích hợp các chính sách thành chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện trong 10 năm để đầu tư thỏa đáng; tăng vay ưu đãi, giảm cho không. Ông dẫn chứng, đến vùng Tây Nam Bộ thì thấy những người vay vốn thì phải tính toán lắm để còn làm ăn, trả nợ chứ nếu cho không thì hiệu quả không cao bằng.
Ngoài ra, Bộ trưởng gợi ý nguyên tắc hỗ trợ có điều kiện, ví dụ đầu tư xong thì 3 năm phải giảm nghèo, 5 năm phải thoát nghèo, như kinh nghiệm ở Quảng Ngãi.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nói, qua giám sát, khảo sát thấy các chính sách cho khu vực đồng bào dân tộc thiểu số chồng chéo, gây khó khăn cho việc quản lý, kém hiệu quả. Ông Nhưỡng dẫn chứng, riêng nước sạch có 4 chương trình.
Đáp lại câu hỏi này, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến dẫn nghị định 05 năm 2011 khẳng định, có 3 nhóm chính sách với đồng bào dân tộc thiểu số, do nhiều cơ quan, bộ ngành khác nhau chủ trì. Như vậy, việc có nhiều đầu mối quản lý chính sách dân tộc là đúng thực tế.
Nguyên nhân của việc này là vì đồng bào dân tộc thiểu số sống phân tán trên một địa bàn rộng lớn, đời sống cũng đầy đủ mọi mặt nên không có một bộ ngành nào có thể có đủ nhân lực, khả năng quản lý tất cả các mặt như vậy.
Người trả lời chất vấn thừa nhận, có những chính sách nhiều Bộ cùng đề xuất, ví dụ như UB Dân tộc đề xuất chương trình nước sạch, Bộ NN&PTNT cũng vậy. Tuy nhiên, đi thực tế, chưa có thôn nào có 2 chương trình do 2 bộ đầu tư cả nên sự hưởng lợi vẫn khác nhau chứ không phải trùng nhau.
Theo ông Chiến, cần có chương trình mục tiêu quốc gia giải quyết đời sống, phát triển cho 14 triệu đồng bào dân tộc thiểu số - những người sinh sống ở những địa bàn chiến lược, nhạy cảm. Nếu có chiến lược chung thì sẽ tránh được chồng chéo, trùng lắp.
“Tại sao tôi cứ tha thiết đề nghị một chương trình mục tiêu quốc gia vì Hiến pháp đã quy định rõ Quốc hội quyết định chính sách dân tộc thì nếu không ra được luật thì cũng cần có 1 văn bản thống nhất ở tầm quốc gia như vậy thì mới đủ sức mạnh thực hiện” – Chủ nhiệm UB Dân tộc giải thích.
Bộ trưởng dám cam kết về tính chân thực của tỷ lệ mù chữ?
Đại biểu Đinh Thị Phương Lan đặt vấn đề: Việc dồn ghép một số điểm trường khiến chất lượng giáo dục đào tạo ở khu vực này hạn chế. Trách nhiệm và giải pháp đối với vấn đề này?
Câu hỏi được chuyển cho Bộ trưởng Giáo dục – Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Ông Nhạ xác nhận tình trạng này diễn ra ở hầu hết các địa phương. Thời gian qua, nhà nước đã có thêm chính sách với cả học sinh nhầm non, giáo viên tích hợp, sinh viên cử tuyển… Tuy nhiên, khó khăn nhất với giáo dục các tỉnh miền núi là trang thiết bị. Chỉ khoảng 50% trường lớp ở các tỉnh như Kon Tum, Gia Lai được kiên cố hóa.
Tình trạng dồn ghép một số điểm trường khiến trường lớp xa hơn, một số học sinh đã bỏ học vì thế. Bộ Giáo dục đã yêu cầu vẫn đảm bảo giáo viên theo cơ số. 3 năm nay, số giáo viên mầm non ở các tỉnh miền núi không thay đổi.
Hiện tượng tái mù chữ ở người đồng bào dân tộc thiểu số là có. Bộ đề ra chương trình song ngữ về tiếng Việt và tiếng dân tộc.
“Những vấn đề đại biểu nêu phản ánh đúng thực trạng của giáo dục miền núi. Chúng tôi đang tham mưu để khắp phục tình trạng, đang phê duyệt chính sách kiên cố hóa trường lớp học nhắm tới những địa phương thuộc diện 30A” – ông Nhạ nói.
Bộ đã hướng dẫn việc dồn các điểm trường lẻ thành trường chính đồng thời khuyến khích các trường dân tộc nội trú, trong đó không chỉ khuyến khích các học sinh dân tộc thiểu số mà cả học sinh các dân tộc khác sống chung để cùng hòa nhập, giúp đỡ nhau.
Chính sách cử tuyển thì một thời gian như từ 2007 về trước thực hiện rất cao, chọn được nhiều nhân lực tốt nhưng gần đây chính sách này cho thấy hiệu quả hạn chế vì người cử đi học cũng chưa trúng, việc cử đi học cũng không phù hợp với thực tế yêu cầu công việc nên đi học về lại không có việc. Cử tuyển cũng khiến một số học sinh học giỏi thực sự, không thuộc diện cử tuyển về lại không có cơ hội.
Đại biểu Đinh Thị Phương Lan tranh luận lại, bà đề nghị Bộ trưởng cam kết về tính chân thực của tỷ lệ mù chữ. Bộ trưởng khẳng định đã xóa mù trên 90% nhưng thực tế nhiều vùng tỷ lệ này không thể đạt, như báo cáo mới nhất của Bộ KH-ĐT, tỷ lệ mù chữ lên tới 21%.
“Đúng là tỷ lệ mù chữ số lượng thống kê của chúng tôi là như vậy và 3 năm gần đây khảo sát thì tỷ lệ tái mù tăng lên nên nghi vấn đại biểu đặt ra là có thật và cần phải rà soát lại để nắm được con số chân thực hơn” – Bộ trưởng Nhạ thừa nhận.
Đại biểu Trần Văn Chiến (Vĩnh Phúc) đề cập trách nhiệm về việc con em đồng bào dân tộc thiểu số sau khi đào tạo về không có việc làm?
Câu hỏi được chuyển tới Bộ trưởng Lao động, Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung. Ông Dung cho biết, theo kết quả điều tra vừa qua, cả nước hiện có hơn 300.000 thanh niên nông thôn thiếu việc làm, trong đó tỷ lệ ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số cao cấp 3,3 lần mức chung của cả nước.
Hiện có 116 chính sách khác nhau trong đó có chính sách hỗ trợ thanh niên nông thôn, dân tộc thiểu số học nghề. Kết quả trong 2 năm qua đã thực hiện được, theo Bộ trưởng là đáng ghi nhận. Tỷ lệ đầu tư cho nông thôn mới gấp tới 4 lần đầu tư chung. Chương trình 2085, 2086 vừa được Chính phủ quyết định đầu tư thêm, sẽ mang lại hiệu quả cải thiện cho khu vực này.
Giải pháp khác Bộ trưởng đề cập là kết nối doanh nghiệp với các khu vực này, đào tạo theo đặt hàng, ví dụ như mô hình của Samsung ở Bắc Ninh.
Ngoài ra, ông Dung cũng chú trọng việc xuất khẩu lao động cho khu vực khó khăn. Có một vấn đề là đồng bào thanh niên dân tộc thiểu số phía Bắc, việc thực hiện có nhiều khó khăn, cần đào tạo dài hơn, chương trình đơn giản hơn, chọn lọc ngành nghề phù hợp hơn.
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn