Vũ khí bí mật “ngăn” béo phì của Nhật Bản

Thứ ba - 15/10/2019 12:08
(Dân trí) - Nhật Bản đang đi đầu trong khối các nước phát triển về chăm lo dinh dưỡng của trẻ em - đó là có một chế độ ăn giàu dinh dưỡng nhưng tỉ lệ béo phì lại rất thấp. Chìa khóa của thành tựu này chính là các bữa ăn trưa học đường. >>
Vũ khí bí mật “ngăn” béo phì của Nhật Bản

(Ảnh minh họa: Stuff)

Báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (Unicef) công bố ngày 15/10 cho thấy: Nhật Bản đứng đầu bảng về các chỉ số sức khỏe trẻ em, với tỉ lệ tử vong sơ sinh thấp và ít trẻ nhẹ cân. Đặc biệt, tỉ lệ trẻ béo phì cũng thấp nhất trong số 41 nước phát triển thuộc tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế và Liên minh châu Âu.

Các chuyên gia cho rằng có nhiều yếu tố tạo nên kết quả trên như xã hội có ý thức cao về sức khỏe, bắt buộc kiểm tra sức khỏe trẻ em định kỳ, nhưng chương trình quốc gia bữa trưa học đường mới đóng vai trò chủ đạo.

“Bữa trưa học đường với các thực đơn do chính các chuyên gia dinh dưỡng xây dựng cho các trường tiểu học và phần lớn các trường trung học cơ sở trên toàn quốc”, ông Mitsuhiko Hara, chuyên gia dinh dưỡng và là giáo sư tại trường ĐH Tokyo Kasei Gakuin, cho biết.

Các bữa trưa này là bắt buộc - trẻ không được mang đồ ăn trưa đến trường - nhưng không miễn phí mà chỉ được hỗ trợ phần lớn. Mỗi bữa ăn sẽ được xây dựng với các nhóm tinh bột - đường, thịt hay cá và rau, đảm bảo đủ 600-700 calo.

Ví dụ, một bữa ăn mẫu cho trẻ em trường Gunma ở Nhật Bản gồm: cơm với cá nướng, rau chân vịt và rau mầm, ăn kèm với súp miso và thịt lợn, tráng miệng là sữa và mứt mận.

“Bữa trưa học đường được xây dựng theo hướng bù đắp những thiếu hụt dinh dưỡng trong các bữa ăn ở nhà”, bà Mayumi Ueda, quan chức của Bộ Giáo dục Nhật Bản, cho biết. “Tôi nghĩ rằng nó góp phần quan trọng trong việc cân bằng dinh dưỡng cho trẻ”.

Không giống hệ thống căng-tin trường học ở một số nước phương Tây, bữa trưa học đường ở Nhật sẽ được tổ chức ngay tại lớp học. Học sinh sẽ được phân công lần lượt trong việc dọn thức ăn và làm vệ sinh lớp học sau khi ăn.

Không có sự lựa chọn, không có chế độ riêng cho học sinh ăn chay hay bất kỳ tôn giáo nào… bởi số lượng các nhóm này rất ít.

Không chỉ để ăn mà còn là để dạy dỗ trẻ

“Cũng có một chương trình phát thanh tại trường giải thích về các thực phẩm có trong bữa trưa trẻ vừa ăn. Và đây là cách giáo dục trẻ rất tốt”, ông Hara cho biết.

Ở các trường tiểu học, các học sinh sẽ đặt các miếng nam châm có hình ảnh thực phẩm vào các vị trí khác nhau trên bảng nhằm học cách phân loại đâu là thực phẩm giàu protein, đâu là thực phẩm giàu chất bột đường.

“Bữa trưa học đường là một phần của chương trình học. Theo đó, trẻ không chỉ học cách ăn mà còn học cách tự phục vụ và tự dọn dẹp”, bà Ueda nói.

Chính phủ Nhật Bản thường xuyên nghiên cứu về dinh dưỡng, thói quen ăn uống và sử dụng các kết quả này để đưa vào ứng dụng trong các bữa ăn học đường.

Các bữa trưa học đường ở Nhật đã được bắt đầu từ đầu năm 1889, với cơm nắm và cá nướng cho trẻ nghèo ở vùng bắc Yamagata.

Chương trình này đã được mở rộng sau khi Chiến tranh Thế giới thứ 2 kết thúc nhằm giải quyết nạn đói và tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng.

Theo ông Hara, có những yếu tố khác tạo ra các chỉ số hàng đầu về sức khỏe của trẻ em Nhật.

“Đó là bởi vì người Nhật rất có ý thức sức khỏe, họ luôn cố gắng ăn nhiều loại thực phẩm và tốt cho sức khỏe”.

“Và chúng tôi được dạy cách ăn thực phẩm theo mùa, một yếu tố góp phần tạo sức khỏe tốt. Nhật Bản là một trong những quốc gia hiếm hoi chú ý đến thực phẩm theo từng mùa cụ thể”, ông Hara giải thích.

Điều đó đã tạo ra những con số ấn tượng trong báo cáo: Nhật Bản là quốc gia đứng đầu thế giới về tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh thấp nhất, tỉ lệ trẻ 5-19 tuổi thừa cân, béo phì chỉ là 14,42%, thấp hơn nhiều so với hầu hết các nước phát triển khác như Mỹ (41,86% trẻ béo phì), Italia (36,87%) và Pháp (30,09%).

Ông Hara cho biết 1 yếu tố khác ở Nhật Bản góp phần vào các chỉ số trên là việc bắt buộc kiểm tra sức khỏe định kỳ với mọi trẻ em. Ngay khi lọt lòng đến tuổi đi học, trẻ đều được khám sức khỏe định kỳ, bao gồm cả đo chiều cao, cân nặng.

Tuy nhiên, hiện Nhật Bản vẫn chưa thực sự thoát được xu hướng tăng cân và béo phì ở trẻ nhỏ và tỉ lệ này thường gặp ở những gia đình ít dư giả.

“Trẻ sinh ra ở những gia đình nghèo thường thừa cân béo phì vì gia đình cắt giảm chi phí với bữa ăn giảm protein, tăng tinh bột và đường - thủ phạm gây béo phì”, ông Hara phân tích.

Do đó, bữa trưa học đường càng quan trọng hơn với những trẻ này. “Bữa trưa học đường giàu dinh dưỡng… chính là một điểm cộng cho trẻ em nghèo”, ông Hara bày tỏ.

Nhân Hà

Theo SCMP

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây