Toàn cảnh buổi Hội thảo. (Ảnh: Quang Vinh/Vietnam+)
Tham dự có các học giả, chuyên gia nghiên cứu đầu ngành về khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng đến từ nhiều Viện, trường đại học, các Trung tâm nghiên cứu Chính trị của Liên bang Nga cùng đông đảo đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí của Liên bang Nga và Việt Nam.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã cùng thảo luận một cách toàn diện các khía cạnh trong quan hệ Nga-Việt Nam, từ hợp tác chính trị, kinh tế, khoa học quân sự cho tới những yếu tố đang ảnh hưởng tới quan hệ hai nước, để từ đó đóng góp những ý kiến thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga.
Phát biểu tại hội thảo, ông Evgheny Kobelev, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị cao cấp của Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho biết mối quan hệ Nga-Việt Nam là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại hướng châu Á của Liên bang Nga.
Điều này đã được đề cập rõ ràng trong Học thuyết chính sách đối ngoại của Liên bang Nga đề ra tháng 5/2012: “Việt Nam là một trong 3 đối tác chiến lược quan trọng nhất (cùng với Trung Quốc và Ấn Độ) của Liên bang Nga ở châu Á”.
Theo ông Kobelev, mối quan hệ đối tác chiến lược Nga-Việt Nam dễ dàng nhận thấy nhất là trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao. Hai nước luôn có những quan điểm đồng nhất trong nhiều vấn đề thời sự quốc tế, đặc biệt là trong hợp tác ở Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương.
Về hợp tác kinh tế, ông Vladimir Mazyrin, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga nhận định trong vài thập kỷ trở lại đây vị thế của Nga trong nền kinh tế Việt Nam đang giảm đi đáng kể, xuất phát từ các nguyên nhân khách quan như sự tham gia ngày càng nhiều của các cường quốc vào nền kinh tế Việt Nam hay như việc phương Tây áp đặt các lệnh bao vây cấm vận nền kinh tế Nga.
Trong bối cảnh như vậy, theo ông Mazyrin, giữa hai nước vẫn tồn tại những yếu tố thuận lợi cho hợp tác kinh tế.
Thứ nhất, Nga và Việt Nam là hai nhà sản xuất và xuất khẩu ngũ cốc dẫn đầu thế giới. Với tốc độ tăng trưởng dân số trên thế giới như hiện nay, an ninh lương thực sẽ là vấn đề khó giải quyết trong thời gian tới.
Vấn đề đặt ra là Nga, Việt Nam cùng với các nước đang phát triển phải xây dựng được một Liên minh ngũ cốc đề từ đó bảo vệ lợi ích của các thành viên.
Thứ hai, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh kinh tế Á-Âu có hiệu lực kể từ tháng 10/2016 là động lực đáng kể thúc đẩy tăng trưởng thương mại và đầu tư hai nước.
Theo kế hoạch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân, cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ bắt đầu chuyến thăm chính thức Nga từ ngày 28/6 đến 1/7, sau khi kết thúc chuyến thăm chính thức Cộng hòa Belarus.
Tác giả: Theo TTXVN/VIETNAM+
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn