75 năm chặng đường Cứu quốc, xây dựng khối “Đại đoàn kết” dân tộc

Chủ nhật - 08/01/2017 10:57
Sáng 6/1, tại Hà Nội, UB Trung ương MTTQ Việt Nam long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 75 năm ngày phát hành số báo Cứu Quốc đầu tiên, tiền thân của Báo Đại Đoàn Kết (25/1/1942 – 25/1/2017).

 

 Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận những đóng góp lớn của báo Đại đoàn kết trong sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận những đóng góp lớn của báo Đại đoàn kết trong sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc.

 

 

Dự lễ kỷ niệm có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, đại diện các cơ quan ban ngành T.Ư, địa phương và các thế hệ lãnh đạo, nhà báo, phóng viên của báo Cứu Quốc - Giải Phóng - Đại Đoàn Kết.

Điểm lại quá trình hình thành và phát triển của báo Cứu Quốc - Giải Phóng - Đại Đoàn Kết, ông Hồng Thanh Quang - Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết cho biết, báo Cứu Quốc, cơ quan tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh đã ra số đầu tiên vào ngày 25/1/1942 theo Nghị quyết của Hội nghị Xứ ủy Bắc Kỳ. Tòa soạn lúc ấy chỉ có 3 người, trong đó gồm Tổng Bí thư Trường Chinh là Chủ nhiệm kiêm Chủ bút.

Tổng Bí thư Trường Chinh cũng là người đã trực tiếp viết bài và phụ trách báo từ năm 1942 - 1944. Cho tới Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, trong điều kiện hoạt động bí mật, gian khổ và thiếu thốn mọi bề, báo Cứu Quốc chỉ ra được 30 số, nhưng đã có đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, báo chuyển về Hà Nội và trở thành tờ nhật báo lớn nhất nước thời ấy. Cứu Quốc là tờ báo đầu tiên có vinh dự được đăng những bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau Cách mạng. Kể từ năm 1945 - 1955, Bác Hồ đã viết và đăng trên báo Cứu Quốc khoảng 400 bài với nhiều bút danh khác nhau.

Đầu năm 1964, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cử một đoàn cán bộ của báo Cứu Quốc làm nòng cốt để thành lập báo Giải Phóng, cơ quan T.Ư của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam. Ngày 22/4/1964, báo Giải Phóng với 5 trang khổ lớn, in 2 màu đã xuất hiện trong vùng giải phóng miền Nam, vùng ven và đưa vào nội đô, sang Phnompenh và ra miền Bắc.

Đầu năm 1977, báo Cứu Quốc hợp nhất với báo Giải Phóng lấy tên là báo Đại Đoàn Kết, xuất bản số đầu tiên vào ngày 6/2/1977. Ngày 1/1/2012, báo Đại Đoàn Kết trở thành nhật báo. Từ năm 2014, ấn phẩm Tinh Hoa Việt bộ mới đã phát hành 2 kỳ mỗi tháng với những đổi mới căn bản về nội dung và hình thức. Tháng 6/2015, báo Đại Đoàn Kết điện tử chính thức khai trương...

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, từ Cứu Quốc - Giải Phóng đến Đại Đoàn Kết, tờ báo đã trải qua nhiều thời kỳ với những tên gọi riêng nhưng vẫn luôn giữ vị trí tiên phong trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, trong tiến trình dân chủ hóa và đổi mới đất nước. Báo đã luôn đồng hành chặt chẽ với sự phát triển của đất nước và của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị báo Đại Đoàn Kết cần tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, nêu cao ý thức và trách nhiệm chính trị, làm tròn trách nhiệm là người tiên phong, là công cụ truyền thông trực tiếp, hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc xây dựng, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

P.Thảo

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây