Ngày 12/12, UBND TPHCM tổ chức sơ kết thực hiện Chỉ thị số 23 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Xây dựng TP Lê Hòa Bình cho biết sau hơn bốn tháng (tháng 7, 8, 9, 10) thực hiện chỉ thị số 23, tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP có chuyển biến tích cực.
Cụ thể, trên địa bàn có 804 công trình vi phạm trật tự xây dựng (sai phép 309 công trình và không phép 495 công trình), bình quân 5,4 vụ/ngày. Nếu so sánh với bình quân 6 tháng đầu năm thì giảm 3,1 vụ/ngày.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Xây dựng TP, mặc dù tình hình vi phạm trật tự xây dựng có xu hướng giảm nhưng việc xử lý các công trình vi phạm còn tồn đọng trước đây vẫn chưa được xử lý dứt điểm, tỷ lệ thực hiện chưa cao.
Về việc này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, phải rà soát lại các dự án tại các quận, huyện để xem tổ chức, cá nhân sai phạm như thế nào để xử lý phù hợp.
Đối với các dự án chung cư mà chủ đầu tư vẫn thế chấp ở ngân hàng khiến người dân chưa được nhận giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ, ông Hoan cho biết phải rà soát, phân loại để xử lý, cấp giấy chứng nhận cho người dân.
"Muốn làm được thì phải đưa ra tiêu chí, giải pháp cụ thể. Sở Tài nguyên và Môi trường cùng Sở Xây dựng tổng hợp trình giải pháp tháo gỡ trên cơ sở vi phạm trước đây của doanh nghiệp, để đảm bảo thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, đồng thời không để người dân gặp khó khăn khi đã mua sản phẩm bị lỗi", ông Hoan nói.
Theo ông Hoan, tình trạng người dân không được cấp giấy chứng nhận khi mua chung cư có lỗi của 4 bên liên quan. Nhưng lỗi cơ bản nhất và trách nhiệm cao nhất là chủ đầu tư, sau đó là ngân hàng, người dân và cuối cùng là Nhà nước.
"Nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì cũng phải tìm cách giải quyết cho người dân tốt nhất. Chủ đầu tư, nhà băng phải chịu trách nhiệm những sai phạm đó. Đừng để ngân hàng đứng ngoài cuộc. Anh kiểm soát nguồn vốn, đưa tiền ra, thu tiền vào phải kiểm soát chứ, anh đâu mơ hồ mức độ vậy? Phải chăng anh bắt tay nhau để người dân khổ không?", ông Hoan nói.
Ông Hoan cũng nhấn mạnh rằng, xử lý những sai phạm cũng phải căn cứ pháp luật, từng thời điểm để xử lý, xem sai phạm lớn hay nhỏ và tác động đến người dân, xã hội thế nào... "Nói như vậy để nhà đầu tư đừng nghĩ rằng thành phố xử lý là để hợp thức hóa những sai phạm", ông Hoan nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền thành phố để lập lại trật tự xây dựng. Theo ông, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu mới có điều kiện lập lại trật tự xây dựng.
"Cán bộ, đảng viên phải bức xúc với những bức xúc của người dân để cùng suy nghĩ giải quyết. Nếu người dân có nhu cầu nhà ở chính đáng mà chính ta chưa đáp ứng được thì phải suy nghĩ làm thế nào đáp ứng cái này", ông Nhân nhấn mạnh.
Người đứng đầu Đảng bộ cũng nhấn mạnh công tác phối hợp của lực lượng thanh tra xây dựng địa bàn với chính quyền địa phương và vai trò của các cấp ủy.
Thời gian qua, quận Thủ Đức dẫn đầu về sai phạm trật tự xây dựng và có 3 quận, huyện tăng số vụ sai phạm. Ông cho rằng công tác quản lý, kiểm tra công trình xây dựng cần làm tốt hơn để bước sang năm 2020 không còn quận, huyện nào tăng số vụ sai phạm xây dựng so với năm 2019.
Bên cạnh đó, về quản lý Nhà nước phải rà soát, các sở ngành cần kiến nghị để củng cố quy định pháp luật chặt chẽ hơn.
Quốc Anh
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn