Việt Nam là chủ nhà của APEC 2017 (Ảnh: EPA)
Theo Bangkok Post, Hội nghị Cấp cao APEC 2017 diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động nhanh chóng, đặc biệt là sự phát triển vượt bậc của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Vì vậy, APEC 2017 có tầm quan trọng nổi bật cả về mặt kinh tế và chiến lược. Bài báo chỉ ra rằng, Việt Nam, với tư cách là nước chủ nhà, đã chuẩn bị cho sự kiện này trong suốt 2 năm qua với 4 mục tiêu chính.
Thứ nhất, trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy và xu thế bảo hộ mậu dịch đang gia tăng, Việt Nam phải nắm bắt cơ hội để cùng lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC thúc đẩy tiến trình hợp tác hiệu quả hơn. Cụ thể, APEC 2017 cần xây dựng được những nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững, toàn diện và công bằng trên toàn cầu.
Thứ hai, các nỗ lực nhằm giảm bớt những rào cản thương mại và tăng cường tự do đầu tư phải được tiếp tục, trong bối cảnh APEC đang tiến vào thập kỷ thứ 4 của sự phát triển. Mặc dù vậy, vẫn còn một số thách thức cần được giải quyết như vấn đề sở hữu trí tuệ và mở rộng thương mại điện tử.
Thứ ba, để duy trì tăng trưởng kinh tế, Việt Nam phải thúc đẩy hơn nữa thương mại song phương nhằm mở rộng xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Việt Nam hiện đã nằm trong những mạng lưới thương mại tự do lớn nhất trong ASEAN với 17 thỏa thuận thương mại tự do.
Cuối cùng, Đà Nẵng được xem là thành phố cảng nổi tiếng nhất của Việt Nam và trong tương lai thành phố này sẽ là điểm kết nối Đông Nam Á với phần còn lại của thế giới. Bên cạnh việc hợp tác kinh tế, Hội nghị Cấp cao APEC 2017 cũng đem lại một cơ hội có hiếm có để Việt Nam tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực với các nước lớn. Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tới Đà Nẵng để tham dự sự kiện này và đây là cơ hội để Việt Nam thể hiện sự tinh tế về mặt ngoại giao, vốn đã được quốc tế ghi nhận.
Bangkok Post cũng nhận định rằng Việt Nam sẽ tận dụng Hội nghị Cấp cao APEC lần này để hối thúc Washington đưa ra một lập trường rõ ràng hơn về đầu tư và tự do hóa thương mại. Kể từ khi lên nắm quyền, ông Trump đã gửi đi những thông điệp trái ngược về cách thức mà Mỹ cam kết với các nền kinh tế khác. Đặc biệt tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một đòn giáng mạnh nhất vào chính sách tự do thương mại của Mỹ, gây ra các đồn đoán về một tương lai có xu hướng bảo hộ.
Theo Bangkok Post, hội nghị APEC lần này sẽ là dịp để Việt Nam thúc đẩy đàm phán giữa 11 nước còn lại trong TPP để tìm kiếm các cam kết nhằm duy trì thỏa thuận này ngay cả khi không có sự tham gia của Mỹ, và thậm chí để ngỏ cánh cửa cho Washington có thể quay lại TPP.
Bài viết kết luận thành công của Hội nghị Cấp cao APEC 2017 sẽ tăng cường hơn nữa vai trò dẫn đầu của Việt Nam trong Hội nghị Cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) diễn ra sau đó. Hiện Việt Nam đang chuẩn bị cho chức Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, nhằm đảm bảo rằng khối này sẽ phối hợp tăng cường vai trò chủ chốt của ASEAN và các mối quan hệ với bên ngoài, cũng như xây dựng cộng đồng bằng cách thu hẹp khoảng cách giữa các thành viên cũ và mới của ASEAN.
Tác giả: Nhật Minh
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn