Trong khi đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, Mỹ trong hơn một tuần qua đã đối mặt với khó khăn khác. Đó là các vụ bạo động đang lan rộng khắp các thành phố, các bang sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd. Floyd hôm 25/5 sau khi bị một cảnh sát da trắng ghì đầu gối lên cổ và tử vong sau đó.
Ngoài những người xuống đường biểu tình ôn hòa, căng thẳng đã bùng phát trở thành bạo động tại một số khu vực. Hoạt động cướp bóc, đập phá làm dấy lên lo ngại về tình hình an ninh của Mỹ. Trước tình hình căng thẳng gia tăng, Tổng thống Trump cảnh báo triển khai quân đội để dẹp các cuộc biểu tình bạo loạn hiện đã bước sang ngày thứ 9 và lan rộng khắp nước Mỹ.
Tuyên bố trên đã vấp phải những sự phản đối, cũng như chỉ trích từ các quan chức và tướng quân đội.
Tối 3/6, cựu tướng 4 sao - cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho rằng ông Trump “không nỗ lực trong việc đoàn kết người Mỹ” và “cố gắng chia rẽ chúng ta”. Đây là lần lên tiếng công khai hiếm hoi của ông Mattis kể từ khi từ chức năm 2018.
Vào cùng ngày, tướng về hưu John Allen, cựu chỉ huy lực lượng Mỹ ở Afghanistan, đã chỉ trích ông Trump thông qua một bài bình luận đăng trên tạp chí Foreign Policy. Ông Allen chỉ trích việc đặc nhiệm Mỹ xịt hơi cay vào đám đông biểu tình ở quảng trường Lafayette để mở đường cho ông Trump tới thăm nhà thờ St. John's gần Nhà Trắng.
Theo giới quan sát, những lời chỉ trích nhằm vào ông Trump từ các cựu tướng cấp cao Mattis và Allen được xem là mở ra một “mặt trận” chống lại ông Trump từ giới tinh hoa của Mỹ.
Cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mike Mullen cũng cảm thấy bị buộc phải lên tiếng khi họ nhận thấy các giá trị cốt lõi của Mỹ bị đe dọa bởi người lãnh đạo.
Ngoài sự chỉ trích từ các cựu tướng cấp cao, ông Trump cũng đang căng thẳng với Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper - người công khai phản đối ông Trump kích hoạt Đạo luật chống bạo loạn nhằm huy động quân đội dẹp loạn.
Những người tiền nhiệm còn sống của ông Trump như các cựu Tổng thống Barack Obama, George W. Bush và Bill Clinton cũng đã lên tiếng trực tiếp hoặc gián tiếp kêu gọi chính quyền cần làm nhiều hơn nữa để chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc tại Mỹ.
Cựu Tổng thống Jimmy Carter hôm 3/6 cho rằng: “Im lặng (trước nạn phân biệt chủng tộc) cũng nguy hiểm như bạo lực” và nhấn mạnh những người có quyền lực, đặc quyền và có lương tâm đạo đức phải chống lại bất công sắc tộc.
Giới quan sát cho rằng, dường như chưa có một tổng thống nào trong lịch sử Mỹ phải đối mặt với sự phản đối từ người tiền nhiệm và những nhân vật tinh hoa từ cả 2 đảng nhiều như ông Trump.
Ông đang đối mặt với áp lực dồn dập từ nhiều phía trong bối cảnh cuộc bầu cử chỉ còn 5 tháng nữa sẽ diễn ra.
Tuy nhiên, ông Trump vẫn thể hiện quan điểm cứng rắn trước những chỉ trích. Ngày 3/6, ông cáo buộc những người đứng sau tình trạng bạo loạn trên cả nước là “kẻ cướp”, “khủng bố”.
Đức Hoàng
Tổng hợp
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn