Hầm đường sắt dưới biển có thể bắt đầu từ Pingtan, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. (Ảnh minh họa: AFP)
Nếu được triển khai, các đoàn tàu có thể chạy trong đường hầm dưới biển dài 135km này với vận tốc 250km/h vào năm 2030. Theo nguồn tin của SCMP, dự án có thể ngốn tới hàng tỷ USD.
Hầm đường sắt này bắt đầu từ khu tự do thương mại trọng điểm Pingtan ở tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc), chạy sâu gần 200m qua các tầng đá và chạy đến điểm cuối ở Hsinchu, một thành phố duyên hải gần Đài Bắc.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu sẽ phải tính đến việc xây dựng hai đảo nhân tạo để thiết kế nhà ga trung gian nhằm cung cấp khí cho hệ thống hầm.
Hệ thống trên có chiều dài gấp khoảng 3,5 lần so với hệ thống hầm đường sắt Channel hiện được coi là dài nhất thế giới nối liền giữa Pháp và Anh (khoảng 38km). Hầm này dự kiến có đường kính 10m, lớn hơn của đường hầm Channel. Thiết kế đường hầm với đường kính lớn hơn cho phép các tàu di chuyển nhanh hơn và có thể vận chuyển hàng hóa đa dạng hơn.
"Đây sẽ là một trong các dự án xây dựng dân sự lớn nhất và cũng thách thức nhất trong thế kỷ 21", SCMP dẫn lời một nhà khoa học thuộc chính phủ Trung Quốc cho biết.
Một trong những trở ngại của dự án là căng thẳng chính trị leo thang giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cho rằng, Bắc Kinh có thể sẽ đơn phương triển khai dự án này.
Ngoài thách thức về chính trị, dự án này cũng sẽ là thử thách cho các doanh nghiệp của Trung Quốc, giới phân tích nhận định.
Ý tưởng xây dựng một đường hầm nối liền Trung Quốc đại lục và đảo Đài Loan manh nha từ gần 1 thế kỷ qua và có bước tiến triển đột phá vào năm 2016 khi Bắc Kinh đưa dự án xây dựng một hệ thống đường sắt cao tốc nối liền eo biển vào định hướng 5 năm. Tuy nhiên, chỉ đến gần đây, các chuyên gia khoa học và kỹ sư Trung Quốc mới đồng thuận về phương thức xây dựng hệ thống này.
Tác giả: Minh Phương
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn