Việt Nam trúng cử Hội đồng Bảo an: Vinh dự lớn, trách nhiệm nặng nề

Thứ bảy - 08/06/2019 18:10
Truyền thông quốc tế có nhiều bài viết đăng tải về vai trò và trách nhiệm của Việt Nam khi trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an. >> >> >>

Ngày 7/6/2019 đánh dấu một bước ngoặt nữa trong lịch sử chính trị ngoại giao khi Việt Nam chính thức trở thành ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Gửi lời chúc mừng tới Việt Nam, giới chức ngoại giao, học giả và chuyên gia quốc tế cũng bày tỏ kỳ vọng vào những đóng góp tích cực của Việt Nam cho cộng đồng quốc tế trong nhiệm kỳ sắp tới.

Việt Nam trúng cử Hội đồng Bảo an: Vinh dự lớn, trách nhiệm nặng nề

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung phát biểu tại Trụ sở Liên Hợp Quốc sau khi Việt Nam trúng cử.

Đây là lần thứ 2 Việt Nam nhận được sự ủng hộ của các quốc gia, vùng lãnh thổ thành viên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc để đảm nhận trọng trách này. Với kết quả cao hơn cả mong đợi, việc Việt Nam được bầu trở thành ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là kết quả của một chiến lược toàn diện và bài bản. Tuy nhiên, sự ủng hộ gần như tuyệt đối của cộng đồng quốc tế với số phiếu áp đảo là minh chứng rõ ràng nhất cho những đóng góp tích cực, thực chất, có trách nhiệm của Việt Nam đối với Liên hợp quốc nói chung và Hội đồng Bảo an nói riêng.

Trả lời phóng viên Đài TNVN thường trú tai Liên bang Nga, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga, PGS,Tiến sĩ  khoa học Vladimir Mazyrin cho rằng: “Thứ nhất tôi nghĩ rằng Việt Nam hoàn toàn xứng đáng với vinh dự  này, bởi vì đã có một nhiệm kỳ ở vị trí này và hoạt động rất thành công. Thứ hai, điều này hoàn toàn xứng đáng, bởi vì vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế thường xuyên tăng lên. Vì vậy, tôi thực sự không nghi ngờ rằng, Việt Nam trúng cử lần hai và sẽ làm việc hiệu quả. 

Những vấn đề trọng yếu Việt Nam đặt ưu tiên giải quyết trong nhiệm kỳ của mình là ngăn chặn xung đột, tăng cường ngoại giao phòng ngừa, giải quyết xung đột thông qua các biện pháp hòa bình, đồng thời tăng cường chủ nghĩa đa phương, củng cố phát triển bền vững, đấu tranh chống biến đổi khí hậu và cải thiện quyền con người. Bà Shamala Kandiah Thomson, Phó giám đốc điều hành Tổ chức báo cáo của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc đánh giá cao chương trình hành động của Việt Nam khi vận động trước bầu cử, đáp ứng nguyện vọng của quốc tế.

“Tôi nghĩ khi Việt Nam được lựa chọn là Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ có vai trò hiệu quả. Các bạn không cần phải là một nước lớn mới có thể đóng vai trò hiệu quả, mà Việt Nam đã có một đội ngũ chuẩn bị,  phối hợp tốt không chỉ tại Liên Hợp Quốc mà còn ở Việt Nam. Việt Nam đã đề ra trong chương trình hành động ưu tiên rõ ràng khi vận động trước bầu cử và đó cũng là một trong những lý do khiến Việt Nam được quốc tế ủng hộ và bầu chọn vào Hội đồng bảo an” .

Với trách nhiệm kép Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2020, Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ gắn kết được những vấn đề của khu vực vào chương trình nghị sự của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc nhằm thúc đẩy sự ổn định, hòa bình và phát triển bền vững cho khu vực,  đồng thời giúp Liên Hợp Quốc hiểu rõ hơn khu vực này.  Đại sứ Nhật Bản tại Liên Hợp Quốc  Koro Bessho trông đợi Việt Nam sẽ giúp chuyển tải được quan điểm của khu vực châu Á tới các chương trình nghị sự của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. Người đứng đầu phái bộ thường trực Thụy Điển tại Liên hợp quốc Olof Skoog cho rằng, với kinh nghiệm hợp tác hiệu quả với các nước thành viên khác trong nhiệm kì đầu tiên, với nhiệm kì thứ 2, Việt Nam sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các thách thức lớn của thế giới:

“Một nước đảm nhận vị trí thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an hiện cũng đối mặt với nhiều thách thức lớn như  sự chia rẽ chính trị giữa các nước lớn tại Hội đồng bảo an hay bảo vệ quyền của người dân được nhận hỗ trợ nhân đạo. Tôi nghĩ đây là những lĩnh vực mà các nước được lựa chọn là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo Liên Hợp Quốc như Việt Nam có thể đóng vai trò quan trọng. Tôi nghĩ đây là một trong những lĩnh vực mà Việt Nam được chờ đợi thể hiện vai trò cũng như sự tín nhiệm của mình với tư cách là ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”.

Truyền thông quốc tế cũng có nhiều bài viết đăng tải về vai trò và trách nhiệm của Việt Nam khi trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Tờ Washington Times có bài viết nhận định: "Tầm quan trọng của Việt Nam đối với an ninh quốc tế đã tăng lên đáng kể sau Hội nghị cấp cao Diễn đàn kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại Đà Nẵng. Và Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên mà Việt Nam là nước chủ nhà đã củng cố uy tín của Việt Nam với tư cách nước hòa giải.

Là ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Việt Nam sẵn sàng sử dụng các kỹ năng ngoại giao mềm và cam kết hội nhập quốc tế". Tờ Hoa Nam Buổi sáng cũng đăng bài viết nhấn mạnh những ưu tiên khi Việt Nam trúng cử ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021. Báo này nhấn mạnh, là một quốc gia đã từng trải qua những mất mát của chiến tranh, với việc trúng cử lần này Việt Nam sẽ tiếp tục theo đuổi các chính sách ủng hộ hòa bình và không phổ biến vũ khí.

Trở thành ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an là cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức mới cho Việt Nam. Tuy nhiên với những kinh nghiệm đã có từ nhiệm kỳ 2008-2009, cộng với sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và quyết tâm của mình, Việt Nam, ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021, hoàn toàn có đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc tế mới, đáp ứng kỳ vọng của tất cả các nước đã ủng hộ và bỏ phiếu cho mình.

Theo Phạm Hà

VOV1

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây