“Không thể đưa vấn đề Crimea ra thảo luận dưới bất kỳ hình thức nào, dù là Normandy hay hình thức nào khác. Vấn đề này không thể được xem xét và lý do cũng đã quá rõ ràng. Bất kỳ cuộc thảo luận nào dưới bất kỳ hình thức nào cũng không thể xảy ra”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên hôm nay 14/10.
Bình luận của ông Peskov được đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky tuần trước đã đề cập tới việc thảo luận vấn đề Crimea tại hội nghị thượng đỉnh của Bộ tứ Normandy.
Bộ tứ Normandy là một nhóm ngoại giao gồm các đại diện của Đức, Nga, Ukraine và Pháp. Một trong những mục tiêu của nhóm là giải quyết cuộc xung đột tại đông Ukraine.
Người phát ngôn Dmitry Peskov cho biết Điện Kremlin đã quen với những tuyên bố của Tổng thống Zelensky, bao gồm tuyên bố về việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại đông nam Ukraine cũng như thỏa thuận Minsk.
“Chúng tôi không thể dành quá nhiều thời gian để theo dõi toàn bộ cuộc trao đổi của ông ấy với các đại diện truyền thông. Nhưng những tuyên bố quan trọng của ông ấy đã được đọc và báo cáo lên Tổng thống (Vladimir) Putin”, ông Peskov cho biết thêm.
Tổng thống Zelensky ngày 11/10 đã tổ chức cuộc họp báo kéo dài 14 giờ tại thủ đô Kiev. Trong cuộc họp báo, nhà lãnh đạo Ukraine cho biết ông mong muốn tổ chức cuộc họp của Bộ tứ Normandy vào tháng 11, đồng thời thông báo kế hoạch thảo luận về vấn đề Crimea tại cuộc họp này.
Ông Zelensky hồi tháng 9 cho biết ông đã đề cập tới vấn đề Crimea trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York. Theo ông Zelensky, ông Trump đã hứa sẽ hỗ trợ Ukraine “lấy lại” bán đảo Crimea.
Trước đó, phát biểu tại Diễn đàn Chiến lược châu Âu Yalta ở Kiev ngày 13/9, ông Zelensky tuyên bố “sẽ đấu tranh để giành lại Crimea”, và “không chỉ bằng lời nói suông”.
Hồi tháng 5, Tổng thống Zelensky cũng tuyên bố Ukraine sẽ giành lại Crimea dù chặng đường để đạt được mục tiêu này không đơn giản. Ông Zelensky dự kiến sẽ đưa ra đề xuất trên nếu có cơ hội gặp Tổng thống Vladimir Putin.
Khi còn là ứng viên tranh cử tổng thống, ông Zelensky, một diễn viên hài nổi tiếng của Ukraine, từng để ngỏ ý định yêu cầu Nga trả lại các vùng lãnh thổ mà ông cho là Nga đã chiếm của Ukraine, đồng thời đòi Moscow trả tiền bồi thường cho Kiev.
Sau cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2014 tại Crimea, Nga đã sáp nhập bán đảo này vào lãnh thổ, trong khi chính quyền Ukraine và một số nước phương Tây không công nhận điều này. Vào thời điểm đó, 96,7% người Crimea đã chọn tách rời khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga.
Nga khẳng định việc sáp nhập Crimea tuân thủ luật pháp quốc tế và hiến chương Liên Hợp Quốc, dựa trên nguyện vọng của người dân Crimea.
Thành Đạt
Theo Tass
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn